Phát hiện di chỉ khảo cổ quý hiếm của thời đại Kim khí tại Vườn Chuối

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đoàn công tác khai quật khảo cổ học vừa công bố nhiều phát hiện quan trọng liên quan đến thời đại Kim khí tại Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội).
Phát hiện di chỉ khảo cổ quý hiếm của thời đại Kim khí tại Vườn Chuối
Các nhà khảo cổ học tại Di chỉ Vườn Chuối.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quý, cán bộ viện Khảo cổ học, cuộc khai quật phía Tây Di chỉ Vườn Chuối đã triển khai trên tổng diện tích 6.000m2. Nhiều hố được khai quật, mỗi hố có diện tích khoảng 100m² và bước đầu có những phát hiện quan trọng.

“Trước hết, nhóm nghiên cứu phát hiện ra mặt bằng khu cư trú thời tiền Đông Sơn. Di tích nằm ở vị trí cao nhất của gò Vườn Chuối, có cấu trúc hình lòng chảo với rìa ngoài cao hơn bên trong khoảng 0,5m. Nhận định ban đầu, người xưa đã lợi dụng địa hình dương - gò đất tự nhiên cũng như địa hình âm dưới chân gò, giữa các gò và đã vượt thổ ở khu vực xung quanh. Từ đó, tạo khu cư trú ở bên trong, cùng một vòng hào bảo vệ rộng khoảng 10m và sâu chừng 2,5-3m bao quanh bên ngoài”, ông Quý cho biết.

Nhìn bằng mắt thường có thể thấy, đất đắp là đất sét màu nâu vàng dễ tìm được trên các gò đất tự nhiên ở khu vực này. Bên trong di tích là dấu vết các giai đoạn văn hóa tiền Đông Sơn. Sườn ngoài là nơi chôn cất người chết. Ở góc Tây Bắc, mật độ chôn cất rất cao, tạo thành một bãi mộ tiền Đông Sơn với ít nhất hai giai đoạn cắt phá nhau.

“Phát hiện rất quan trọng trong lịch sử nghiên cứu thời đại Kim khí ở miền Bắc Việt Nam, giúp chúng ta có những hiểu biết rõ hơn về cách thức xử lý các không gian cư trú nhằm ứng phó với những hiểm nguy từ môi trường tự nhiên cũng như xã hội cổ đại. Đồng thời, việc xây dựng công trình quy mô như trên cũng phần nào phản ánh về xã hội có tổ chức và phân công lao động ở trình độ khá cao”, TS. Nguyễn Ngọc Quý cho hay.

Đồ tùy táng trong mộ Đông Sơn giai đoạn sớm.

Ông Quý cho biết phần khai quật di chỉ Vườn Chuối hiện đã làm gần xong nhưng phần bảo tồn rất chậm.

Từ năm 2019 viện Khảo cổ học cùng các đơn vị liên quan đã lập bộ hồ sơ trình sở, ban, ngành chức năng nhưng tới nay phần phía đông của di chỉ Vườn Chuối (phần được phép giữ lại) mới chỉ ghi vào danh mục di tích được kiểm kê.

Trong khi cùng mức độ giá trị quý hiếm, di chỉ khảo cổ Đồng Đậu đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Các nhà khảo cổ thắc mắc "không biết vì lý do gì" mà việc xếp hạng di tích cho di chỉ này lại chậm như vậy.

Đại diện Bảo tàng Hà Nội cho biết ngay sau hội thảo, Phòng quản lý di sản của bảo tàng sẽ làm việc với Phòng văn hóa của huyện Hoài Đức để hướng dẫn các thủ tục, quy trình hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cho di chỉ Vườn Chuối.

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cam kết cố gắng cùng các nhà khoa học, các cơ quan có thẩm quyền của thành phố sớm hoàn thành việc khai quật và đồng thời thực hiện bảo tồn di chỉ Vườn Chuối.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật