Vài năm trở lại đây, mạng xã hội bắt đầu nở rộ trào lưu đăng tải video cuộc sống của người dân tộc thiểu số ở vùng núi cao. Qua đó người xem có thể cảm nhận được khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, văn hóa, đặc sản cũng như cuộc sống thường ngày của bà con...
Và người xem hầu như nghĩ YouTuber - chủ nhân của loạt video là người dưới xuôi, có trình độ, hiểu biết xã hội và công nghệ... Song thực tế có không ít YouTuber nổi tiếng là người dân tộc thiểu số.
Làm YouTuber giúp đỡ người dân tộc
Ở Mèo Vạc (Hà Giang) có một chàng trai dân tộc H’mông theo đuổi công việc làm YouTuber dù chỉ học hết lớp 10, đọc - nói tiếng Kinh chưa thành thạo. Đó là Thò Mí Tính (SN 1998) - chủ kênh YouTube Ngọc Tính với gần 75.000 lượt đăng ký theo dõi.
Thò Mí Tính và người vợ trẻ
Mở đầu câu chuyện, chàng trai thừa nhận bản thân viết tiếng Kinh chưa thông thạo nhưng có thể nghe - nói lưu loát. Hiện cậu đã có gia đình nhỏ, sống cùng cha trong ngôi nhà nhỏ dưới chân một ngọn núi cao ở Mèo Vạc.
Mí Tính tâm sự: "Mình đã kết hôn và có hai bé. Mẹ mình mới qua đời hồi năm ngoái, bố già yếu chẳng làm được gì. Vì thế mình vẫn trồng ngô, lo cho gia đình. Mình phải phân bổ thời gian làm sao để có thể cân bằng việc làm YouTuber và quán xuyến nhà cửa".
Vừa dứt lời, chàng dân tộc H’mông chia sẻ cơ duyên bén với nghề làm YouTuber. Cậu kể từ năm lớp 8 đã biết đến điện thoại thông minh và máy quay phim, thậm chí còn hiểu sơ sơ về việc dựng clip. Khi ấy cậu ước sau này trưởng thành cũng làm công việc ấy bởi bản thân là người thích khám phá, đi nhiều nơi để trải nghiệm.
Kết thúc kỳ I của lớp 10, Mí Tính tạm gác ước mơ đến trường vì gia đình quá nghèo, không có tiền đóng học phí. Sau đó cậu theo đám thanh niên trong bản sang Trung Quốc làm thuê, kiếm tiền gửi về cho bố mẹ nuôi các em ăn học.
Tính đã giúp đỡ nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn
"Ở đó, mình làm công việc lọc túi bóng thành từng loại với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Công việc nghe thì nhàn nhã nhưng thực chất vất vả lắm, bị chủ bóc lột sức lao động thậm tệ mà đồng lương ít ỏi.
Mình làm bên đó 6 năm, không được tăng lương lần nào nên quyết định về quê làm nương rẫy", Mí Tính nhớ lại.
Trở lại quê nhà, Mí Tính bỗng nghĩ đến ước mơ ngày học cấp II, lại có tí vốn nên quyết định thử sức với công việc YouTuber. Cậu thừa nhận công việc mới mẻ, không biết có tạo ra thu nhập hay không nhưng được ở gần bố mẹ. Hơn cả cậu có thể giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn thông qua thước phim quay chậm.
"Mình đã mua chiếc điện thoại thông minh để quay cảnh đời sống của người đồng bào quê mình. Hôm đó mình hí hửng chờ đợi sản phẩm "ra lò" thì ngớ người khi không biết phải đăng lên như thế nào vì trong bản không có sóng mạng.
Mình phải đi bộ gần 2km ra điểm có sóng wifi. Thế rồi mình dần dần học từng tí kiến thức về YouTube trên mạng. Cuối cùng mình đã lập được kênh riêng, ngày nào cũng ra video", Mí Tính kể thuở mới vào nghề.
Thông qua video, chàng trai dân tộc H’mông cũng muốn khoe cảnh sắc quê hương, phát triển du lịch địa phương
Kênh YouTube của Mí Tính luôn lưu giữ những nét độc đáo về phong tục tập quán, văn hóa, ẩm thực du lịch, cuộc sống vùng cao núi đá hoang sơ... Ngoài ra cậu cũng đăng tải cuộc sống của những hộ gia đình có hoàn cảnh cực khó khăn trong vùng lên kênh. Người xem sau đó sẽ gửi quà, tiền giúp đỡ để họ cải thiện cuộc sống.
"Lúc đó, mình sẽ là sợi dây kết nối - "người đưa thư" giúp mạnh thường quân liên lạc với gia đình khó khăn. Nhiều trường hợp không được biết đến rộng rãi, mình đành bỏ tiền túi mua gạo, nhu yếu phẩm hoặc con giống để họ canh tác.
Mình sinh ra và lớn lên ở vùng núi cao nên hiểu rõ cái nghèo bủa vây như thế nào. Nếu bà con không có tiền mua con giống chăn nuôi, chỉ dựa vào vài xào ngô thì quanh năm đói khát", Mí Tính bộc bạch.
Đi mọi nẻo đường vùng cao, "nhẵn mặt" người đồng bào
Nhắc đến chuyện phải có kiến thức quay video - dựng hình trước khi đăng tải lên nền tảng YouTube, chàng trai thừa nhận bản thân không biết gì. Cậu chỉ biết lên mạng tìm hiểu rồi học dần dần từng tí một. Nhiều người nói cậu có một ê-kip chuyên nghiệp đằng sau nhưng thực tế chỉ có mình.
"Mình học hỏi mọi thứ, từ một người chẳng biết gì thành một YouTuber như hiện tại. So với các anh chị khác, mình chưa có thành tựu gì nổi bật. Song mình luôn hài lòng và vui khi đã giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn", Mí Tính tâm sự.
Hai năm đầu tiên, Mí Tính tự làm mọi thứ, từ việc quay, dựng cho đến đăng tải lên kênh. Hơn một năm nay, cậu rủ thêm người em họ phụ giúp. Người này đảm nhiệm công việc quay phim, còn cậu kết nối và đóng vai trò là người trò chuyện với "nhân vật".
Hơn 3 năm gắn bó với nghề, đi mọi nẻo đường vùng cao, "nhẵn mặt" người đồng bào, Mí Tính đã có hàng trăm sản phẩm với lượt xem "siêu khủng", giúp đỡ nhiều gia đình khó khăn.
"Công việc hiện tại của mình tự do hơn hồi sang Trung Quốc làm, không vất vả như làm cửu vạn, có tiền hơn trồng ngô khoai... Nhưng thực tế nó không dễ dàng chút nào cả. Có những hoàn cảnh ở vùng cao trên núi đá, xe máy không đi được phải đi bộ khoảng 1 tiếng hoặc 3 tiếng. Hoặc có chuyến đi đường đèo nguy hiểm, chỉ cần bất cẩn chút là ngã xuống vực mất mạng.
Lúc đó mình thấy nản chí và mệt vô cùng nhưng đồng bào mà cố gắng. Mình biết chỉ cần đăng lên kênh, họ sẽ được mạnh thường quân giúp đỡ, cuộc sống cải thiện phần nào", YouTuber Hà Giang nói.
Công việc của Tính
Về thu nhập khi làm YouTuber, Mí Tính tiết lộ mỗi tháng được nhận 18 triệu đồng tiền lương. Số tiền đó với người đồng bào không phải nhỏ nhưng cuộc sống của cậu vẫn khó khăn muôn trùng. Cậu phải lo toan cho gia đình nhỏ, cha già...
"Gần đây, mình ít ra video bởi vướng bận chuyện gia đình. Tuy nhiên mình vẫn thường xuyên đi các bản, đến hộ dân nghèo giúp đỡ. Sắp tới mình sẽ dựng video và chia sẻ lên kênh để mọi người cùng xem", chàng trai bộc bạch.