Con người giàu hơn 50% so với hiện tại nếu không có biến đổi khí hậu
Trong một bài đăng trên tờ The Guardian, Adrien Bilal, nhà kinh tế học tại Harvard, và diego Känzig, nhà kinh tế học tại Đại học Northwestern, báo cáo nghiên cứu mới nhất về biến đổi khí hậu và cho biết thế giới hứng chịu thiệt hại gấp 6 lần so với tưởng tượng nếu nhiệt độ toàn cầu tăng lên.
Cụ thể, nhiệt độ toàn cầu tăng 1 độ C dẫn đến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới giảm 12%.
Thế giới đã ấm lên hơn 1 độ C kể từ thời tiền công nghiệp và nhiều nhà khoa học khí hậu dự đoán mức tăng 3 độ C sẽ xảy ra vào cuối thế kỷ này do việc đốt nhiên liệu hóa thạch đang diễn ra, dẫn tới việc các quốc gia sẽ phải gánh chịu một chi phí kinh tế rất lớn.
Báo cáo nêu rõ nhiệt độ tăng 3 độ C sẽ gây ra “sự sụt giảm nhanh chóng về sản lượng, vốn và mức tiêu thụ vượt quá 50% vào năm 2100”.
Ngay cả khi mức độ nóng lên toàn cầu được hạn chế ở mức hơn 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này, thì tổn thất GDP vẫn ở mức khoảng 15%.
Các nhà nghiên cứu cho biết thêm, tổn thất kinh tế này nghiêm trọng đến mức “có thể so sánh với thiệt hại kinh tế do chiến tranh trong nước và vĩnh viễn gây ra”.
Ông Adrien Bilal, nhà kinh tế học tại Harvard, người viết báo cáo, cho biết: “Vẫn sẽ có một số tăng trưởng kinh tế diễn ra nhưng đến cuối thế kỷ này, người dân có thể nghèo hơn 50% so với trước đây nếu không có biến đổi khí hậu”.
“Tôi nghĩ mọi người đều có thể tưởng tượng họ sẽ làm gì với nguồn thu nhập lớn gấp đôi hiện nay. Nó sẽ thay đổi cuộc sống của mọi người”, ông Bilai nói thêm.
Ông Bilal cũng nói rằng sức mua, tức là số tiền mà mọi người có thể mua bằng tiền của mình, sẽ cao hơn 37% so với hiện tại nếu không có hiện tượng nóng lên toàn cầu trong 50 năm qua. Sự giàu có bị mất này sẽ tăng vọt nếu khủng hoảng khí hậu ngày càng sâu sắc, có thể so sánh với tình trạng kiệt quệ kinh tế thường thấy trong thời chiến.
Chi phí phát thải carbon là hơn 1.000 USD/tấn
Báo cáo đưa ra ước tính thiệt hại kinh tế cao hơn nhiều so với nghiên cứu trước đây, tính toán chi phí xã hội của carbon, tức là chi phí thiệt hại tính bằng USD cho mỗi tấn phát thải carbon bổ sung, là 1.056 USD/tấn. Con số này lớn gấp nhiều lần so với ước tính do Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đặt là khoảng 190 USD/tấn.
Nhà nghiên cứu Adrien Bilal cho biết nghiên cứu mới có cái nhìn “toàn diện” hơn về chi phí kinh tế của biến đổi khí hậu bằng cách phân tích nó trên quy mô toàn cầu, thay vì trên cơ sở từng quốc gia.
Ông cho biết, cách tiếp cận này nắm bắt được bản chất liên kết giữa tác động của sóng nhiệt, bão, lũ lụt và các tác động xấu khác của khí hậu làm thiệt hại năng suất cây trồng, giảm năng suất lao động và giảm vốn đầu tư.
Báo cáo mới nhất được đưa ra sau một nghiên cứu riêng biệt khác được công bố vào tháng trước, cho thấy thu nhập trung bình sẽ giảm gần 1/5 trong vòng 26 năm tới so với mức thu nhập bình quân nếu không có khủng hoảng khí hậu.
Theo nghiên cứu, nhiệt độ tăng, lượng mưa lớn hơn và thời tiết khắc nghiệt thường xuyên và dữ dội hơn được dự đoán sẽ gây ra thiệt hại 38.000 tỷ USD mỗi năm vào giữa thế kỷ.
Cả hai nghiên cứu đều nêu rõ rằng chi phí của việc chuyển đổi khỏi sử dụng nhiên liệu hóa thạch và hạn chế tác động của biến đổi khí hậu tuy không hề nhỏ, nhưng không thể so sánh với chi phí do biến đổi khí hậu gây ra.
Gernot Wagner, nhà kinh tế khí hậu tại Đại học Columbia, cho biết: “Nếu kết quả là đúng, mà tôi tin vào điều đó, thì chúng sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong ước tính thiệt hại chung về khí hậu. Biến đổi khí hậu không được giải quyết sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với việc làm gì đó để giải quyết nó”.