Liban cùng nỗi lo “khủng hoảng chồng khủng hoảng” với xung đột Israel-Hezbollah

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Xung đột giữa lực lượng Hezbollah và Israel đang diễn ra trong bối cảnh Liban phải đối mặt liên tiếp với khủng hoảng tài chính và chính trị, lo ngại rủi ro gia tăng đối với quốc gia mong manh này trong trường hợp xung đột leo thang thành chiến tranh toàn diện.
Liban cùng nỗi lo “khủng hoảng chồng khủng hoảng” với xung đột Israel-Hezbollah
Một tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống thành phố Nabatieh, Liban ngày 15/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đài truyền hình CNN, kể từ tháng 10/2023, các cuộc giao tranh tại biên giới Liban giữa Hezbollah và Israel bùngnổ, với nguyên nhân chủ yế là vì cuộc chiến ở Gaza.

Nguy cơ leo thang tăng lên sau khi Israel tuyên bố sẽ tấn công quyết liệt vào Hezbollah, cáo buộc nhóm này giết chết 12 trẻ em và thanh thiếu niên trong một cuộc tấn công bằng tên lửa vào một sân bóng đá ở Cao nguyên Golan. Vềphần mình, Hezbollah bác bỏ mọi trách nhiệm về vụ tấn công.

Mặc dù cho tới nay xung đột vẫn đang được kiềm chế, nhưng nó vẫn đang đè nặng lên một quốc gia năm năm chìm trong khủng hoảng trong nước. Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (LHQ), cuộc xung đột với Israel đã buộc khoảng 95.000 người phải chạy trốn khỏi miền Nam Liban.

Suy thoái kinh tế

Liban vẫn đang phải hứng chịu hậu quả từ một cuộc sụp đổ tài chính thảm khốc đã làm rung chuyển đất nước vào năm 2019.

Do nhiều thập kỷ chi tiêu hoang phí và tham nhũng trong giới tinh hoa cầm quyền, cuộc suy thoái đã làm đồng tiền mất giá, hệ thống ngân hàng sụp đổ, nhà nước tê liệt và thúc đẩy tình trạng nghèo đói cùng làn sóng di cư lớn nhất kể từ cuộc nội chiến 1975-1990.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã mô tả đây là một trong những cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất của thời hiện đại. Nền kinh tế Liban đã giảm từ 55 tỷ USD vào năm 2018 xuống còn 31,7 tỷ USD vào năm 2020. Chính phủ vẫn chưa ban hành các chính sách cải cách cần thiết để phục hồi.

Những người lao động trong khu vực công, với mức lương bị cắt giảm, nằm trong số những người cảm nhận được tác động từ suy thoái. viện trợ từ Qatar và Mỹ đã giúp tăng nhẹ mức lương của quân đội Liban, từ lâu được coi là yếu tố quan trọng để duy trì hòa bình dân sự.

Hồi tháng 5, trong một báo cáo của WB, thiệt hại kéo dài đã được ghi nhận. Tình trạng nghèo đói đã tăng gấp 3 lần ở Liban trong thập kỷ qua, hiện hữu ở 44 % dân số.

Báo cáo chỉ ra cứ ba người Liban thì có một người sống trong cảnh nghèo đói vào năm 2022 tại năm tỉnh được khảo sát, bao gồm cả Beirut.

Cũng trong tháng 5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết việc thiếu hành động đối với các cải cách kinh tế cần thiết tiếp tục gây ra thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và người dân. Quỹ cho biết không có chiến lược đáng tin cậy và khả thi về mặt tài chính cho hệ thống ngân hàng.

Căng thẳng chính trị

Liban không có nguyên thủ quốc gia hoặc nội các được trao quyền đầy đủ kể từ khi nhiệm kỳ tổng thống của Michel Aoun kết thúc vào tháng 10/2022, để lại một khoảng trống quyền lực chưa từng có.

Kể từ đó tới nay, chính phủ của Thủ tướng Najib Mikati phục vụ với tư cách tạm quyền. Việc lấp đầy vị trí tổng thống và thành lập một chính phủ được trao quyền đầy đủ đòi hỏi phải có một thỏa thuận giữa các phe phái chia rẽ sâu sắc của Liban. Các cuộc khủng hoảng như vậy trước đây chỉ được giải quyết thông qua hòa giải nước ngoài, nhưng không có dấu hiệu can thiệp hiệu quả nào lần này.

Cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria

Mười ba năm kể từ khi cuộc xung đột ở Syria nổ ra, Liban – một quốc gia chỉ có 4 triệu người Liban - vẫn là nơi có dân số tị nạn bình quân đầu người lớn nhất thế giới: khoảng 1,5 triệu người Syria, trong đó một nửa là người tị nạn đã đăng ký chính thức với cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc (UNHCR).

Nguồn tài trợ cho cuộc khủng hoảng Syria đang giảm, phản ánh sự mệt mỏi của các nhà tài trợ đang vật lộn với các cuộc xung đột khác trên khắp thế giới. Bất chấp sự khác biệt trong tư tưởng chính trị, các đảng phái chính trị của Liban đều đồng thuận với ý kiến cho rằng người Syria nên được đưa về nước.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật