Phía sau quy mô margin kỷ lục
Thống kê từ báo cáo tài chính của 62 công ty chứng khoán, đại diện 99% tổng vốn chủ sở hữu toàn ngành, cho thấy dư nợ cho vay ký quỹ (margin) đạt 218.900 tỉ đồng tính tới cuối quí 2-2024 – tăng lần lượt 11,5% và 53,4% so với thời điểm cuối quí 1-2024 và cùng kỳ năm 2023. Điều này góp phần đẩy tỷ lệ dư nợ margin/tổng vốn hóa thị trường lên mức 9,4%, là mức cao nhất trong lịch sử.
Tại các công ty chứng khoán, dư nợ margin tăng thấp, hoặc giảm ở nhóm có tệp khách hàng cá nhân lớn như VPS, MBS nhưng tăng mạnh ở nhóm phục vụ khách hàng tổ chức như HSC, TCBS.
Theo đó, TCBS ghi nhận dư nợ margin gần 24.200 tỉ đồng tính tới cuối quí 2-2024, tăng hơn 51% so với đầu năm. HSC ghi nhận dư nợ hơn 18.500 tỉ đồng, tăng khoảng 1,5 lần so với đầu năm. SSI, và VNDirect cũng ghi nhận mức tăng khoảng vài nghìn tỉ đồng những tháng gần đây.
Điểm đáng lưu ý trong bức tranh margin toàn thị trường quí 2 là dư nợ tăng tới 22.600 tỉ đồng so với quý 1, trong khi quy mô vốn hóa giảm 1.400 tỉ đồng, thanh khoản cải thiện không đáng kể và gần như đi ngang, còn TTCK Việt Nam trải qua giai đoạn điều chỉnh – có giai đoạn chỉ số VnIndex tới giảm 129 điểm.
Từ góc nhìn người trong cuộc, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối nghiên cứu và phân tích thuộc Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, dư nợ margin quí 2-2024 tăng nhanh so với các quí liền trước. Nhưng bóc tách cụ thể thì phần dư nợ gia tăng chủ yếu do các cổ đông/nhà đầu tư lớn tăng cường mua vào cổ phiếu đang nắm giữ, với mong muốn cân bằng áp lực bán ròng từ khối ngoại, qua đó bảo vệ giá trị tài sản.
Theo đó, khối ngoại đã bán ròng hơn 38.000 tỉ đồng trên HoSE trong quí 2, với lực bán rất mạnh vào tháng 5-6. Xu hướng tương tự diễn ra trong tháng 7, nâng tổng giá trị bán ròng từ của khối ngoại lên gần 60.000 tỉ đồng trong 7 tháng đầu năm 2024.
“Họ có thể gom cổ phiếu bằng tiền vốn của bản thân hoặc tiền đi vay và khi vay đến một ngưỡng sẽ căng cứng margin”, ông Minh nói và dự đoán các nhà đầu tư lớn có thể đang trong giai đoạn khó khăn.
Bổ sung, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup đánh giá, sự tăng trưởng của dư nợ margin có liên quan đến các giao dịch cổ đông lớn và lãnh đạo doanh nghiệp.
Dẫn chứng, ông Thuân cho biết nhà đầu tư cá nhân vẫn duy trì xu hướng tăng mua ròng cổ phiếu bằng nguồn vốn tự có và vốn vay, với giá trị mua ròng 39.600 tỉ đồng trên sàn HOSE trong quí 2, tập trung chủ yếu ở các cổ phiếu vốn hóa lớn, chịu áp lực bán ròng của khối ngoại như: VHM, VRE, VIC, STB, MSB, VCB, CTG, HDB, BID.
Giá trị mua ròng tăng, nhưng số dư tiền gửi của nhà đầu tư các nhân tại các công ty chứng khoán lại giảm gần 10% so với quí liền trước, qua đó thu hẹp sức mua cổ phiếu của nhóm này trong bối cảnh công ty chứng khoán chỉ được phép cho vay tỷ lệ tối đa 50% – tức nhà đầu tư chỉ được phép mua chứng khoán với quy mô gấp đôi số tiền bỏ vào.
Diễn biến biến này, theo ông Thuân, thể hiện sức mua ròng của nhà đầu tư cá nhân là chưa đủ để hấp thụ số dư nợ margin gia tăng trong quí 2-2024, với qui mô lên tới 22.400 tỉ đồng.
“Sự tăng trưởng của margin một phần lớn liên quan đến các giao dịch của lãnh đạo hoặc cổ đông lớn mua lại các lô cổ phiếu lô lớn thỏa thuận, trong đó có những lô do một số nhà đầu tư nước ngoài bán”, ông Thuân kết luận.
Chưa đáng lo, nhưng rủi ro vẫn có
Dư nợ margin tại nhiều công ty chứng khoán liên tục gia tăng khi định giá thị trường không còn rẻ, song ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, nhà đầu tư không cần quá lo lắng vì điều này phù hợp với diễn biến tăng vốn của các công ty chứng khoán trong giai đoạn trước và sự mở rộng của số lượng nhà đầu tư.
Theo ông Minh, dư địa cho vay margin từ các công ty chứng khoán còn rất lớn sau những đợt tăng vốn giai đoạn cuối năm 2023 – nửa đầu năm 2024. Ngoài ra, danh mục cho vay margin ở công ty chứng khoán hiện khá lành mạnh.
“Trước đây dư nợ căng nhất chủ yếu ở bất động sản, đây là nhóm rủi ro nhưng bây giờ dư nợ ở các công ty bất động sản không nhiều, không ai dám cho vay. Hiện danh mục margin công ty chứng khoán chủ yếu là cho vay nhóm sản xuất, ngân hàng”, ông Minh đánh giá.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tuy có lúc đối mặt với không ít phiên lao dốc, nhưng sau đó lại phục hồi mạnh mẽ. Ảnh: LÊ VŨ
Lạc quan về triển vọng thị trường, nhưng vị này cũng không quên cảnh báo, một số công ty chứng khoán sở hữu cơ cấu khoảng 20-50% nguồn vốn vay từ khách hàng tổ chức và cá nhân, vẫn có thể đối mặt với rủi ro tái cấp vốn.
“Khi các sự kiện tiêu cực xảy ra, có thể kích hoạt việc rút vốn hàng loạt từ các khách hàng và dẫn đến các vấn đề thanh khoản cho công ty chứng khoán”, ông Minh phân tích.
Thực tế, trong thời gian qua, một số công ty chứng khoán đã thực hiện một số khoản trích lập dự phòng rủi ro với giá trị hàng chục tỉ đồng. Chẳng hạn, VPBankS trích lập dự phòng với giá trị 81 tỉ đồng tính tới ngày 30-6-2024, trong khi con số này ở thời điểm cuối năm 2023 là hơn 50 tỷ đồng. VNDirect cũng trích lập dự phòng với giá trị 81,8 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ là 5,4 tỉ đồng.
Dù tỷ lệ giữa mức trích lập và dư nợ cho vay chỉ ở mức rất khiêm tốn, nhưng đây là một khoản lớn nếu so với doanh thu mang về từ hoạt động cấp margin, cũng như so với lịch sử hoạt động trước đây.
Theo các chuyên gia của hãng xếp hạng tín nhiệm VIS Rating, rủi ro tài sản với các công ty chứng khoán trong lĩnh vực phân phối trái phiếu vẫn ở mức cao. Ví dụ TCBS, VPBankS, VNDirect đã gia tăng quy mô danh mục trái phiếu được phát hành bởi những doanh nghiệp lớn và tiếp tục cam kết môi giới mua lại trái phiếu đã bán cho các nhà đầu tư.
Riêng VNDirect đã ghi nhận các khoản phải thu quá hạn trong quí 2-2024 từ khách hàng lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, mà gần đây đã chậm trả gốc/lãi trái phiếu.
“Các khoản cho vay ký quỹ với khách hàng lớn gia tăng. Những khoản này làm tăng rủi ro cho các công ty chứng khoán nếu buộc phải bán giải chấp tài sản đảm bảo trong giai đoạn giảm giá của thị trường chứng khoán, như đã xảy ra trong quí 4-2022”, chuyên gia của VIS Rating lo ngại.