Thời gian chờ con ăn sáng, cô tranh thủ lướt web. Chồng cũ gửi email, lời lẽ đầy tâm tình: “Em à… Anh vào Sài Gòn, muốn đến thăm hai mẹ con lắm nhưng trưa qua ngủ trưa, mở cửa sổ phòng khách sạn, bị thằng phải gió nào khều mất cái ví. Tiền không còn, chỉ còn vài chục ngàn để trong túi quần, không thể đến thăm hai mẹ con. Em đưa con đến khách sạn Hoa Lan, đường Hai Bà Trưng mình gặp nhau nhé…”.
“Bố khỉ!”. Ngân cáu kỉnh. Thằng con ngơ ngác nhìn: “Mẹ, mẹ nói cái gì bố đấy?”. “Khônggg”. Thằng con vẻ mặt cụ non: “À, thì ra mẹ lại văng tục”. Ngân không đáp lại, đưa khăn ướt lau miệng cho thằng nhỏ, giục nó nhanh chân đến lớp.
Lúc ấy Ngân nhanh chân chạy đến cơ quan. Hàng trăm bông dầu xoay tít xô nhau như nhảy dù từ những vòm xanh cao vút đáp xuống vai người đi đường. Có một bông dầu vừa đáp qua vai Ngân khiến cô chạy chậm lại một chút. Dường như đó là phản ứng khi đi qua những con đường đầy hoa, lá rụng. Bao năm ở Sài Gòn, bao lần va đập bình bình chuyện này chuyện kia, cô nghĩ đơn giản đó là phản xạ, không nghĩ vì sự lãng mạn ít ỏi của cô bé học Văn khoa thích làm thơ ngày nào vẫn còn trong mình.
Xe chạy qua đường Hai Bà Trưng, tới khách sạn Hoa Lan, Ngân ngước lên nhìn. Khách sạn dưới cả mức bình dân. Bố của con mình - người yêu đầu tiên - từng là người mình ngóng như đốt lửa mỗi lần trễ hẹn, và từng chồng mình đang ở trên đó, tầng 3. Nhếch nhẹ nụ cười, nàng ngó lơ theo gã choai choai mặt hầm hố vừa băng qua đường vừa bấm còi inh ỏi.
* * * * *
Gần sáu năm trước là cuộc hôn nhân chóng vánh. Ra trường, Ngân xin vào một cơ quan nhà nước. Không có nhiều thời gian để tìm hiểu cho thật sâu sắc bất cứ mối quan hệ nào. Lấy chồng vì gần ba mươi tuổi, bố mẹ giục tới giục lui. Cân đo đong đếm hơn thua giữa các mối quan hệ xung quanh, ai thấy phù hợp thì chọn. Mẹ chồng lần đầu ra mắt ngay lập tức quý mến con dâu vì là “trẻ thế mà người nhà nước cơ đấy” - bà đi khắp làng khoe. Dù vậy, Ngân vẫn tin mẹ là người có tâm khi có lần, cho con dâu xem tủ quần áo của mình, bà nói, bộ đồ đẹp nhất trong đời mẹ là áo dài cưới. Cái áo lụa màu trắng hơi úa màu thời gian một tẹo, có mấy bông hoa cúc vàng được mẹ tự thêu bằng đường chỉ đơn sơ khiến Ngân mềm lòng khi chạm tay vào nó. Ngân nói với mẹ rằng, tiếc là Ngân biết chiếc áo dài cưới này trễ quá, nếu không nhất định sẽ mượn mẹ để mặc vào ngày cưới. Nụ cười mẹ hóm hỉnh: “Thật là nó vẫn đẹp chứ? Mẹ nghĩ nó cổ lỗ sĩ lắm rồi”.
Hải tốt nghiệp đại học sau gần chục năm trầy trật nợ môn, thi đi thi lại. Hải tiếp tục trầy trật từ công ty này sang công ty khác, nghỉ chỗ nào cũng vì lí do sếp dốt. Khi mới yêu, Ngân nghĩ Hải là người có chí, có khí, ngang tàng. Đàn ông đích thực phải thế. Ngân tin tưởng vào sự hiểu biết của mình. Về ở với nhau chỉ một năm, cô nhận ra hết thảy đức tính người “đàn ông đích thực” ấy ngụy tạo cho mình nhằm che đậy sự kém năng lực và lười lao động của anh. Sau những ngày thất nghiệp triền miên, Hải bập vào ma men và cờ bạc. Kết quả của ma men là cái bầu của cô bồ mới mất chồng hai tháng trước. Kết quả của cờ bạc là căn nhà cả mấy mẹ con, bà cháu bị siết nợ.
Ngày chia tay cũng chóng vánh như lần đến với nhau. Điều duy nhất dùng dằng là thằng con bốn tuổi. Tuổi đó lẽ ra nó cần được ở với mẹ nhưng cả bà cả bố nó chiến thắng trong việc dành con. Họ có dư thời gian chăm cháu so với công việc đòi hỏi công tác thường xuyên của cô. Ngân ra đi, hành trang chỉ có sách, laptop, nước mắt và dăm bộ quần áo. “Mẹ chẳng có gì để bù đắp cho con”. Ngày ra đi, ôm mẹ chồng, nghe mẹ nói điều ấy, Ngân thấy chỉ cần có vậy. Đầu cô nhẹ bẫng, bước chân thấp chân cao như kẻ hụt hơi.
Đã là mùa xuân nhưng trời vẫn còn lạnh. Lâu lắm rồi Ngân đợi những sáng mai nắng lên trong ngần mà không thấy. Những cơn gió chạy phần phật trên mái ngói. Ngân nằm trong chăn ấm thơm tho mùi mồ hôi thằng Chuột tưởng như còn quẩn quanh từ mùa cũ. Những đêm gió lạnh, thằng Chuột cuộn mình trong chăn ấm vẫn rúc sâu vào ngực mẹ. Nó rủ rỉ rù rì đủ thứ chuyện. Có khi những câu chuyện không hề ăn nhập nhau. Chẳng quan trọng. Mục đích của những câu chuyện ấy là dỗ dành cả hai mẹ con vào giấc ngủ thật ấm.
Ngân bấm điện thoại chồng cũ, gọi con. Chẳng biết nó dậy chưa.
Cô cần gì?
Tôi muốn gặp con…
Mẹ à?
Chuột à, mẹ đây. Con đang làm gì đấy?
Con vừa đi tắm suối về.
Trời đất - Ngân đạp tung chăn - Con đi tắm suối? Lạnh thế này mà tắm suối?
Mẹ ơi, tắm ở nhà, nhà tắm bị hư cửa còn lạnh hơn. Xuống suối ấm lắm mẹ ạ.
Ngay lập tức, Ngân cảm nhận những cơn gió lạnh đang cắn vào lòng mình. Bên kia, giọng con lanh lảnh:
Mẹ à, lúc nào mẹ lên thăm con?
Cuối tuần mẹ lên nhé.
“Nói mẹ mày nhớ mua nhiều sữa, xúc xích” - giọng Hải vọng vào.
Mẹ ơi, mẹ nhớ…
Ừ mẹ nhớ rồi, sữa, xúc xích.
Mẹ nhớ mua cả sữa bé hai tuổi cho bé Na.
Ừ, mẹ nhớ.
Vậy thôi mẹ nhé, con cúp máy.
Tiếng cạch khô khốc vang lên. Bao giờ cũng thế, bố thằng Chuột rất biết tranh thủ mượn miệng thằng bé để xin xỏ đồ ăn cho cả gia đình. Bất chấp cả tính sĩ diện để xin cả cho vợ sau và con riêng, những người không hề liên quan Ngân. Tiếng thở dài kéo theo không gian đặc quánh. Mái ngói vẫn rào rạt những cơn gió se sắt.
Mùa xuân năm ấy sao thật lạnh.
Mùa bớt lạnh hơn, lạ thay lại là mùa đông năm qua. Khi Hải đã quá áp lực với việc lo cho hai đứa nhỏ mà đồng ý trả thằng Chuột về cho mẹ của nó. Bà nội đã già, chẳng còn đủ sức phụ chăm cháu. Ngày quay về đón con, một sáng chạm xuân, bà tỏ ra ái ngại khi thấy Ngân xinh xắn, trẻ trung hơn cả ngày ra đi. Tay bà run run khi trao cho Ngân bộ áo dài cũ: “Mẹ tặng con, sau này có dịp, con cứ mặc nếu vẫn còn thích, nhưng đừng lơ là thằng Chuột trong bất kì hoàn cảnh nào nhé”. Ngân cúi xuống giấu dòng nước mắt vừa chảy vội: “Con xin nhận, vì con rất yêu quý mẹ và món quà quý này. Hạnh phúc của con, có lẽ chỉ cần có thằng Chuột”. “Mẹ vẫn luôn cầu mong hạnh phúc của con được tròn đầy. Có những hạnh phúc một nửa mà mình tự dối lòng đã đủ, chỉ vì mình chưa có cơ hội để làm đầy thôi con”...
* * * * *
Cuộc đời luôn có những điều bất ngờ đợi chờ phía trước. Những bất ngờ của Ngân, không hiểu sao thường đến vào mùa xuân. Bất ngờ nhất, như bè bạn Ngân vẫn nói, có lẽ là việc Ngân quay lại làm thơ. Mà lại là thơ bán chạy hẳn hoi, thơ vẫn cò người đọc hẳn hoi, trong thời mà người ta vẫn trêu những người làm thơ: “Gặp đây tay bắt mặt mừng/ Nói gì thì nói, xin đừng tặng thơ”.
Phi là một trong những độc giả yêu thơ Ngân. Anh gõ cửa trong một chiều cuối xuân, sau khi đã đặt mua thơ trên FB. Họ gặp nhau lần đầu tiên trong quán trà sữa, xung quanh là những cô cậu nhóc tuổi teen dành thời gian để selfie, yêu nhau nhiều hơn để trò chuyện và uống nước. Cả Phi và Ngân, dành thời gian lặng im để nhìn nhau, thi thoảng mỉm cười, thi thoảng hỏi han vài câu chuyện không đầu đuôi mấy. Lâu lắm rồi, Ngân đã không còn nghĩ làm sao để trở nên duyên dáng trong mắt người đàn ông đối diện… Và họ ra về mang theo những dịu êm.
Ngân vẫn nghĩ đó là lần cuối gặp, vì Phi nói, anh sắp đi định cư Hà Lan, và có lẽ sẽ không quay về. Cả gia đình anh đã ở bên ấy, anh là người níu kéo cuối cùng, dùng dằng lòng mình mãi với mảnh đất quê. Sau mười năm dùng dằng, anh nhận ra mình cô đơn quá đỗi khi không có người thân trên mảnh đất quê hương. Bè bạn, những người thân sơ ngày càng trở nên xa lạ, khi nói chuyện với họ, chỉ là về dự án này, đối tác nọ. Đã lâu lắm rồi, anh mới có một buổi nói chuyện dịu êm hết mức khi chỉ về nhạc, về sách, về hoa tulip, hoa xuyến chi… như với Ngân.
Và vì thế, chỉ vì thế thôi, anh có thể ôm Ngân một cái để cảm ơn không?
Ngân mỉm cười. Sau nụ cười là cái ôm thật ấm. Đã lâu lắm rồi, Ngân mới thấy lòng mình mềm đi khi nghe tiếng tim mình đang đập rất đỗi dịu dàng. U40 rồi, chẳng có nhiều thời gian hơn thời ngoài 20, nhưng đã biết dành đủ thời gian để lắng nghe thật sâu nhịp đập trái tim mình.
Chiều nay, Phi đứng ở cổng chung cư đợi Ngân về, không hẹn trước. Anh cầm bó hoa tulip từ xứ sở cối xay gió, gìn giữ suốt một chặng bay dài. Anh quay lại còn bất ngờ hơn cả ngày anh “bổ nhào” vào cuộc sống của Ngân.
Anh nhớ em.
Đám cưới mùa thu, có cô dâu mặc tấm áo dài hoa cúc. Trong lễ cưới, khi Phi cài một đóa hồng pha lê lên ngực áo dài, Ngân nghe tim mình ngân lên giai điệu trong lành như nắng mai. Và đúng là những vạt nắng ấy, ngoài hiên kia, Ngân đã đợi chờ từ lâu lắm.
Truyện ngắn: VÕ THU HƯƠNG