Khảo sát trên được Hiệp hội hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) tiến hành hỏi các nhà quản trị kinh doanh, các quan chức chính phủ cao cấp và các học giả. Theo đó, tác động của suy giảm kinh tế ở Trung Quốc cao hơn những lo ngại từ sự yếu kém của kinh tế châu Âu và Mỹ, mặc dù không nhiều.
Đồng chủ tịch của PECC Donal Campbell cho biết 10 năm trước, sản lượng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương chỉ khoảng 20% toàn cầu, nhưng giờ đã tăng lên 35%, và động lực là Trung Quốc. Theo ông, Trung Quốc đang trở lên vô cùng, vô cùng quan trọng với kinh tế thế giới.
Nhu cầu nguyên liệu thô cùng sản phẩm khác của Trung Quốc giúp duy trì hoạt động các nhà máy tại châu Á, bất chấp xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu chậm lại sau khủng hoảng tài chính 2008. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Tuy nhiên những số liệu gần đây đang chỉ ra nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang tăng trưởng chậm lại. Hoạt động sản xuất của Trung Quốc giảm xuống thấp nhất 4 năm trong tháng 8, theo số liệu PMI nước này do HSBC khảo sát. Trong quý II, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất 3 năm và là quý thứ 6 kinh tế nước này tăng chậm hơn.
Theo khảo sát của PECC, 56% số người được khảo sát cho rằng kinh tế Trung Quốc yếu hơn 12 tháng tới, tăng so với mức 36% của lần khảo sát trước.
Suy giảm kinh tế ở Trung Quốc là nguy cơ lớn nhất với tăng trưởng châu Á
Theo 1 khảo sát, kinh tế Trung Quốc chậm lại mới là nguy cơ lớn nhất với tăng trưởng châu Á, chứ không phải các vấn đề từ châu Âu hay Mỹ.