Tin liên quan
Lỗ hổng phòng thủ của Nga ở vùng biên giới
Giao tranh dữ dội vẫn diễn ra ở biên giới Nga, Ukraine cho biết đã tiến hành thêm một đợt đột kích vào sâu trong lãnh thổ Nga cách khu vực giao tranh tại Kursk khoảng 240km.
Chuyên gia George Barros thuộc viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) nhận định, việc Ukraine xâm nhập khu vực Kursk sẽ khiến các chỉ huy quân sự của Nga phải xem xét một số vấn đề mà họ chưa từng đối mặt kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022. Đó là, Nga đã không đầu tư nhiều nguồn lực bảo vệ biên giới nước này, thay vào đó, tập trung đưa quân tới Ukraine.
Trước đây, Kiev được cho là không có khả năng thực hiện bất cứ cuộc tấn công mạnh mẽ nào vào lãnh thổ Nga. Chưa kể, nước này cũng bị hạn chế về cách thức sử dụng các loại vũ khí do phương Tây cung cấp. Điều đó khiến Nga cho rằng, lãnh thổ của họ vẫn luôn được đảm bảo an toàn.
Nhưng chiến dịch đột kích Kursk đang chứng minh điều ngược lại, đồng thời đặt ra thách thức lớn đối với các kế hoạch của Nga nhằm hoàn thành những mục tiêu lớn trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Theo ông George Barros, trong 2 năm qua, quân đội Nga dường như ít chú ý đến việc bảo vệ vùng biên giới giáp với khu vực đông bắc Ukraine.
“Khoảng 1.000km biên giới của Nga không có đủ lực lượng bảo vệ, cũng như không được củng cố tuyến phòng thủ. Moscow có lẽ đã triển khai một phần lực lượng bảo vệ biên giới tham gia các hoạt động khác tại Ukraine”, ông George Barros lưu ý.
Tuy vậy, sau cuộc tấn công của Ukraine vào khu vực Kursk, Nga đã tập trung mọi nỗ lực để đẩy lùi đối phương và điều này có thể thay đổi bản chất cuộc chiến, ông Barros nhận định.
Sau gần 2 tuần giao tranh, Ukraine tuyên bố kiểm soát hơn 1.150km2 lãnh thổ Nga. Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, ông Oleksandr Syrskyi cho biết, diện tích lãnh thổ biên giới Nga mà Ukraine chiếm được trong tuần đầu tiên gần bằng diện tích lãnh thổ mà Moscow đã chiếm được ở Ukraine kể từ đầu năm đến nay.
Trước đây, Ukraine chủ yếu dùng phương tiện không người lái cùng với vũ khí tầm xa tấn công các tài sản quân sự trên đất Nga như sân bay, kho bãi và nhà máy lọc dầu. Kiev rất hiếm khi triển khai binh sỹ vượt biên vào Nga.
Theo ông Barros, Nga cần phải xem xét một cách lâu dài những thách thức ở khu vực biên giới của nước này, một mặt do việc xây dựng hàng rào phòng thủ vững chắc cần rất nhiều thời gian, mặt khác nỗ lực mà Nga phải thực hiện sẽ phụ thuộc vào diện tích lãnh thổ mà Ukraine đang nắm giữ.
“Ukraine dường như đã thành công trong việc gây sức ép lớn đối với quân đội Nga. Moscow cần phải cân nhắc thận trọng việc tái triển khai những đơn vị nào ở tuyến đầu của Ukraine đến để bảo vệ Kursk”, ông Barros nhận định.
Một số thông tin nguồn mở cho thấy Nga đã rút bớt lực lượng từ các khu vực chiến đấu có mức độ ưu tiên thấp hơn ở Ukraine, chẳng hạn như khu vực Kharkov, Kherson, Zaphorizia.
Nga vẫn duy trì được lợi thế lớn
CNN dẫn thông tin từ các quan chức Mỹ tuần trước cho biết, Nga đã điều động hàng nghìn binh sỹ từ Ukraine đến Kursk. Ngoài ra, nước này cũng đưa thêm lực lượng đến từ Kaliningrad. Tuy vậy, không có dấu hiệu cho thấy Nga rút quân khỏi các khu vực ưu tiên ở phía đông Ukraine – nơi họ đang giành được nhiều lợi thế. “Nhịp độ tấn công của Nga ở miền đông Ukraine nhiều khả năng không có chiều hướng giảm trong thời gian tới”, ông Barros lưu ý.
Business Insider dẫn nhận định các chuyên gia về xung đột cho rằng, việc Ukraine xâm nhập Kursk có thể nhằm mục đích khiến Nga phải dàn trải lực lượng và chịu áp lực lớn.
“Nếu Nga quyết định tái triển khai nhiều lực lượng để bảo vệ vững chắc 1.000km biên giới thì đây sẽ là một sự thay đổi đáng kể vì các lực lượng này này sẽ phải đảm nhận nhiệm vụ lớn hơn và có nguy cơ bị sa lầy trong các cuộc giao tranh ở biên giới. Điều đó sẽ làm giảm tính linh hoạt của bộ chỉ huy Nga trong việc lập kế hoạch hoạt động tại Ukraine. Về lâu dài, nó sẽ khiến Nga mất nhiều nguồn lực và khiến xung đột mở rộng”, ông Barros đánh giá.
Theo chuyên gia Barros, Nga vẫn duy trì được lợi thế lớn trong cuộc xung đột, bất chấp sức ép to lớn tại khu vực biên giới. Trong thời gian qua, có rất nhiều yếu tố thuận lợi giúp Moscow có thể tập trung lực lượng trong cuộc chiến tại Ukraine, trong đó phải kể đến việc phương Tây cấm Kiev sử dụng vũ khí do họ cung cấp tấn công lãnh thổ Nga suốt nhiều tháng.
Thêm vào đó, Nga không cần phải phân tán quá nhiều nguồn lực để bảo vệ các mặt trận trong nước như Ukraine. Trái lại, Kiev phải đầu tư số lượng lớn nhân lực và vật lực để bảo vệ các nhà máy điện, tuyến đường sắt, không phận, hàng viện trợ do phương Tây cung cấp. Nhờ có lực lượng lớn hơn nhiều, Nga đã khiến quân đội Ukraine bị kéo căng dọc theo tuyến đầu và gây sức ép lớn cho họ.
“Nga không gặp phải các vấn đề tương tự như Ukraine bởi các cuộc tập kích bằng tên lửa và máy bay không người lái của Ukraine không có sức phá hủy lớn bằng những loại vũ khí mà Moscow sử dụng để tấn công Kiev. Về cơ bản, Nga đã tận dụng được các lợi thế kể trên trong suốt 1,5 năm qua”, ông Barros nhấn mạnh.