Inside Out 2: Phim thiếu nhi “tỷ đô” làm rung động trái tim người trưởng thành

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Phim vượt qua bom tấn ’Hành tinh cát: Phần 2’ để trở thành tác phẩm ăn khách nhất 2024 tính đến 1/7. ’Inside Out 2’ kể câu chuyện bước vào tuổi teen nhưng khiến người lớn hiểu hơn về chính mình.
Inside Out 2: Phim thiếu nhi “tỷ đô” làm rung động trái tim người trưởng thành
Lo Âu - nhân tố bất ngờ, “khuấy đảo“ cuộc chơi của những cảm xúc. (Ảnh: Pixar)

Ra mắt toàn cầu từ 14/6, “Inside Out 2” (Những mảnh ghép cảm xúc 2) là tác phẩm thiếu nhi nổi bật nhất mùa Hè năm nay. Phim cán mốc 1 tỷ USD doanh thu toàn cầu vào ngày 1/7, soán ngôi vương năm 2024 của "Hành tinh cát: Phần 2" (712 triệu USD).

Đây không chỉ là phim đầu tiên đạt được thành tích này trong năm 2024, mà còn là phim hoạt hình đạt “tỷ đô” nhanh nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới. Phòng vé Việt góp 75 tỷ đồng (gần 3 triệu USD) và dự kiến còn tiếp tục tăng trước khi “Despicable me 4” (Kẻ trộm mặt trăng 4) chính thức ra mắt.

“Inside Out 2” xoay quanh những cảm xúc trong đầu cô bé Riley 13 tuổi, sau khi cô chia tay cấp 2 và chuẩn bị bước vào cấp 3. Lúc này cô bắt đầu đối mặt với những thử thách về danh tính và sự chấp nhận, “cuộc chiến” giữa các cảm xúc dần trở nên phức tạp.

Biết sắp phải chia tay 2 cô bạn thân, Riley trở nên rối bời. Những hormone tuổi dậ‌y th‌ì khiến cô rơi vào cảm giác lạc lõng và mất phương hướng. Thế nhưng Riley sở hữu tài chơi hockey trên băng cừ khôi, đây được coi như “tấm vé” giúp cô có chỗ đứng trong ngôi trường mới và được công nhận bởi những người mình hằng mến mộ.

Nhân vật chính Riley dần mất đi sự hồn nhiên, vui tươi thường trực. (Ảnh: Pixar)

Để tránh viễn cảnh xấu, Riley quyết nắm lấy “tấm vé” này. Những cơn lo lắng bắt đầu chen chân để thay chỗ cho niềm vui, sự tính toán thay chỗ cho vô tư, hồn nhiên.

Từ 5 nhân vật ở phần 1, cũng là các cảm xúc cơ bản gồm: Vui Vẻ (Joy), Buồn Bã (Sadness), Giận Dữ (Anger), Sợ Sệt (Fear) và Chảnh Chọe (Disgust), ở phần này, trong đầu Riley có thêm Lo Âu (Anxiety), Ghen Tị (Envy), Chán Chường (Ennui), Xấu Hổ (Embarrassment). Mỗi cảm xúc mang một động cơ khác nhau, nhưng đều vì lợi ích của cô bé.

Mỗi hành động của Riley là cơ chế tự vệ do một hoặc một vài cảm xúc quyết định. Trong phần 1, Vui Vẻ và Buồn Bã cùng các cảm xúc cơ bản đã tìm được cách chung sống hòa bình, sinh ra một Riley tốt bụng, hòa đồng và tự tin vào bản thân. Đây là bản tính mà Vui Vẻ luôn nâng niu và hết mực bảo vệ.

Đến phần 2, Lo Âu xuất hiện và vô tình trở thành “đối thủ,” đẩy 5 cảm xúc cơ bản mà đặc biệt là Vui Vẻ ra khỏi tâm trí thường trực của Riley để chiếm quyền kiểm soát. Nó loại bỏ con người trong sáng và phát triển một nhận thức mới đầy tự ti, luôn phải phòng thủ và có phần toan tính.

Loạt 9 cảm xúc chủ đạo trong đầu Riley

Dẫu có sự đối lập, khi các cảm xúc mới mới và cũ gặp lại, chúng hiểu mình phải thừa nhận và học cách chung sống với nhau. Từ đây con người mới của Riley ra đời, một Riley trưởng thành hơn.

Điều khiến “Inside out 2” được yêu thích là sự sáng tạo trong lối kể chuyện và cách lý giải tâm lý của lứa “tuổi ẩm ương.” Đội ngũ làm phim đã cho thấy tâm trí là một thế giới khổng lồ, thú vị với muôn hình vạn trạng, mỗi cảm xúc đều quan trọng và cần được lắng nghe thay vì dồn nén, phủ nhận.

Những lý giải và câu chuyện phim không chỉ khiến nhóm khán giả nhỏ, tuổi teen thích thú, mà còn khiến người trưởng thành, các bậc phụ huynh hiểu thêm nhiều điều. Trang tin CNET với tệp khán giả ở độ từ 25-40 tuổi gọi tác phẩm là “một chuyện cổ tích mà đứa trẻ trong bạn sẽ trân trọng.” Đăng tải bài viết giới thiệu phim trong mục Sức khỏe tinh thần, tạp chí SELF online đặt tiêu đề với ý: “Inside Out 2” sẽ khiến người lớn hiểu rõ hơn về nỗi lo âu của họ. “Ngay cả khi nỗi lo âu là một phần trong chúng ta, nó không định nghĩa bạn là ai và chúng ta có thể học cách yêu thương mọi khía cạnh của mình," bài viết nhấn mạnh.

Để khắc họa tâm lý của Riley, đội ngũ sáng tạo “Inside Out 2” đã tập hợp nhóm 9 học sinh nữ cùng tuổi với nhân vật chính để tham khảo ý kiến. Đạo diễn Kelsey Mann ấn tượng với sự đa dạng trong góc nhìn 9 cô bé từ mọi miền nước Mỹ, cũng như sự hào hứng chung của nhóm khi biết sẽ có bộ phim làm về nỗi lo âu tuổi dậ‌y th‌ì.

Pete Docter - đạo diễn phần 1 và giám đốc sản xuất phần 2 ví thế giới trong đầu Riley còn lớn hơn đại dương trong “Đi tìm Nemo” (Finding Nemo) và vũ trụ trong “Robot biết yêu” (Wall-E).

Tiến sỹ Dacher Keltner, Đại học California

Êkíp cũng làm việc khăng khít với 3 chuyên gia về tâm lý học. Tiến sỹ Dacher Keltner đang giảng dạy tại Đại học California, Berkeley là một trong ba người, có nhiệm vụ tư vấn để phim phản ánh đúng về khoa học não bộ, khoa học thần kinh.

Chia sẻ với tờ Time (Mỹ), Tiến sỹ Keltner cho biết con người có khoảng 20 cảm xúc. Song để đảm bảo về mặt kể chuyện thì đội ngũ làm “Inside out” chỉ đưa vào 5 cảm xúc cơ bản. Bước vào tuổi teen, thiếu niên sẽ có nhận thức rõ hơn về bản thân và đặc biệt để ý tới ý kiến của người khác. Vì vậy những cảm xúc khác dần xuất hiện, trong đó lo âu là nổi bật nhất.

Lo âu phức tạp hơn sợ hãi, theo lý giải của Keltner. Sợ hãi là cơ chế ứng phó với hiểm họa ngay trước mắt, như khi một đứa trẻ thấy ổ điện. Còn lo âu thì bày ra những viễn cảnh xấu trong tương lai. “Nó chuyển hướng tâm trí của chúng ta về phía các mối đe dọa. Một số có thể là ảo, nhưng một số lại rất thực. Lo âu cực điểm là một trạng thái rất thực, người trẻ thường xuyên trải nghiệm điều này và nó rất quan trọng. Dẫu là một phần của sự trưởng thành nhưng cảm giác này không hề dễ chịu với đứa trẻ 13 tuổi.”/

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật