Sáng nay (5/9), hơn 23 triệu học sinh trên cả nước bước vào năm học mới. Tham gia lễ khai giảng tại trường mầm non của con trai, cùng niềm vui của các con, tôi cảm thấy rất xúc động. Những gương mặt trẻ thơ tươi vui, hớn hở với cờ, hoa trên tay, hòa mình cùng những tiết mục văn nghệ. Lễ khai giảng đã thực sự hướng đến chủ nhân của sự kiện - học sinh. Thật may vì không còn những diễn văn, những báo cáo dài lê thê. Cô hiệu trưởng tương tác, trò chuyện gần gũi với các con. Tự nhiên, tôi cảm thấy chộn rộn khi nhớ đến bài thơ Ngày khai trường của Nguyễn Bùi Vợi:
"Sáng đầu thu trong xanh/ Em mặc quần áo mới/ Đi đón ngày khai trường/ Vui như là đi hội... Tiếng trống trường gióng giả/ Năm học mới đến rồi/ Chúng em đi vào lớp/ Khăn quàng bay đỏ tươi".
Ngày khai giảng đánh dấu sự khởi đầu của một chặng đường mới trên con đường học tập của trẻ, chủ thể của ngày khai giảng phải là học sinh. Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, PGS. TS. Trần Thành Nam (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) từng nói, để ngày khai trường thực sự hạnh phúc, nhà trường phải dám chấp nhận sự khác biệt, dám thay đổi những khuôn mẫu niềm tin cố hữu về ngày khai trường. Mỗi giáo viên cũng cần sự sáng tạo để thể hiện và lan tỏa sự yêu thương đến những học sinh của lớp mình trong ngày khai giảng.
Học sinh trở thành trung tâm của buổi lễ, thể hiện ngay từ việc chào đón ở cổng chào. Các em được xuất hiện trên sâu khấu chính, được phát biểu, được thể hiện tài năng nghệ thuật và trình diễn, được nhận những tràng vỗ tay. Thay vì các bài phát biểu dài dòng theo khuôn mẫu là những câu chuyện truyền cảm hứng. Ngày khai trường được tổ chức như một không gian giao tiếp mở, sân khấu gần gũi thoải mái và không xa cách với mọi người tham dự để tạo nên cảm giác gắn kết thân thiện. Mục tiêu của một ngôi trường là đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện phát triển nhân cách và nhu cầu được hạnh phúc của người học.
Những năm gần đây, dường như lễ khai giảng đã trở nên nhẹ nhàng, có những tương tác đích thực dành cho học sinh. Nội dung và hình thức thể hiện gần gũi, thật sự chạm đến cảm xúc của các em.
GS. Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh từng chia sẻ, nếu ngày khai trường hướng đến trẻ, vì trẻ thì cần xác định đúng mục tiêu, tính chất và cả phương thức. Cần xác định đúng trọng điểm phần hội, để học sinh được vui, được trải nghiệm những xúc cảm đúng nghĩa, tươi mới nhằm tạo ra động lực đến trường và học tập. Ngày khai trường với các nghi lễ, hoạt động phải dành tất cả cho học sinh, tôn trọng mong đợi và cảm xúc của học sinh để có một ngày hội thực sự thân thiện, tích cực, ấn tượng.
"Giáo dục và đào tạo cần tiếp tục hướng đến phát triển con người và hạnh phúc của con người, phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...".
(trích thư Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành Giáo dục nhân ngày khai giảng năm học 2024-2025)
Đảng, Nhà nước ta luôn xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đã và đang có những chính sách ưu tiên phát triển giáo dục, đào tạo. Năm học 2023-2024, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nền giáo dục nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Các em học sinh mầm non trong lễ khai giảng năm học mới 2024 - 2025. (Ảnh: Phi Khanh)
Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên thực hiện Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và triển khai Chuơng trình Giáo dục phổ thông mới ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12.
Vì vậy, trong thư gửi ngành Giáo dục nhân ngày khai giảng năm học mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mong ngành Giáo dục cần tập trung thực hiện tốt chủ đề năm học đã đề ra là: "Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng: "Giáo dục và đào tạo cần tiếp tục hướng đến phát triển con người và hạnh phúc của con người, phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...".
Đồng thời, ông đặt niềm tin ở các em học sinh, sinh viên, học viên sẽ nỗ lực học tập, tu dưỡng, tiếp thu và làm chủ kiến thức, hình thành những năng lực cốt lõi, tạo dựng những khát vọng lớn lao để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục luôn tâm huyết, yêu nghề, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cao quý của mình. Các bậc phụ huynh, vì tương lai con em chúng ta, phối hợp tốt với nhà trường, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trọng công tác giáo dục.
"Tôi đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương, các cấp ủy Đảng, chính quyền chăm lo hơn nữa sự nghiệp giáo dục bằng các quyết sách kịp thời, thiết thực và đúng đắn để các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh, sinh viên, học viên được giảng dạy, học tập trong một môi trường lành mạnh và đầy đủ các điều kiện để phát huy năng lực sáng tạo, thực hiện thành công trong công cuộc đổi mới của giáo dục nước nhà", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận, đây là năm học “có rất nhiều nhiệm vụ và thử thách lớn”. Một trong những nhiệm vụ được Bộ GD&ĐT lấy làm trọng tâm của năm học này là nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trong đó sẽ nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Không ít chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải nhìn nhận lại bản chất của giáo dục, đó là hành trình khơi ra những khả năng mới của người học, có thể là khả năng tư duy, khả năng sử dụng ngôn ngữ, khả năng sáng tạo... và quan trọng nhất là khả năng tự học.
Suy cho cùng, nội dung giảng dạy chỉ là chất liệu để người học sử dụng nhằm khơi ra và đào luyện các khả năng của mình, để trưởng thành. Muốn vậy, người thầy sẽ không nhìn một học sinh như một đứa trẻ cần dạy dỗ, mà cần được nuôi dưỡng. Khi đó, công việc thực sự của những người làm giáo dục, quan trọng nhất là các thầy cô và các bậc cha mẹ, chính là khơi ra những cái mới của trẻ, chứ không phải là nhồi nhét thông tin và kiến thức các môn học để đạt điểm cao.
Giáo dục là khai phóng tư tưởng, ý chí vươn lên của các em, làm sao để hướng đến một đất nước sáng tạo. Rất may chương trình giáo dục phổ thông 2018 với cách tiếp cận phát triển năng lực đã khắc phục phần nào hạn chế của chương trình giáo dục 2006 khi đặt trọng tâm vào phát triển năng lực, thay vì trang bị nội dung các môn học.
Vì vậy, năm học mới 2024-2025 bắt đầu, chúng ta có quyền hy vọng vào sự thay đổi về chất lượng giáo dục trong thời gian tới cũng như mong các em học sinh "mỗi ngày đến trường là một ngày vui", trường học phải thực sự hạnh phúc...