viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí vừa có báo cáo gửi Quốc hội về công tác của ngành kiểm sát từ ngày 1-10-2023 đến ngày 31-3-2024.
Đáng chú ý, tại báo cáo này, ông Lê Minh Trí cho hay VKSND Tối cao đã thụ lý 259 hồ sơ/338 bị án tử hình; đã ban hành 258 Quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm.
Cơ quan này cũng trình Chủ tịch nước ân giảm hình phạt tử hình đối với 31 bị án, trình Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình đối với 218 bị án.
Cũng tại báo cáo này, viện trưởng Lê Minh Trí đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành trong hệ thống chính trị quan tâm, phối hợp chặt chẽ với VKSND Tối cao trong quá trình nghiên cứu, xây dựng đề án “Những bất cập trong Bộ luật Hình Sự và Tố tụng Hình Sự liên quan đến thi hành án tử hình; việc nghiên cứu giảm bớt tội danh bị áp dụng hình phạt tử hình; tăng cường áp dụng biện pháp chuyển đổi từ hình phạt tử hình sang hình phạt tù, nhất là các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, xâm phạm sở hữu”.
Còn tại báo cáo của Chánh án TAND Tối cao gửi Quốc hội về công tác của các tòa án, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định: “Việc ra quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị và trình Chủ tịch nước xem xét đơn xin ân giảm hình phạt tử hình đã được Chánh án TAND Tối cao thực hiện nghiêm túc, kịp thời và đúng quy định”.
Trước đó, báo cáo Chính phủ về công tác thi hành án năm 2023 đánh giá việc thực hiện chế độ đối với người bị kết án tử hình như chế độ ăn, mặc, sinh hoạt, chăm sóc y tế, nhận quà…; tổ chức thăm gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự được thực hiện theo đúng quy định của Pháp Luật.
Còn công tác tổ chức thi hành án tử hình được nhận định “bảo đảm an toàn, đúng quy định của Pháp Luật”.
Nhận định về vấn đề này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho hay số lượng người bị kết án tử hình năm 2023 tăng so với cùng kỳ. Công tác quản lý giam giữ số đối tượng này của các trại tạm giam bảo đảm an toàn. Việc tổ chức thi hành án tử hình và giải quyết cho thân nhân người bị thi hành án nhận tử thi, tro cốt bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, đúng Pháp Luật.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Tư pháp, khó khăn lớn nhất hiện nay là số người bị kết án tử hình đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa thi hành còn cao. Điều này gây áp lực cho công tác quản lý, giam giữ, trong đó một số trường hợp người bị kết án tử hình đã đủ điều kiện thi hành án nhưng chưa thể tổ chức thi hành do sai sót về thủ tục.
Cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiệp vụ chưa tương xứng với yêu cầu công tác quản lý giam giữ, thi hành án tử hình. Còn nhiều trại tạm giam chưa có khu giam riêng người bị kết án tử hình, không bảo đảm yêu cầu quản lý giam giữ.
Sáng 13-9-2023, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của các cơ quan tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đánh giá việc thi hành án tử hình hiện nay rất chậm và còn tồn đọng rất nhiều.
“Lý do, nguyên nhân từ đâu mà khi đã tòa án đã kết án rồi, có những tử tù gần 10 năm chưa thi hành được, có những tử tù viết đơn xin được thi hành án?” - ông Lê Tấn Tới đặt vấn đề.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh, nguyên nhân có nhiều nhưng một phần do quy định của Pháp Luật. Đó là sau khi bị tuyên án tử hình rồi, bị án còn quyền viết đơn gửi cho Chủ tịch nước xin ân giảm (giảm hình phạt tử hình theo bản án đã có hiệu lực Pháp Luật xuống tù chung thân theo quy định của Pháp Luật Hình Sự).
Chủ tịch nước phải phê vào đơn là bác đơn thì mới thi hành án được. Khi nào Chủ tịch nước chưa có ý kiến gì thì bị án vẫn còn phải chờ đợi và có quyền hy vọng.
“Chủ tịch nước rất nhiều việc, trong khi muốn bác đơn cũng phải nghiên cứu, xem xét” - ông Lê Tấn Tới nhận xét.
“BLHS đã giảm nhiều tội không có án tử hình, bây giờ tiếp tục giảm nữa hay xem xét sửa Luật THA?” - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh đề xuất giải pháp tháo gỡ cho vấn đề nan giải này.