Lễ hội bánh bao tại đảo Trường Châu, Hong Kong (Trung Quốc)
Bánh bao là món ăn truyền thống của người Trung Quốc nói chung và người Hong Kong (Trung Quốc) nói riêng. Tuy nhiên, chỉ duy nhất tại đảo Trường Châu có lễ hội dành riêng cho món ăn này. Mỗi năm, có hàng ngàn người đổ về đảo Trường Châu để tham gia lễ hội.
Xuất hiện từ hơn 100 năm trước, lễ hội là dịp để người dân bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần đã giúp họ xua tan dịch bệnh. Trong dịp này, người dân địa phương sẽ hóa trang, làm bánh bao và xây dựng nên những tòa tháp bằng tre cao chót vót.
Vào nửa đêm, những người đàn ông trên đảo sẽ đua nhau leo “núi bánh bao” - chính là những cột tre đính đầy bánh bao nhân hạt sen để giật lấy chiếc bánh cao nhất, sau đó, xuống thật nhanh, vừa giật thêm nhiều chiếc bánh khác.
Trong ba ngày lễ hội người dân thường chỉ ăn chay. Sau khi tất cả các bánh bao được gỡ bỏ khỏi tháp, người dân vẫn được ăn lại chế độ bình thường với thịt và hải sản.
Lễ hội rước voi Thrissur Pooram là dịp để người dân Ấn Độ tỏ lòng tôn kính các vị thần. (Nguồn: Insta Astro)
Lễ hội rước voi Thrissur Pooram, Ấn Độ
Lễ hội Thrissur Pooram là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng nhất tại bang Kerala, Ấn Độ. Được tổ chức mỗi năm vào tháng 4 hoặc tháng 5 (theo lịch Hindu), lễ hội này thu hút hàng ngàn du khách cũng như những người dân địa phương tham gia.
Trong bầu không khí rộn ràng và phấn khích với nhạc truyền thống như thappu và panchavadyam (một nhóm nhạc truyền thống ở Nam Ấn Độ), cuộc diễu hành được tổ chức với sự góp mặt của những chú voi. Những chú voi này sẽ được vẽ trang trí, đeo trang sức vàng trên đầu, kết hợp với những màn bắn pháo hoa và những tiếng trống, kẻng rộn ràng.
Thrissur Pooram không chỉ là một lễ hội văn hóa mà còn là một sự kiện tôn giáo quan trọng đối với cộng đồng Hindu ở Kerala.
Lễ hội diễn ra tại 10 ngôi đền địa phương nhằm tỏ lòng thành kính với thần Shiva ở đền thờ chính bang Kerala của thành phố Thrissu.
Lễ hội mèo ở Ypres, Bỉ
Lễ hội được tổ chức 3 năm một lần vào chủ nhật thứ hai của tháng 5. Người dân sẽ ném mèo bông từ tháp chuông xuống dưới quảng trường thay vì mèo thật như thời Trung cổ. Vào khoảng thời gian này, mọi người cùng nhau hóa trang thành các giống mèo khác nhau.
Thậm chí, còn có người mặc theo cả hình dáng của những con mèo trong các câu chuyện cổ tích.
Điểm đặc biệt của lễ hội là người dân sẽ rước những chú mèo giả khổng lồ. Bên cạnh đoàn xe rước được trang hoàng lộng lẫу, hàng nghìn người hòa mình vào không khí náo nhiệt diễu hành đến tòa nhà Ϲloth Hall – nơi ngành dệt may phát triển thịnh vượng nhất ở thành phố Ypres, Bỉ.
Vào những ngày này, tất cả các cửa hàng, cửa hiệu trên khắp các con đường sẽ tràn ngập những thỏi chocolate, bánh kẹo, đồ chơi hình mèo và nhiều mặt hàng khác liên quan.
Lễ hội đua nến là một trong những nét đặc sắc văn hóa của Italy. (Nguồn: Ciclismo Classico)
Lễ hội đua nến, Italy
Được tổ chức vào 15/5 hàng năm, lễ hội là cuộc đua rước nến khổng lồ có quy mô lớn ở Gubbio, Italy, nhằm tưởng nhớ đến Thánh bảo hộ Ubaldo của người dân địa phương.
Cuộc đua có sự tham gia của 3 đội chơi mặc theo 3 màu xanh, đỏ và vàng (tượng trưng cho 3 vị thánh Ubaldo, George và Anthony). Mỗi đội mang theo một cây nến (được gọi là Ceri) dài 4m với trụ cột bằng gỗ nặng khoảng 400kg, mang bức tượng của một trong 3 thánh.
Sau đó, họ xuất phát từ trong thành phố rồi chạy lên dốc Monte Ingino, qua khu vực thánh đường trong tiếng hò reo cổ vũ của du khách trong và ngoài nước.
Dù tên gọi của lễ hội là cuộc đua nến nhưng không phải đội nào đến đích nhanh nhất sẽ chiến thắng. Thứ tự ai về nhất, nhì, ba đã được định sẵn trong nhiều thế kỷ và không bao giờ thay đổi.
Lễ Hội thánh Rắn tại Italy
Lễ Hội thánh Rắn còn có tên gọi là Festa dei Serpari, được tổ chức để tỏ lòng biết ơn đối với thánh Dominico, vị thầy thuốc đã cứu chữa người dân nơi này thoát khỏi nguy hiểm bởi rắn độc. Cũng từ đó, ông được tôn là “Thánh Rắn”.
Kể từ năm 1392, người dân Italy lấy ngày thứ năm đầu tiên của tháng 5 để tổ chức lễ hội tưởng nhớ vị thánh này.
Tượng thánh Dominico được trang trí bằng đá quý, tiền vàng và bao quanh bởi hơn 30 chú rắn to. Người dân tin rằng rước “Thánh Rắn” đi khắp nơi trong thị trấn, thánh sẽ dùng sức mạnh của mình để giúp họ có thêm khả năng miễn dịch với nọc độc rắn cắn trong năm sau.
Các loại rắn trong buổi lễ là loại không độc và đã được cắt nanh trước khi đem đến gần với công chúng. Theo quan niệm của người dân, càng nhiều rắn cuốn quanh bức tượng sẽ càng mang đến nhiều điềm lành. Đám rước diễn ra đến chiều tối và kết thúc là màn bắn pháo hoa rực rỡ.
Lễ hội phomat lăn ở Anh
Cuộc đua lăn theo phomat được tổ chức hàng năm vào ngày thứ 2 cuối cùng của tháng 5, tại thị trấn đồi Cooper, Gloucestershire, Anh.
Sẽ có một bánh phomat Gloucester (một loại phô mai cứng có hình dạng như bánh xe, nặng khoảng 3–4 kg) được bọc trong vỏ gỗ, trang trí bằng ruy băng và thả lăn xuống chân đồi.
Đúng như tên gọi Cheese-Rolling Festival, bánh phomat được lăn xuống đồi trước và các thí sinh tham gia cuộc thi sẽ “lăn” theo. Ai “bắt” được miếng pho mát trước sẽ là người thắng cuộc và được một bánh phomat lớn.
Tuy nhiên, do độ nguy hiểm của địa hình, độ dốc và bề mặt gồ ghề của sườn đồi khá nguy hiểm và dễ gây thương tích cho người tham gia nên lễ hội này đã chính thức bị hủy bỏ vào năm 2011.
Kể từ đó, tuy không được tổ chức một cách chính thức nhưng lễ hội vẫn được các nhóm tình nguyện viên địa phương mở ra và thu hút đông đảo mọi người tham gia.
Lễ hội “mê hoặc” du khách bởi những buổi hòa nhạc ngoài trời và màn trình diễn nước, ánh sáng, pháo hoa tráng lệ.. (Nguồn: Make My Trip)
Lễ hội Đêm trắng tại Nga
Kéo dài từ 23/5 - 29/7, lễ hội Đêm trắng ở thành phố St. Peterburg của Nga diễn ra hoành tráng và thu hút sự đông đảo của du khách trong và ngoài nước.
Thuật ngữ "Đêm trắng" (White nights) thường được sử dụng để mô tả hiện tượng thiên nhiên xảy ra ở các vùng cận cực hoặc gần cực, khi mặt trời không hoàn toàn lặn dưới đường chân trời trong thời gian ban đêm, tạo điều kiện cho ánh sáng ban ngày kéo dài hoặc bầu trời ban đêm trở nên rất sáng.
Lễ hội Đêm trắng tại đây là một dạ tiệc công cộng, bao gồm chuỗi sự kiện văn hóa do chính quyền TP. Saint Petersburg tổ chức, với những màn trình diễn ballet, opera, nhạc cổ điển... kéo dài gần 2 tháng ở những nơi tráng lệ như nhà hát Mariinsky, nhạc viện và nhà hát Hermecca…
Người dân và du khách sẽ chiêm ngưỡng các buổi triển lãm đặc sắc, các màn trình diễn nước, ánh sáng hoành tráng trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.
Điểm nổi bật của Đêm trắng là chương trình Cánh buồm đỏ - lễ kỷ niệm dành cho học sinh tốt nghiệp trung học. Trên sông Neva, chiếc thuyền với những cánh buồm đỏ thắm lướt trên mặt nước như lời chúc các tân sinh viên may mắn và thành công trên chuyến hành trình sắp tới.