Giá vàng đã giảm từ mức cao kỷ lục trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Mỹ tăng và đồng USD mạnh lên. Cục Phân tích Kinh tế Mỹ gần đây đã điều chỉnh ước tính tăng trưởng GDP quý II lên 3%, tăng so với mức ban đầu là 2,8%.
Việc điều chỉnh này nhấn mạnh khả năng phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới bất chấp lãi suất cao hiện hành, thách thức các giả định về nhu cầu nới lỏng chính sách tiền tệ ngay lập tức của Cục Dự trữ Liêng bang Mỹ (Fed).
Giá vàng giảm khi đồng USD mạnh lên
Theo báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 7 đã tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.
Các mức tăng này phù hợp với dự báo mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. PCE lõi - thước đo loại trừ hai nhóm hàng hóa có nhiều biến động là năng lượng và thực phẩm - tăng 0,2% so với tháng trước.
Số liệu PCE là thước đo lạm phát quan trọng đối với các quyết định chính sách tiền tệ của Fed và cũng sẽ là báo cáo quan trọng mà cơ quan này dựa vào để đưa ra chính sách tiền tệ tại cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) diễn ra vào ngày 17-18/9 tới.
Sau thông tin này, chỉ số USD Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh trong rổ 6 loại tiền tệ lớn - đã bật tăng 0,38% lên mức 101,73 điểm.
Sức mạnh của đồng USD, cùng với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, đã góp phần làm giá vàng suy yếu. Giá vàng giao ngay đã đóng cửa tuần này ở mức 2.503 USD/ounce, tức giảm 17 USD.
Tính chung cả tháng, giá vàng thế giới vẫn ghi nhận mức tăng 2%. Tháng này, kim loại quý từng lập đỉnh lịch sử tại 2.531 USD/ounce trong phiên ngày 20/8.
Giá vàng thế giới yếu đi. Ảnh: Kitco.
Sự chú ý của thị trường hiện dồn vào báo cáo việc làm của Mỹ sẽ được công bố vào tuần tới. Báo cáo này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình kỳ vọng cho quyết định lãi suất vào tháng 9.
Các quan chức Fed sẽ xem xét kỹ lưỡng số liệu tuyển dụng trong tháng 8 để tìm bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy thị trường lao động tiếp tục suy yếu, đặc biệt tập trung vào số liệu thất nghiệp.
Tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tệ đi có thể khuyến khích Fed cắt giảm lãi suất mạnh hơn nhằm bảo vệ nền kinh tế khỏi những hậu quả tiềm ẩn của thị trường.
Chứng khoán Mỹ vọt tăng
Tại thị trường chứng khoán Mỹ, đóng cửa phiên giao dịch tuần này, các chỉ số chính đều tăng điểm nhờ được hưởng lợi từ thông tin báo cáo PCE.
S&P 500 tăng 1% đóng cửa tại mức 5.648 điểm với 76% cổ phiếu trong rổ chỉ số này ghi nhận mức tăng. Đây cũng là tháng thứ 4 tăng điểm liên tiếp của chỉ số này.
Tính từ đầu năm đến nay, S&P 500 đã tăng hơn 18% và chỉ còn cách 0,4% so với mức cao nhất mọi thời đại được thiết lập vào tháng 7.
Tương tự, Nasdaq Composite cũng tăng lên mức 17.713 điểm (+0,7%). Dow Jones cũng lập đỉnh phiên thứ 2 liên tiếp, khi tăng 0,5% lên 41.563 điểm.
Đầu tháng này, chứng khoán Mỹ đã ghi nhận phiên bán tháo mạnh do mối lo suy thoái kinh tế, với S&P 500 ở thời điểm chạm đáy của tháng đã giảm tới 7%; Dow Jones và Nasdaq giảm tương ứng 5% và 11% so với đầu tháng.
Sau đó, sự gia tăng tới từ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và chăm sóc sức khỏe cùng với nỗi lo suy thoái lắng xuống đã giúp nâng chỉ số thị trường chứng khoán Mỹ trong tháng 8.
Tính chung cả tháng, S&P 500 ghi nhận mức tăng hơn 2%; Dow Jones tăng gần 2% và Nasdaq tăng gần 1%.
Tương tự, thị trường chứng khoán của châu Á cũng khởi sắc. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản hiện bật tăng 0,7% và đóng cửa phiên cuối tuần này ở mức 38.647 điểm.
Dự báo về thị trường vào tháng 9 tới, Adam Turnquist - Chiến lược gia của LPL Financial - cho biết kể từ năm 1950 chỉ 43% thời gian chứng khoán Mỹ tăng giá vào tháng 9, khiến đây trở thành tháng tồi tệ nhất đối với mặt hàng cổ phiếu.