Chính sách này không chỉ nhằm kiểm soát đầu cơ và thổi giá mà còn giải quyết những hệ lụy nghiêm trọng đối với xã hội, đảm bảo tính công bằng và bền vững cho thị trường.
Thị trường bất động sản Việt Nam đang đối mặt với nhiều bất ổn nghiêm trọng. Giá nhà đất liên tục tăng cao, vượt xa khả năng chi trả của phần lớn người dân.
Với mức giá bất động sản trên GDP đầu người thuộc nhóm cao nhất thế giới, giấc mơ sở hữu một ngôi nhà trở nên xa vời đối với không ít người, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều người trẻ phải đối mặt với tình trạng tuyệt vọng khi nghĩ đến việc tự mua nhà trong tương lai gần.
Trong khi đó, hàng triệu mét vuông đất và nhà ở đang bị bỏ hoang một cách lãng phí. Sự bất cân đối này là hệ quả của tình trạng đầu cơ bất động sản, đẩy giá lên cao khiến giá trị thị trường bị bóp méo, và những người có nhu cầu thực sự không thể tiếp cận được nhà ở. Chỉ một nhóm nhỏ những người đầu tư, đầu cơ được hưởng lợi từ sự tăng giá này, trong khi cả xã hội phải chịu đựng những hậu quả nghiêm trọng.
Việc đánh thuế bất động sản thứ hai là cần thiết để điều tiết thị trường, hạn chế tình trạng đầu cơ và đảm bảo tính công bằng. Tuy nhiên, chính sách này phải được xây dựng trên cơ sở hợp lý và linh hoạt, tránh áp dụng máy móc các mô hình từ nước ngoài mà không tính đến đặc thù của Việt Nam.
Để chính sách thực sự hiệu quả, cần có sự phân loại rõ ràng và công bằng đối với các trường hợp sở hữu nhiều bất động sản. Việc này không chỉ đơn thuần dựa vào số lượng bất động sản mà cần xét đến diện tích và giá trị của từng bất động sản.
Ví dụ, một người sở hữu hai căn nhà nhỏ với tổng diện tích chỉ 60m² không nên bị đánh thuế nặng hơn so với một người chỉ sở hữu một căn nhà có diện tích 1000m².
Việc áp dụng thuế lũy tiến dựa trên diện tích và giá trị sẽ giúp phân biệt rõ giữa những người có nhu cầu sở hữu nhà ở thực sự và những người đầu cơ, tích trữ bất động sản với mục đích kiếm lời.
Một lưu ý, yếu tố gia đình và nhu cầu thực tế cần được xem xét kỹ lưỡng. Những gia đình đông con, đặc biệt là con trai, thường có nhu cầu sở hữu nhiều bất động sản hơn để đảm bảo nơi ở cho các thành viên trong tương lai. Điều này hoàn toàn khác với trường hợp một cá nhân độc thân sở hữu nhiều bất động sản nhưng không có nhu cầu ở thực sự.
Chính vì vậy, cần phân loại đối tượng chịu thuế dựa trên mục đích và nhu cầu sử dụng bất động sản. Những bất động sản được sử dụng cho mục đích ở của gia đình lớn nên được xem xét theo cách khác với những bất động sản được mua chỉ để đầu tư hoặc tích trữ.
Ngoài ra, cần có các chính sách miễn, giảm thuế cho các trường hợp sử dụng bất động sản vào mục đích công ích, như cho thuê làm nhà ở xã hội hoặc dùng cho các dự án cộng đồng. Việc này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng cho các nhà đầu tư chân chính mà còn khuyến khích sự phát triển bền vững và hợp lý của thị trường.
Đối với các nhà đầu tư chân chính, những người muốn đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng, cần có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ để họ có thể sử dụng tài sản bất động sản một cách hiệu quả và mang lại lợi ích cho xã hội.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng việc minh bạch thông tin và tăng cường quản lý từ phía cơ quan nhà nước là yếu tố quan trọng không thể thiếu. Cần công khai các thông tin liên quan đến quy hoạch, giá trị bất động sản và các chính sách liên quan để người dân và nhà đầu tư có thể tiếp cận một cách dễ dàng, từ đó đưa ra các quyết định đầu tư và sử dụng bất động sản đúng đắn. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ để ngăn chặn các hành vi đầu cơ, thổi giá và những chiêu trò trục lợi bất hợp pháp trong thị trường bất động sản.
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm
Cuối cùng, chính sách thuế bất động sản thứ hai phải được thiết kế sao cho vừa đáp ứng được yêu cầu điều tiết thị trường, vừa không gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống của người dân. Đây không chỉ là một biện pháp tài chính mà còn là công cụ để điều tiết thị trường, ngăn chặn những hệ lụy từ tình trạng đầu cơ và lãng phí tài nguyên đất đai.
Nếu chính sách được triển khai một cách cẩn trọng và khoa học, nó sẽ góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản, giúp tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là những người có nhu cầu sở hữu nhà ở thực sự, có thể tiếp cận với thị trường một cách công bằng và minh bạch.
Bất kỳ chính sách nào cũng cần phải lấy lợi ích chung của xã hội làm trung tâm. Việc đánh thuế bất động sản thứ hai không nên chỉ dừng lại ở việc tăng nguồn thu cho ngân sách mà phải hướng tới việc tạo ra một môi trường bất động sản lành mạnh và minh bạch hơn. Chỉ có như vậy, thị trường bất động sản mới có thể phát triển ổn định và bền vững, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam.