Giao tranh ác liệt tại khu vực biên giới Nga
Ngày 11/8, Nga thừa nhận quân đội Ukraine đã tiến sâu vào khu vực biên giới Kursk, trong một cuộc tấn công mà các quan chức cấp cao ở Kiev cho biết nhằm mục đích “gây bất ổn” và “tăng áp lực” đối với các lực lượng Nga.
Sau đó, hai bên cáo buộc lẫn nhau gây ra vụ hỏa hoạn tại nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine mà Moscow đang kiểm soát, mặc dù cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc cho biết, không có dấu hiệu cho thấy xảy ra một vụ rò rỉ hạt nhân tại nhà máy này.
Một tòa nhà bốc cháy dữ dội tại khu vực Kursk. Ảnh: Reuters
Ukraine được cho là đã triển khai hàng nghìn binh sỹ cho chiến dịch đột kích bất ngờ vào khu vực Kursk, nhằm lấy lại thế chủ động trên chiến trường sau khi Nga đạt được những bước tiến mới trên khắp khu vực Donbass suốt nhiều tháng qua. Một quan chức an ninh giấu tên của Ukraine cho biết: “Mục đích của cuộc đột kích là kéo căng và gây áp lực cho các vị trí của đối phương, gây tổn thất tối đa, làm mất ổn định tình hình tại Nga, khiến họ không thể bảo vệ biên giới của mình”.
Chiến dịch xâm nhập biên giới của Ukraine đã khiến cả Nga và phương Tây bất ngờ. Tuy vậy, Ukraine nhiều khả năng phải chống chọi với một loạt hành động trả đũa cứng rắn khi Nga liên tục điều động quân tiếp viện, trong đó có các đơn vị quân đội, xe tăng, pháo binh và hệ thống tên lửa tới vùng biên giới.
Trong cuộc họp báo về tình hình an ninh tại Kursk, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội của họ đã "đánh bại các nỗ lực của đối phương sử dụng xe bọc thép nhằm đột phá sâu vào lãnh thổ Nga". Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm họ đã tấn công các đơn vị Ukraine gần các làng Tolpino và Obshchy Kolodez, cách biên giới Nga - Ukraine lần lượt khoảng 25km và 30km. Đây là dấu hiệu cho thấy các đơn vị Ukraine đã tiến sâu hơn vào lãnh thổ Nga.
Theo phân tích của viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington, quân đội Nga dường như đang phối hợp giữa lính biên phòng, các lực lượng từ những khu vực khác bên trong đất nước và những binh sỹ được tái triển khai từ khu vực tiền tuyến để bảo vệ Kursk.
Trong khi đó, quân đội Ukraine khó có thể mong đợi chiếm được hàng trăm km2 lãnh thổ Nga, dù các đơn vị mà họ triển khai là lực lượng dày dăn kinh nghiệm chiến đấu. Ngay cả khi được tăng cường quân số, việc chiếm giữ một khu vực rộng lớn của Nga là điều nằm ngoài khả năng và có lẽ cũng nằm ngoài mục tiêu của Ukraine. Dù sớm hay muộn, quân tiếp viện Nga sẽ nhanh chóng khẳng định được vị thế, ngay cả khi họ mất hơn 3 ngày để phòng thủ hiệu quả, ISW lưu ý.
Vào cuối tuần qua, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các đơn vị nước này đã chặn đứng nhóm cơ động của đối phương tiến vào gần Ivashkovsky, Malaya Loknya và Olgovka ở khu vực Kursk. Chưa kể, máy bay không người lái Lancet của Nga cũng bắt đầu làm suy yếu các đoàn xe thiết giáp của Ukraine.
Ông Emil Kastehelmi - một nhà phân tích tình báo nguồn mở của tổ chức Black Bird Group ở Phần Lan cho rằng: “Thời gian đang chống lại Ukraine. Nga chắc chắn sẽ không thể tiếp tục rơi vào thế bị động”.
Khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân
Tuy vậy, ván bài Kursk buộc Bộ Quốc phòng Nga phải đưa ra một số lựa chọn khó khăn. Nhiều khả năng, các lực lượng hiện có ở Kursk như Vệ binh Quốc gia, FSB và các lực lượng không chính quy khác khó có thể ngăn chặn hoàn toàn các đợt tấn công của Ukraine.
Phát biểu với CNN, ông George Barros – chuyên gia về Nga tại viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW – trụ sở tại Mỹ) cho rằng, Nga có thể tái triển khai các đơn vị của Nhóm lực lượng phía Bắc mới được thành lập, nhưng điều này sẽ làm gia tăng áp lực đối với lực lượng này và tạo ra lỗ hổng phòng thủ của Nga ở những nơi khác dọc biên giới.
Ngoài ra, Moscow cũng có thể huy động lực lượng dự bị thực hiện chiến dịch phản kích quy mô lớn, song đây là lực lượng rất quan trọng đối với các cuộc tấn công hiện tại của Nga bên trong Ukraine. Trước đó việc Nga liên tục triển khai binh sỹ với số lượng lơn đã làm xói mòn hệ thống phòng thủ của Ukraine tại các khu vực chiến đấu.
Theo ông Barros, Nga cũng có thể chuyển sang sử dụng không quân để tấn công các đơn vị thiết giáp của Ukraine tại khu vực Kursk, do vậy, ngăn chặn Ukraine củng cố vị trí và hỗ trợ các lực lượng Nga đang bảo vệ vùng biên giới.
Hiện cuộc chiến đang bước vào giai đoạn nguy hiểm hơn. Có một số suy đoán cho răng, ngoài các lựa chọn trên, Nga có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân như một biện pháp đáp trả hữu hiệu. Tổng thống Putin nhiều lần cảnh báo, ông sẽ không loại trừ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu chủ quyền của Nga bị đe dọa.
Trong cuộc họp báo hồi tháng 6/2024, Tổng thống Putin cho biết, Nga có một "học thuyết hạt nhân" được
hình thành vào năm 2020. “Hãy xem học thuyết đó nói gì. Nếu hành động của ai đó đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi, chúng tôi có thể sử dụng mọi biện pháp đáp trả. Đây là điều không thể coi nhẹ”, ông Putin nói.
Theo giới phân tích, nếu cuộc đột kích của Ukraine tiến xa hơn, Tổng thống Putin có thể buộc phải triển khai vũ khí hạt nhân, chẳng hạn như vũ khí hạt nhân chiến thuật ngay trên lãnh thổ Nga để đẩy lùi đối phương. Đến thời điểm hiện tại, lựa chọn hạt nhân vẫn chỉ là mối đe dọa, nhưng không ai có thể đoán trước Nga sẽ hành động như thế nào nếu chịu sức ép gia tăng quá lớn ở khu vực biên giới.
Chuyên gia Barros nhận định, bất kể Nga lựa chọn phương án nào, điều cần thiết với nước này là phải đảo ngược một giai đoạn đầy thách thức trong cuộc xung đột, dù ưu thế về quân số và không quân ở phía Đông Donetsk đang mang lại cho họ những bước tiến đáng kể, đồng thời củng cố lập trường của Moscow cho rằng, Ukraine phải từ bỏ bốn khu vực phía đông như một điều kiện tiên quyết để đàm phán.