Sắp phóng vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam- LOTUSat-1 đã hoàn thành công tác thiết kế, chế tạo, hiện đang chờ lịch phóng lên quỹ đạo được Chính phủ Nhật Bản dự kiến vào đầu năm 2025...
Sắp phóng vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam
Ảnh minh họa

PGS.TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nằm trong "Chiến lược Phát triển và Ứng dụng khoa học công nghệ vũ trụ đến năm 2030".

Đến nay, viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã hoàn thành trên 90% khối lượng các công việc cần thực hiện của Dự án từ nguồn vốn đối ứng; đồng thời đang xây dựng Đề án "Tăng cường năng lực quốc gia về quan sát Trái đất dựa trên hệ thống vệ tinh nhỏ"...

Tại buổi họp báo thường kỳ của viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chiều ngày 12/7/2024, thông tin về tình hình thực hiện Dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát trái đất” (Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam), TS. Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, cho biết dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam được đầu tư đồng bộ thành ba phần bao gồm hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị; tiếp nhận và chuyển giao công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực.

Tính đến tháng 7/2024, dự án đã hoàn thành các hạng mục xây dựng các tòa nhà của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, điển hình như phần lớn các tòa nhà đã bàn giao cho Trung tâm Vũ trụ Việt Nam từ 7/2024, phần còn lại dự kiến hoàn thành 12/2024.

Bên cạnh đó, hạng mục phổ biến kiến thức về khoa học và công nghệ vũ trụ bao gồm: Trưng bày bảo tàng, nhà chiếu hình vũ trụ, kính thiên văn dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2024 và từng bước đưa vào sử dụng.

Theo kế hoạch, dự kiến vệ tinh LOTUSat-1 sẽ được bàn giao cho Trung tâm Vũ trụ Việt Nam vào tháng 6/2025 sau 3 tháng thử nghiệm trên quỹ đạo.

Về vệ tinh LOTUSat-1 và thiết bị mặt đất, theo TS. Lê Xuân Huy đây là vệ tinh quan sát Trái Đất với khả năng chụp ảnh độ phân giải cao trong mọi điều kiện thời tiết bằng công nghệ cảm biến radar khẩu độ tổng hợp (SAR).

Dữ liệu ảnh của vệ tinh sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu về nguồn ảnh, cung cấp thông tin chính xác, nhằm ứng phó, giảm thiểu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường.

TS. Lê Xuân Huy cho hay vệ tinh LOTUSat-1 đã hoàn thành chế tạo vệ tinh, hiện đang chờ lịch phóng vệ tinh được Chính phủ Nhật Bản dự kiến vào tháng 2/2025

Còn thiết bị mặt đất bao gồm trạm mặt đất (ăng ten 9,3m), trung tâm vận hành điều khiển vệ tinh, trung tâm ứng dụng dữ liệu vệ tinh, đã tiến hành lắp đặt hệ thống mặt đất tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Hòa Lạc từ tháng 5/2024, dự kiến tháng 9/2024 sẽ bàn giao hệ thống này.

Theo kế hoạch này, dự kiến vệ tinh LOTUSat-1 sẽ được bàn giao cho Trung tâm Vũ trụ Việt Nam vào tháng 6/2025 sau 3 tháng thử nghiệm trên quỹ đạo.

Thiết bị nghiên cứu và phát triển, lắp ráp, thử nghiệm và vận hành vệ tinh đến 180 kg đang được thực hiện, dự kiến các hạng mục đầu tư sẽ kết thúc vào tháng 12/2025.

Cũng theo TS. Lê Xuân Huy, dự kiến đến tháng 12/2025, trung tâm nghiên cứu, phát triển, lắp ráp, tích hợp, thử nghiệm và vận hành các vệ tinh nhỏ dưới 180 kg "Made in Vietnam" sẽ hoàn thành. Đây là cơ sở để Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng như viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện Đề án "Tăng cường năng lực quốc gia về quan sát Trái đất dựa trên hệ thống vệ tinh nhỏ".

Theo các chuyên gia, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất trên thế giới bởi sự nóng lên toàn cầu và sự biến đổi khí hậu. Các dịch vụ và công nghệ vũ trụ sẽ là chìa khóa để hiểu hơn quá trình biến đổi khí hậu và hỗ trợ toàn bộ chu trình giám sát, phòng chống thiên tai. Qua đó, góp phần hạn chế tối đa tác động của những thảm họa thiên nhiên do thiên tai và biến đổi khí hậu.

Công nghệ vũ trụ đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Mỗi quốc gia có cách tiếp cận công nghệ vũ trụ khác nhau. Việt Nam lựa chọn việc từng bước làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo vũ trụ thay vì mua ảnh vệ tinh của nước ngoài.

Các chuyên gia cho rằng mặc dù mất nhiều thời gian và công sức nhưng hướng tiếp cận này phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển và bảo vệ đất nước trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khi mà công nghệ cao, thông tin, dữ liệu trở thành vũ khí cạnh tranh giữa các quốc gia.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật