Giá dầu thế giới chốt phiên 26/10 tăng và ghi nhận mức tăng khoảng 4% trong cả tuần, khi các nhà đầu tư theo dõi sát sao xung đột đang diễn ra ở Trung Đông, cũng như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng tới.
Giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 1,67 USD (2,25%) lên 76,05 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 1,59 USD (2,27%) lên 71,78 USD/thùng. Trong cả tuần, giá dầu Brent tăng 4%, trong khi giá dầu WTI tăng 3,7%.
Nhà phân tích cấp cao Phil Flynn tại Price Futures Group, nhận định thị trường dường như đang dao động trong khi chờ đợi câu trả lời cho tình hình về căng thẳng ở Trung Đông và cuộc bầu cử của Mỹ.
Theo ông Flynn, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tạo ra sự bất ổn trên nhiều thị trường và mọi người đang tỏ ra thận trọng, chưa sẵn sàng thực hiện các cam kết lớn do khả năng biến động mạnh và bất ổn.
Các nhà đầu tư toàn cầu đang đổ xô vào đồng USD và đặt cược vào sự biến động gia tăng trong hai tuần tới trước cuộc bầu cử ngày 5/11 tại Mỹ, cũng như cuộc bầu cử ở Nhật Bản, quyết định lãi suất của ba ngân hàng trung ương lớn và việc Chính phủ Anh công bố ngân sách mới.
Cả hai loại dầu chủ chốt đều biến động trong tuần này, tăng giá trong phiên ngày 21 và 22/10 trước khi giảm vào phiên 22 và 23/10, phần lớn do kỳ vọng về rủi ro gia tăng hoặc giảm bớt ở Trung Đông.
Phiên đầu tuần 21/10, giá dầu phục hồi nhẹ, tăng gần 2% sau khi giảm mạnh vào tuần trước đó. Nguyên nhân chính là do xung đột tại Trung Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và lo ngại về khả năng Israel trả đũa Iran, làm dấy lên quan ngại về nguồn cung dầu từ khu vực này.
Căng thẳng Trung Đông tác động đến kinh doanh dầu. (Ảnh: THX/TTXVN)
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc hạ lãi suất cho vay cơ bản để kích thích kinh tế cũng góp phần hỗ trợ giá dầu, mặc dù tăng trưởng kinh tế chậm lại của nước này vẫn là một yếu tố gây áp lực lên nhu cầu.
Sang phiên 22/10, giá dầu tiếp tục đà tăng phiên thứ hai liên tiếp, khi hy vọng về một lệnh ngừng bắn ở Trung Đông mờ nhạt dần và các nhà giao dịch tập trung vào những tín hiệu tích cực về nhu cầu từ Trung Quốc.
Việc chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh các biện pháp kích thích kinh tế, cùng với hạn ngạch nhập khẩu dầu thô tăng lên cho năm tới, đã củng cố niềm tin của thị trường. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn thận trọng, cho rằng cần thời gian để các biện pháp kích thích này thực sự tác động đến nhu cầu dầu.
Tuy nhiên, đà tăng này bị chặn lại vào phiên 23/10, khi số liệu cho thấy lượng dầu thô dự trữ của Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến. Mặc dù những nỗ lực ngoại giao ở Trung Đông phần nào hạn chế đà giảm, nhưng áp lực từ nguồn cung dồi dào vẫn khiến giá dầu đi xuống.
Giá dầu giảm khoảng 1% trong phiên giao dịch đầy biến động 24/10, sau khi xuất hiện thông tin Mỹ và Israel nỗ lực nối lại đàm phán ngừng bắn tại Dải Gaza. Tuy nhiên, thị trường vẫn lo ngại về những bất ổn địa chính trị và bất ổn trước thềm bầu cử Mỹ.
Cuộc đua vào Nhà Trắng đang rất sít sao, và các chính sách năng lượng của ứng viên đắc cử có thể tác động đáng kể đến thị trường dầu mỏ trong thời gian tới.
Ngày 24/10, Goldman Sachs đã giữ nguyên dự báo giá dầu Brent ở mức từ 70-85 USD/thùng vào năm 2025, đồng thời dự kiến tác động từ bất kỳ chính sách kích thích nào của Trung Quốc sẽ ở mức vừa phải so với các động lực lớn hơn như nguồn cung dầu Trung Đông.
Ngân hàng Bank of America dự báo giá dầu Brent trung bình ở mức 75 USD/thùng vào năm 2025 nếu Tổ chức các Nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh (OPEC+) không cắt giảm sản lượng vào năm tới.