8 sự kiện công nghệ thông tin Việt Nam 2006

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chuyến thăm của Chủ tịch Microsoft Bill Gates và việc Intel đầu tư 1 tỷ USD mở nhà máy tại TP HCM báo hiệu một làn sóng đầu tư mới vào lĩnh vực công nghệ tại VN. Đại học FPT ra đời với mô hình đào tạo mới mẻ góp thêm một hướng giải quyết cho "cơn khát" nhân lực phần mềm trong nước.
8 sự kiện công nghệ thông tin Việt Nam 2006
Ảnh minh họa

Dưới đây là 8 sự kiện công nghệ thông tin tiêu biểu trong năm qua, theo đánh giá của VnExpress.

Tỷ phú công nghệ thông tin Bill Gates đến Việt Nam 

Sự hiện diện của "tượng đài CNTT" thế giới này ở đâu cũng luôn thu hút sự chú ý lớn. Ảnh: Minh Hải.
Với phong thái ung dung và lối nói chuyện lôi cuốn, Gates đã chinh phục được lòng mến mộ của hàng nghìn sinh viên trong buổi giao lưu tại Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 22/4. Ngược lại, ông cũng đã bị hấp dẫn bởi sự hăng hái của tuổi trẻ Việt Nam. Chủ tịch Microsoft còn ghi dấu ấn với những phát biểu đáng chú ý trước 600 đại diện doanh nghiệp tin học trong nước, nhấn mạnh vào việc chú trọng khai thác tối đa dịch vụ phần mềm. Hình ảnh ông nhai trầu khi về Bắc Ninh khởi động dự án OneClick đã khiến khoảng cách giữa nhân vật giàu nhất thế giới với người dân bình dị Việt Nam trở nên gần gũi.

Chuyến thăm hơn một ngày được chính ông đánh giá là "tuy ngắn ngủi nhưng rất có ý nghĩa với nhiều chương trình công nghệ thông tin được khởi động". Bill Gates khẳng định Việt Nam sẽ trở thành đối tác chiến lược của Microsoft. Sự hiện diện của người đứng đầu tập đoàn phần mềm lớn nhất thế giới đã góp phần khẳng định thêm lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ.

Intel chọn Việt Nam làm nơi mở nhà máy chip lớn nhất

Nhà máy tại VN là cơ sở ATM thứ 7 của Intel trên thế giới. Ảnh: Intel.
Sau nhiều lần úp mở về việc mở thêm một cơ sở công nghệ chip tại khu vực Đông Nam Á, cuối tháng 2, Intel chính thức công bố dự án xây dựng nhà máy lắp ráp và kiểm tra chip bán dẫn (ATM) lớn nhất trong mạng lưới sản xuất của họ trên thế giới tại Khu công nghệ cao TP HCM, với trị giá 605 triệu USD. Buổi lễ trao giấy phép đầu tư này đã diễn ra trang trọng với sự hiện diện của, khi đó là, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Những tiến bộ mạnh mẽ của Việt Nam về môi trường đầu tư, chính sách ưu đãi, tiềm năng tăng trưởng của thị trường cũng như sự quan tâm của Chính phủ đối với lĩnh vực công nghệ thông tin đã khiến Intel nhanh chóng mở rộng vốn cho nhà máy này lên 1 tỷ USD vào tháng 11, trở thành dự án đầu tư lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam. Được Intel coi là mô hình nhà máy tương lai của họ trên thế giới, cơ sở ATM tại Việt Nam sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2009 trên diện tích 150.000 m2, với số nhân công khoảng 4.000 người và 100% sản phẩm làm ra được xuất khẩu. Đây sẽ là nơi thực hiện một số khâu quan trọng cuối cùng trong quy trình làm chip, trong đó có việc cắt các tấm wafer đã xử lý thành miếng chip, đưa vào thử điện trước khi cung cấp ra thị trường.

Đại học FPT - học viện công nghệ tư thục đầu tiên ra đời

 

Rất đông thí sinh dự tuyển xét học bổng ĐH FPT. Ảnh: P.V.
Cuối tháng 9, tập đoàn FPT chính thức nhận Quyết định của Thủ tướng thành lập Đại học FPT. Đây là mô hình viện đào tạo công nghệ thông tin trực thuộc một doanh nghiệp đầu tiên ở VN. Hàng loạt yếu tố khác biệt như tuyển sinh đầu vào bằng phương pháp trắc nghiệm, công nghệ đào tạo theo chương trình quốc tế "nhập khẩu" từ Microsoft, cho sinh viên vay học phí, tạo cơ hội việc làm ngay sau khi tốt nghiệp... đã khiến Đại học FPT thu hút tới 4.000 hồ sơ đăng ký dự thi và hơn 1.000 cuộc điện thoại tư vấn tuyển sinh, dù mức học phí khá cao: 900 USD/học kỳ.

Đại học FPT cũng là trường tư thục đầu tiên được chủ động hoàn toàn về chỉ tiêu, cách thức tuyển sinh và chương trình đào tạo, sau khi thực hiện đúng các thủ tục theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sự ra đời một cơ chế giáo dục hoàn toàn khác biệt với mô hình của các trường công lập hiện hành tạo sự kỳ vọng cho nhiều thanh niên cùng các bậc phụ huynh, đặc biệt là khi ngành công nghệ thông tin nội địa luôn trong tình trạng khát nhân lực trình độ cao.

Việt Nam đi đầu về thử nghiệm WiMax
Ứng dụng đầu tiên của công nghệ WiMax là để các em học sinh Lào Cai... tập chat. Ảnh: H.H.

 

Khi dự án thử nghiệm công nghệ kết nối băng rộng không dây (WiMax) đi vào hoạt động trong tháng 10, rất ít người dân tỉnh miền núi Lào Cai - địa phương đầu tiên triển khai - hiểu rằng họ được sử dụng một trong những kỹ thuật tiên tiến nhất mà chưa quốc gia nào trên thế giới chính thức khai thác đại trà. Một số nước như Nga, Nhật, Hàn Quốc... cũng mới ở giai đoạn thử nghiệm. Với khả năng phủ sóng lý thuyết lên tới gần 50 km, WiMax được đánh giá là một giải pháp quan trọng giúp xóa "mù" thông tin tại những địa phương vùng sâu, dân cư dàn trải trên địa hình đồi núi, không thích hợp cho việc kéo cáp.

Tại Việt Nam đã có 4 công ty được cấp phép triển khai công nghệ này, gồm VDC, Viettel, VTC và FPT. Viettel cũng đã có bước thử nghiệm ban đầu tại Hà Nội vào tháng 12. Vấn đề tồn tại của việc ứng dụng WiMax trên diện rộng là giá thiết bị đầu cuối vẫn còn quá cao so với thu nhập chung tại Việt Nam. Mặt khác, còn thiếu chương trình gây dựng một cộng đồng biết sử dụng và khai thác công nghệ, đặc biệt là giới trẻ tại vùng sâu.

Vấn đề bản quyền phần mềm trở nên nóng bỏng

Gia nhập WTO, vấn đề bản quyền phần mềm là một thách thức lớn ở VN. Ảnh: Hoàng Hà.
Việt Nam đã chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và một trong những thách thức phải đối mặt là vấn đề bản quyền ứng dụng tin học. Bước vào WTO, nguy cơ bị kiện ra tòa án quốc tế vì vi phạm Luật sở hữu trí tuệ là hiển nhiên, dù trong nước chưa từng có tiền lệ. Bên cạnh đó, việc hoạt động thanh tra của nhà chức trách năm nay chủ yếu nhắm vào các tổ chức sử dụng, thay vì các đơn vị bán máy tính như năm ngoái, đã khiến nhiều doanh nghiệp nâng cao ý thức trong vấn đề này.

Việc hàng loạt công ty tên tuổi như FPT, các ngân hàng Vietcombank, BIDV... lần lượt ký kết dùng sản phẩm chính hãng với Microsoft phản ánh một xu hướng tất yếu khi mà những trông chờ về giảm giá từ các hãng nước ngoài không phải lúc nào cũng được đáp ứng, còn phần mềm nguồn mở thì chưa tạo được dấu ấn đáng kể nào trong cộng đồng người sử dụng VN.

Thả virus YM thành "phong trào" nhưng không bị xử lý

Có đôi chút hiểu biết về tin học, nhiều kẻ a dua làm càn. Ảnh minh họa.
Sự phổ biến của phần mềm chat Yahoo Messenger (YM) ở Việt Nam đã trở thành "phòng thí nghiệm" virus nội, lây bằng đường link và nhắm vào lỗ hổng của trình duyệt Internet Explorer. Dù trước đây nhiều mã "độc" đã nhiễm vào các máy tính qua con đường chat, sự kiện "Gaixinh" ngày 10/4 với nhiều biến thể được coi là ngòi nổ cho "phong trào", phần vì mã nguồn của virus này đã được tung lên mạng, phần do tác giả của nó không bị xử lý nghiêm khắc.

Nhận thấy đây là một cuộc chơi để thể hiện mình, nhiều thanh niên đã chỉnh sửa đoạn mã (code) virus có sẵn và phát tán qua Yahoo Messenger. Hàng chục biến thể mới xuất hiện với những đường link có tiêu đề rất bình thường hoặc hấp dẫn (như chuyện Hoa hậu Mai Phương Thúy thay quần áo) để khiêu khích trí tò mò của người chat và xâm nhập vào hàng chục nghìn máy tính. Tuy nhiên, tất cả những kẻ phát tán virus bị Trung tâm an ninh mạng Đại học Bách khoa (BKIS) chỉ đích danh và C15 (Bộ Công an) bắt giữ đều không phải nhận án phạt nghiêm khắc nào. "Phong trào" chỉ tạm lắng khi người dùng máy tính tự ý thức không bấm vào đường link lạ, không tải bất kỳ file lạ nào trên Yahoo Messenger hoặc chuyển sang dùng Firefox và bật sẵn các phần mềm diệt virus.

Cơn sốt blog đến cùng Yahoo 360

Vụ tỏ tình chấn động Đại học Bách Khoa HN là ví dụ sức mạnh thông tin của blog. Ảnh: Heo Con's blog.
Web cá nhân đã xuất hiện ở Việt Nam từ lâu, nhưng phải đến khi Yahoo 360 ra đời (cho phép người sử dụng tài khoản trên dịch vụ của họ tạo trang web riêng gắn với nickname trên Yahoo Messenger và Yahoo Mail), thì khái niệm blog mới thực sự tạo nên những thay đổi lớn trong cách giao tiếp và cả cách sử dụng Internet của "cư dân mạng" tại Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Blog tường thuật thông tin nhanh trước cả báo chí, nối vòng tay giao lưu với những buổi offline, quyên góp ủng hộ trẻ em nghèo, thậm chí có tờ báo đã dùng blog làm nơi giao lưu trực tuyến. Nhưng trên tất cả, đây là khoảng không gian mới, giúp người ta có thêm cơ hội thể hiện cái tôi của bản thân.

Sự phát triển nhanh chóng và đa dạng về nội dung của web cá nhân còn được thể hiện qua việc nhiều người lập blog (blogger) hình thành ý tưởng tạo “danh bạ blog” với những tiểu mục chuyên đề thể thao, âm nhạc, văn thơ, kiến trúc… Tuy đâu đó vẫn xuất hiện những trang blog với thông tin gây phả‌ּn cả‌ּm, cộng đồng người sử dụng Internet tại Việt Nam một năm qua đã khẳng định họ đến với blog hoàn toàn nghiêm túc chứ không phải do a dua, phong trào.

Ngành game đi vào khuôn khổ

Thông tư 60 là nỗ lực đầu tiên của cơ quan chức năng đưa ngành game vào khuôn khổ, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ sự phát triển tự phát. Ảnh: H.H.
Trái ngược với hình ảnh sôi động năm 2005, làng game năm nay giống như cảnh “chợ chiều”. Một số nhà cung cấp thừa nhận “miếng bánh game” không ngọt như dự kiến. Năm 2006 tiếp tục có nhiều “mặt hàng” mới được đưa vào kinh doanh nhưng không có cú hích nào đáng kể.

Tháng 6, Thông tư liên tịch số 60 ra đời làm cơ sở pháp lý đầu tiên trực tiếp điều chỉnh lĩnh vực trò chơi trực tuyến. Ngày 14/11, Sở Bưu chính Viễn thông TP HCM ra hạn chót cho các nhà phát hành game online tại Việt Nam phải tiến hành các biện pháp kỹ thuật cần thiết theo quy định, đặc biệt là áp dụng hạn chế giờ chơi của game thủ, nhằm giảm thiểu tác hại do chơi quá độ. Sự không rõ ràng của “điểm thưởng” khi triển khai biện pháp kỹ thuật giới hạn giờ chơi khiến nhà quản lý và doanh nghiệp không tìm được điểm chung. Các cơ quan quản lý cương quyết tiến hành theo luật định với tuyên bố có thể đóng cửa những trò chơi không có giấy xác nhận đủ điều kiện kỹ thuật trước ngày 1/1/2007.

Dù vậy, game vẫn được đánh giá là một trong những dịch vụ nội dung trên Internet phát triển nhanh nhất trong năm tới và cơ quan chức năng đã vào cuộc nhằm định hướng kinh doanh dịch vụ này.

VnExpress

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật