Theo tờ iflscience, các cuộc khai quật mới giúp nhà khoa học khám phá những bí mật bên trong tàn tích dưới nước là thành phố cổ Thonis-Heracleion cách bờ biển Ai Cập khoảng 7 km. Được biết, các nhà khoa học phát hiện ra thành phố cổ dưới nước Thonis-Heracleion vào năm 2000. Thonis-Heracleion là thành phố cảng lớn nhất của Ai Cập ở Địa Trung Hải trước khi Alexander Đại đế xây dựng thành phố Alexandria vào năm 331 TCN.
viện Khảo cổ học Dưới nước Châu Âu (IEASM) vừa công bố "một kho báu cổ xưa" đã được trục vớt từ thành phố Thonis-Heracleion bị chìm ngoài khơi bờ biển Ai Cập. Trong số những tàn tích dưới nước của một ngôi đền đã sụp đổ, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra một bộ sưu tập các hiện vật có giá trị, bao gồm di vật bằng vàng, đồ trang sức trang trí công phu, đồ gốm sứ, bình đựng nước hoa,... Tất cả như một minh chứng cho thấy sự giàu có và lòng sùng đạo của những cư dân trước đây của thành phố Thonis-Heracleion.
Vào thời hoàng kim khoảng 2.300 năm trước, thành phố Thonis-Heracleion được mệnh danh là Venice của sông Nile đồng thời cũng là một trong những cảng lớn nhất ở Địa Trung Hải vào thời điểm đó.
Được biết, đây chính là ngôi đền thờ Amun, vị thần không khí, một trong những vị thần quan trọng nhất trong đền thờ Ai Cập cổ đại. Do tầm quan trọng của ngôi đền, cuộc khai quật đã phát hiện ra một loạt hiện vật quý giá, bao gồm các dụng cụ nghi lễ bằng bạc, đồ trang sức bằng vàng và hộp đựng nước hoa.
Franck Goddio, Chủ tịch IEASM và giám đốc khai quật, cho biết trong một tuyên bố gửi tới IFLScience:“Chúng tôi rất xúc động khi phát hiện ra những vật thể mỏng manh như vậy, vẫn tồn tại nguyên vẹn bất chấp sức tàn phá và cường độ của trận đại hồng thủy”.
Các đồ vật bằng vàng, đồ trang sức... được phát hiện ở thành phố dưới đáy biển Thonis-Heracleion, thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Hình ảnh được cung cấp bởi Christoph Gerigk Franck Goddio/Hilti Foundation.
Chỉ cách ngôi đền một đoạn bơi ngắn, nhóm nhà khảo cổ cũng phát hiện ra tàn tích của một khu bảo tồn Hy Lạp dành cho Aphrodite, nữ thần tình yêu, nơi phát hiện ra những đồ đồng và gốm sứ quan trọng.
“Điều này cho thấy những người Hy Lạp được phép buôn bán và định cư trong thành phố vào thời các Pharaoh của triều đại Saite (664 đến 525 trước Công nguyên) ở đây đã có những thánh địa dành cho các vị thần của riêng họ. Sự hiện diện của lính đánh thuê Hy Lạp còn được thể hiện qua nhiều phát hiện về vũ khí Hy Lạp. Họ đang bảo vệ quyền tiếp cận Vương quốc ở cửa nhánh Canopic của sông Nile,” IEASM cho biết trong tuyên bố.
Thonis-Heracleion chỉ là một trong những thành phố bị thất lạc từ lâu ở Địa Trung Hải đang được nhóm này điều tra. Ở những nơi khác ở Ai Cập, cũng có những nỗ lực khám phá tàn tích bị chìm của Canopus, cũng như các phần của Alexandria cổ đại đã bị chìm xuống biển.