Tin liên quan
Ngày 30/5, liên quan đến vụ cháu bé 5 tuổi tử vong sau khi bị bỏ quên trong xe đưa đón, Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Vô ý làm chết người” quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình Sự.
Theo dõi vụ việc, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng, vụ việc đã đặt ra nhiều vấn đề trong dư luận xã hội về trách nhiệm quan tâm, chăm sóc cháu bé đối với những người có liên quan.
Rất nhiều quy định nghiêm ngặt
Theo luật sư Diệp Năng Bình, trước hết cần đánh giá việc đưa đón học sinh được tổ chức thực hiện đã đúng với quy định Pháp Luật hay chưa? Về vấn đề này, từ năm 2019 Bộ GD-ĐT đã ra Công văn số 3523/BGDĐT-GDCTHSSV về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng xe ô tô.
Theo đó, để đảm bảo an toàn cho trẻ em mầm non và học sinh xe nhà xe đưa đón và nhà trường cần đáp ứng các điều kiện liên quan đến tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng và các quy định của Pháp Luật về an toàn giao thông cho giáo viên, học sinh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định, có hợp đồng, nghiêm túc quy trình đưa đón học sinh bằng xe ô tô, trong đó phải có sự thống nhất giữa nhà trường với đơn vị cung cấp dịch vụ và gia đình học sinh.
"Như vậy, có thể thấy rằng quy định về đưa đón, đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh tại các trường đặt ra rất nhiều quy định nghiêm ngặt. Đồng thời cũng theo hướng dẫn này, nếu xe chở học sinh thuộc quản lý của nhà trường thì hiệu trưởng (hoặc người đại diện Pháp Luật của trường) sẽ là người chịu trách nhiệm trước Pháp Luật, gia đình học sinh về toàn bộ hoạt động đưa đón học sinh của nhà trường, về sự an toàn của học sinh", luật sư Bình phân tích.
Cảnh sát niêm phong chiếc xe ô tô để điều tra vụ việc
Cũng theo luật sư Bình, mặt khác, nếu xe chở học sinh là do thỏa thuận giữa phụ huynh với nhà xe thì trách nhiệm khi để xảy ra sự cố sẽ thuộc về nhà xe.
Tiếp đó, giả sử nếu việc cháu bé bị tử vong do người lái xe và giáo viên bỏ quên trên xe thì người lái xe và giáo viên, hiệu trưởng nhà trường/người đại diện theo Pháp Luật của trường, người có chức trách, nhiệm vụ đưa, đón học sinh có thể bị xử lý Hình Sự về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, hoặc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 129 và điều 360 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
"Theo Điều 129 BLHS, với tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính người phạm tội có thể chịu mức phạt tù từ 01 năm đến 12 năm.
Theo Điều 360, với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 12 năm.
Vi phạm hai tội này người phạm tội đồng thời có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 về trách nhiệm bồi thường, các bên có liên quan có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân bao gồm: tiền chi phí mai táng và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần cho những người thân trong gia đình nạn nhân", luật sư Bình phân tích thêm.
Người dân phải phá cửa đưa nạn nhân nhân ra ngoài