Cựu chiến binh - những chứng nhân lịch sử

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khi viết về những cựu chiến binh (CCB), ban đầu chúng tôi có chút e ngại bởi nếu không khéo sẽ khơi lên nỗi đau trong lòng họ. Nhưng khi gặp, trò chuyện cùng các chú, các bác, chúng tôi mới biết mình lo xa. Bởi những CCB ấy đã biến đau thương thành sức mạnh, tạo nên một động lực cống hiến to lớn trong thời chiến lẫn thời bình. Trong đôi mắt họ vẫn hừng hực nhiệt huyết như đang ở tuổi đôi mươi.
Cựu chiến binh - những chứng nhân lịch sử
Ông Huỳnh Tấn Cường (ấp Nhà Trường, xã Tân Lân, huyện Cần Đước) bên “bảng thành tích“ của mình

1. Chúng tôi gặp ông Huỳnh Tấn Cường (SN 1943, ngụ ấp Nhà Trường, xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) vào một sáng trời trong. Dân trong vùng quen gọi ông là ông Bảy. Sau khi “ba điều bốn chuyện” xã giao, ông chậm rãi nhấp ngụm trà rồi kể về cuộc đời mình. Gia đình ông có truyền thống cách mạng.

Cha ông tên Huỳnh Văn Ký, từng được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì vì có công nuôi giấu chiến sĩ ta trong thời kháng chiến chống Mỹ. Năm 17 tuổi, ông Bảy tham gia vào đội du kích ấp và được kết nạp Đoàn 2 năm sau đó. Khi ông xin lên đường tòng quân, cha ông chỉ vào mấy cái lu, nói: “Con gánh đầy 2 lu nước đó rồi đi”.

Theo ông Bảy, ông an tâm chiến đấu vì được gia đình ủng hộ, cha là tấm gương, niềm tự hào và động lực của ông. Tham gia tòng quân năm đó còn có một nhóm bạn nhưng tất cả đã thành liệt sĩ.

Ông được cử ra Rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP.HCM) học lớp cứu thương 3 tháng rồi về làm tại chốt giao liên huyện Cần Đước. Năm 1965, ông được kết nạp Đảng. Đến tháng 4/1970, ông bị bắt. Trong 7 ngày tra khảo, chúng đánh đập làm ông không đi được rồi đưa ra trại giam Hố Nai (Biên Hòa, Đồng Nai). Tại đây, ông làm nhiệm vụ nấu cơm cho tù binh kiêm luôn tạp dịch. Tháng 12/1972, chúng đày ông ra nhà tù Phú Quốc. Tại đây, ông được tín nhiệm bầu làm B trưởng (trưởng tù nhân khu B).

Trong hơn 3 tháng, ông lãnh đạo chiến sĩ nổi dậy đòi quyền lợi 8 lần, hễ chúng không đáp ứng là tuyệt thực từ 5-7 ngày. Thời gian này, chiến sĩ không nấu cơm nhưng mỗi người đều thủ sẵn một phần cơm khô để có sức đấu tranh. Nhân lúc tinh thần lính ngụy đang rệu rã (vì Hiệp định Paris ký ngày 27/01/1973), ông và những đồng chí khác đấu tranh rất mạnh mẽ, tinh thần chiến sĩ lên rất cao. Đến tháng 3/1973, ông được trao trả tại Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) rồi về an dưỡng, học tập, củng cố tư tưởng ở TP.Hà Nội.

Một năm sau, ông về miền Nam và tham gia vào Tiểu đoàn 1 Long An. Ông được phân công làm Trung đội trưởng Đại đội 1 trong trận đánh Bình Đức (huyện Bến Lức) vào ngày 20/12/1974. Trận đánh này làm nức lòng quân, dân tỉnh nhà, giáng đòn nặng nề vào tinh thần và lực lượng của địch. Sau đó, quân ta tiến đánh các đồn giặc ở huyện Bến Lức rồi tiến về huyện Tân Trụ, Cần Đước. Đến ngày 30/4/1975, miền Nam được giải phóng. Kể đến đây, giọng ông Bảy thay đổi, dâng lên một niềm vui khó tả.

Hiện tại, ông Huỳnh Tấn Cường vui thú điền viên cùng con cháu

Trong quá trình chiến đấu, ông Bảy cho là mình “mạng lớn” khi chết hụt 7 lần, lần bị thương nặng nhất vào ngày 01/7/1965. Theo ông Bảy, kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi ông cùng một đồng chí tên Thơm trốn máy bay địch. Hai ông nằm ở mé sông, lấy lá dừa nước ngụy trang. Chiếc máy bay lượn trên đầu một vòng rồi bỏ đi. Ông Bảy suy đoán thế nào nó cũng quay lại nên kêu ông Thơm lặn qua sông nhưng ông Thơm không nghe. Ông Bảy lặn một hơi 30m sang bờ bên kia. Vừa ngụy trang xong là máy bay địch quay lại bắn ông Thơm hy sinh tại chỗ.

Sau giải phóng, ông Bảy về công tác tại Huyện Đội Cần Đước. Đến năm 1979, ông nghỉ theo chế độ bệnh binh, về làm Bí thư Chi bộ liên ấp Bà Thoại - Bình Hòa - Nhà Trường, làm Chủ tịch Hội CCB xã Tân Lân giai đoạn 2007-2017. Ông Bảy và vợ ông (bà Nguyễn Thị Niềm) có với nhau 6 người con. Lúc ông chiến đấu, bà ở nhà đào hầm nuôi chiến sĩ, được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Hiện tại, ông ở cùng các con, vui thú điền viên, được hưởng đầy đủ chính sách của Nhà nước.

2. Rời huyện Cần Đước, chúng tôi ngược về huyện Đức Huệ gặp ông Lê Văn Đứng (SN 1965, ngụ ấp 4, xã Mỹ Thạnh Đông). Ông Đứng là thương binh hạng 1/4. Khi chúng tôi đến thăm, ông đang cắt cỏ cho đàn bò 6 con. Ông niềm nở đón khách, nhanh nhẹn trong hành động dù đã mất một chân.

Năm 1983, ông Đứng học hạ sĩ quan tại Quân đoàn 4. Tháng 8/1984, ông học sĩ quan tại Trường Sĩ quan Lục quân 2. Năm 1986, ông được kết nạp Đảng. Tháng 7/1987, ông ra trường rồi tình nguyện sang chiến trường Campuchia. Tại đây, ông làm Đại đội phó Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 250, Sư đoàn 309. Sang nước bạn, ông và đồng đội ở nửa tháng gần đền Angkor Wat. Tại đây, ông cảm nhận được phần nào tội ác của Khmer đỏ khi nhìn thấy xương người chất thành đống. Thực tế đó càng nung nấu quyết tâm trong ông và đồng đội. Sau đó, ông về đơn vị gần biên giới Thái Lan.

Ông Lê Văn Đứng (ấp 4, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ) chăn nuôi, trồng trọt cải thiện cuộc sống

Nơi này rừng thiêng nước độc. Bản thân ông từng bị những cơn sốt rét rừng hành hạ. Nước uống lấy từ mạch nước chảy ra trong những núi đá vôi, sau khi đun sôi, dưới đáy nồi còn đọng lại một lớp vôi dày. Trong điều kiện đó, ông Đứng và đồng đội động viên nhau, quyết tâm chiến thắng Khmer đỏ.

Trong một trận đánh vào tháng 8/1988, ông giẫm phải mìn. Tỉnh dậy chỉ còn một chân, người Thượng úy trẻ rất buồn và tuyệt vọng. Nỗi đau ấy dần vơi đi khi ông được chính quyền, đồng đội, gia đình động viên, tạo điều kiện làm ăn sinh sống. Sau này nghĩ lại, ông Đứng thấy mình còn may mắn khi nhiều đồng đội ông đã nằm lại chiến trường.

Về quê, ông năng nổ tham gia vào công cuộc phát triển đất nước. Các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương thường thăm hỏi, giúp vốn để ông chăn nuôi, xây tặng nhà tình nghĩa. Ông được hưởng đầy đủ chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho thương binh.

Giai đoạn 2010-2013, ông Đứng là Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp 4, xã Mỹ Thạnh Đông. Trong sự biết ơn và ngưỡng mộ, chúng tôi xin những CCB một lời khuyên. Cả ông Bảy và ông Đứng đều cho rằng, người trẻ ngày nay cần học tập tốt, lao động tốt, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao; phải vững chắc niềm tin vào sự độc lập, tự do trường tồn của đất nước. Thời còn mưa bom, bão đạn, nhờ tinh thần và ý chí sắt đá ấy mà những CCB đã vượt lên tất cả đau thương, gian khó.

Chúng tôi rời nhà ông Lê Văn Đứng khi nắng đã lên cao. Trên nền sân đất còn in rõ những dấu của chiếc chân bằng gỗ. Những CCB sẽ mãi là chứng nhân lịch sử để người sau nhớ ơn, tạc dạ ghi lòng

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật