Dữ liệu độc quyền mới của Nielsen BookScan cho thấy tiểu thuyết đồ họa và truyện tranh đang thống trị thị trường sách thiếu nhi ở Australia.
Trong 5 năm qua, hai thể loại này ghi nhận sự bùng nổ chưa từng có bất chấp khó khăn kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra và áp lực tài chính kéo dài với các gia đình vì cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Sức hấp dẫn của tiểu thuyết đồ họa và truyện tranh
Năm 2019, top 5 truyện tranh viễn tưởng và tiểu thuyết đồ họa ăn khách tại Australia ghi dấu tên tuổi của họa sĩ người Mỹ Raina Telgemeier. Bà đã có 4 tác phẩm lọt vào danh sách này, cuốn Guts (bán ra 21.000 bản), Drama (7.000 bản), Ghosts (6.000 bản) và Sisters (6.000) bản. Đầu sách duy nhất không phải của Raina Telgemeier trong top 5 là The Lost Heir, tập hai trong bộ tiểu thuyết đồ họa Wing of Fire của Tui T. Sutherland với doanh số 8.000 bản.
Tuy nhiên vào năm 2023, việc đạt được doanh số bán Guts ở vị trí số một như năm 2019 cũng không thể đưa Telgemeier vào top 5. Tác phẩm dẫn đầu vào năm 2023 có doanh thu gần gấp bốn lần so với Guts vào năm 2019. Đó là cuốn Twenty Thousand Fleas Under the Sea (tập 11 thuộc loạt truyện Dog Man) của Dav Pilkey với 80.000 bản được bán ra.
Những con số trên ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ của truyện tranh và tiểu thuyết đồ họa tại thị trường Australia. Theo trang News Australia, truyện tranh đang là “Vua” của giới xuất bản thiếu nhi. Tác giả truyện tranh kiêm họa sĩ minh họa Marcelo Baez, người cũng điều hành các hội thảo truyện tranh đồng ý với nhận định trên đồng thời cho biết truyện tranh và tiểu thuyết đồ họa “là cửa ngõ mở tới khả năng đọc viết”.
“Tôi đã nói chuyện với nhiều bậc phụ huynh... về những đứa trẻ mà tôi dạy trong các buổi hội thảo... và chính truyện tranh đã khơi dậy niềm vui đọc sách ở các em,” ông Marcelo Baez nói.
Tác giả truyện tranh kiêm họa sĩ minh họa Marcelo Baez đã nhận được nhiều chia sẻ từ phụ huynh và trẻ em về nhu cầu đọc của các em. Ảnh: News Australia.
“Đặc biệt là hiện nay, trẻ em quá nghiện các thiết bị điện tử... Đó là một thế giới rất trực quan và thu hút các em. Và do đó, trong khi các tác phẩm chữ ngày càng khó có sức hút, tôi nghĩ truyện tranh đã tồn tại được vì sự trực quan đó”, tác giả cho hay.
Ông Baez cũng nói rằng 30 năm trước, ngành xuất bản Australia không có góc nhìn đa dạng về các thể loại có thể bán được trong hiệu sách. Nhưng giờ đây, khi thông tin rộng mở và nhu cầu đối với “truyện tranh thú vị từ khắp nơi trên thế giới đã được nâng cao hơn nhiều, trong đó có truyện tranh từ Nhật Bản, châu Âu hay châu Mỹ”.
Nhu cầu cao với truyện tranh thế giới
Ông ghi nhận nhiều thư viện và thủ thư đã đưa tiểu thuyết đồ họa và truyện tranh đến với Australia, khẳng định chỗ đứng cho chúng trong mắt các bậc phụ huynh và ngành xuất bản sách thiếu nhi còn đầy hoài nghi.
Giám đốc Điều hành Hiệp hội Thông tin và Thư viện Australia (ALIA) Cathie Warburton cũng cho biết các thủ thư “thích nhìn thấy sự phấn khích và vui vẻ của trẻ em khi có một cuốn tiểu thuyết đồ họa mới”.
Kate Temple muốn các em nhỏ học được điều gì đó từ những tác phẩm truyện tranh. Ảnh: News Australia.
Bà Warburton nói: “Vào thời điểm số lượng người đọc sách để giải trí ở Australia đang giảm và khi những lợi ích về sức khỏe cùng tinh thần của việc đọc sách đã được chứng minh, việc khiến trẻ em hứng thú với đọc sách là điều quan trọng hơn bao giờ hết”.
Bà Warburton nói: “Nghiên cứu cho thấy 89% trẻ em từ 6 - 17 tuổi đồng ý rằng những cuốn sách yêu thích của chúng là những cuốn chúng được tự chọn. Nếu đó là tiểu thuyết đồ họa thì càng tốt, những tác phẩm này mang đến trải nghiệm tuyệt vời để khuyến khích niềm yêu thích đọc sách.”
Kate Temple, đồng tác giả của loạt truyện tranh thiếu nhi Frog Squad, cũng cho biết những quan niệm về việc đọc truyện tranh và tiểu thuyết đồ họa là lãng phí thời gian hay vô ích đều hoàn toàn sai lầm.
“Tiểu thuyết đồ họa nâng cao khả năng đọc hiểu bằng hình ảnh, một điều ngày càng quan trọng khi trẻ em của chúng ta ngày nay dành phần lớn thời gian để xem hình ảnh. Con cái chúng ta đang bị tấn công từ hình ảnh ở khắp nơi, từ quảng cáo, hình ảnh AI hay thông tin giả. Vậy làm thế nào để chúng học cách giải mã được điều gì là thật?” bà Temple nói.
Bà Temple cho biết bà và chồng Jol liên tục được giải mã “tâm trí” khi viết bộ truyện mới của họ. Bà chia sẻ: “Chúng tôi muốn tạo ra tác phẩm gì đó hấp dẫn và có tính minh họa cao nhưng cũng là nội dung giúp trẻ em suy ngẫm về những gì chúng đang đọc và nhìn thấy trên trang giấy”.