Tôi là Trần Văn Chính.
Không biết gia đình tôi làm nghề chài lưới trên sông từ bao giờ, chỉ biết rằng tôi sinh ra trên một con thuyền. Cha mẹ tôi mất trong một cơn bão lớn khi ông bà đang chèo thuyền vào bờ.
Tôi may mắn còn sống vì cha mẹ túm vào chiếc áo tơi lá quấn kín ni lông bắt ngồi nguyên trong khoang thuyền. Khi bão tan, thuyền dạt vào bờ, tôi được vợ chồng ông Thiện cứu giúp. Nhưng rồi mấy năm sau, vợ chồng ông Thiện qua đời. Tôi lại lênh đênh trên con thuyền nhỏ ấy.
Thế rồi nhờ dòng nước trong lành của dòng sông, nhờ nắng gió trên dòng sông, nhờ “lộc trời” dưới đáy sông, tôi dần dần lớn lên.
Mặc dù là dân chài không có nhà cửa trên mặt đất, nhưng nhờ cha mẹ tôi đã ba lần cứu giúp người bị nạn trong đó có một lần cứu được con trai ông Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến xã thoát khỏi lưỡi hái tử thần của dòng nước xiết, nên gia đình tôi được biên chế thành công dân chính thức của xóm Trại thuộc xã Phúc Thành. Và, ngay sau ngày hòa bình năm 1954, tôi được cắp sách tới trường.
Mồ côi bố mẹ nhưng đi học tôi được xếp vào loại học giỏi nhất nhì trong xã. Hết cấp một được chuyển thẳng lên cấp hai. Hết cấp hai được chuyển thẳng lên cấp ba trường tỉnh.
Thời ấy, không phải đóng học phí. Lúc đầu do bà con giúp, sau thì tôi tự kiếm cá tôm nuôi sống mình và có tiền mua giấy bút đi học. Cấp một học ở trường làng. Nhưng cấp hai thì học ở trường huyện cách nhà mười cây số. Hồi ấy, không ai nghĩ đến xe đạp.
Cho nên bọn học trò chúng tôi toàn đi xe “căng hải” từ tờ mờ sáng. Lên cấp ba thì trường tỉnh xa mười lăm cây nhưng may mắn cùng hướng đường với trường huyện. Thời gian đầu tôi đi bộ suốt, về sau phát hiện ra trường tỉnh gần một bến sông nên tôi dùng thuyền đi học. Con đường thủy ngắn hơn đường bộ năm cây số. Tôi học các môn đều khá. Riêng môn Hóa và Sinh tôi được đánh giá là học giỏi.
Thấm thoắt tôi đã học hết phổ thông, tốt nghiệp lớp Mười. Các thầy cô giáo và bạn bè khuyên tôi nên đi học đại học y hoặc đại học tổng hợp. Tôi cũng ao ước được đi học đại học. Tôi có quyền được đi học đại học lắm chứ? Thế nhưng, tôi cứ băn khoăn, day dứt mãi hàng năm trời không quyết định được.
Một là vấn đề kinh phí ăn học, tôi lấy ở đâu ra? Hai là vấn đề con thuyền. Tôi sẽ phải giao con thuyền máu thịt này cho ai?
Vâng. Con thuyền này là hiện thân của bố mẹ tôi. Con thuyền đã sinh ra tôi, đã nuôi dưỡng tôi, đã chở che tôi bao nhiêu năm trong đêm tối, trong nắng lửa, mưa trút và sóng gió bão bùng… Con thuyền đã ấp ủ tôi, đã vỗ về tôi, đã nâng đỡ tôi đứng vững trước bao nhiêu thử thách ngặt nghèo…
Không! Tôi không thể nào xa con thuyền này được. Và tôi đã không đi đại học. Mặc dù vậy, tôi vẫn chắt bóp, dành dụm mua được mấy cuốn sách văn học và y học để đọc. Rồi tôi sắm được một cái đài ga-len bán dẫn nhỏ xíu để nghe tin tức.
Thế rồi đến một đêm - cái đêm lạ lùng làm thay đổi hẳn cuộc đời tôi. Đó là cái đêm Ba mươi Tết năm ấy. Đêm ấy trời tối lắm. Tôi ngồi trong khoang thuyền nghe âm thanh của dòng sông và sóng nước… Đêm tối như một người khổng lồ khoác chiếc áo choàng đen rộng thùng thình đi dọc theo bờ sông.
Chiếc áo choàng đen huyền bí kia trùm lên cả con thuyền, trùm lên cả dòng sông lao xao tôm cá. Chiếc áo chùng đen ấy luôn luôn chuyển động tạo ra những hình thù kỳ quái trong bóng đêm để dọa nạt những người yếu bóng vía.
Nhưng tôi không sợ. Tôi được sinh ra trên con thuyền trong đêm tối. Đã hai mươi năm nay tôi quen sống với những bóng đen ấy. Nếu sợ thì tôi đã bỏ con thuyền này mà đi từ lâu rồi.
Tôi cũng không buồn. Tôi cũng không vui. Nhưng không hiểu sao, đêm nay tôi có một cảm giác thật lạ. Nó như là một cái gì thôi thúc, thúc giục, như một đòi hỏi gì đấy.
Tôi nghe… Tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền. Tiếng cá quẫy. Tiếng dế kêu bên bờ sông… Và rồi có cả tiếng pháo đì đẹt xa xa… Có lẽ sắp Giao thừa rồi đấy.
Bỗng tôi nghe văng vẳng đâu đây có tiếng rẽ nước, tiếng quẫy đạp rất lạ.
Tôi lắng tai một lần nữa để định hướng. Rồi tôi căng mắt ra nhìn về phía ấy.
Có tiếng pháo đì đùng, ánh sáng hắt lên trời. Tôi nhìn thấy một vật gì cứ trồi lên, trụt xuống trên mặt sông phía xa xa.
Tôi chèo thuyền tới đó và phát hiện ra một người đang vùng vẫy trên mặt nước.
Theo phản xạ, tôi ném ngay chiếc đài bán dẫn vào khoang thuyền rồi nhảy ùm xuống dòng sông lạnh. Tôi quờ phải mái tóc dài. Tôi nhanh chóng nhận ra đây là một người sắp chết đuối.
Với sức lực của chàng trai hai mươi cường tráng lại giỏi bơi lội, không có gì khó khăn, tôi bế xốc người phụ nữ ấy lên thuyền.
Mặc dù đêm tối nhưng tôi biết phải làm thế nào để cứu sống một người sắp chết đuối. Gia đình tôi đã ba lần cứu sống ba người khỏi bàn tay tử thần của dòng nước xiết. Lạy giời, người phụ nữ này vẫn còn kịp để tôi cứu.
Tôi vác người này trên vai cho đầu dốc ngược xuống để ộc nước ra đằng miệng. Rồi tôi đặt người này xuống chiếc giường của tôi, làm các động tác hô hấp nhân tạo.
Bấy giờ tôi mới nhớ ra là người này đang mặc quần áo ướt sũng. Bao nhiêu năm nay, không có một bộ quần áo đàn bà nào trong thuyền của tôi. Tôi sẽ lấy quần áo của tôi vậy.
Thế nhưng tôi không thể nào tìm thấy quần áo của tôi trong lúc này.
Tôi bật lửa thắp chiếc đèn chai treo lên. Bây giờ tôi mới nhìn thấy thân hình người phụ nữ ấy. Cô ta còn trẻ. Có lẽ chỉ sàn sàn tuổi tôi. Khuôn mặt bầu bầu khá xinh, người tròn lẳn.
Hai mươi năm trời tôi chưa một lần chạm vào thân thể một người phụ nữ. Tôi ngại ngần ghê lắm. Nhưng lần này… ở đây lại không có ai, không nhờ ai được cả…
Không thể nào chần chừ được nữa… Tay tôi run run lần cởi những cái khuy cái cúc trên người cô gái… Ôi, “một tòa thiên nhiên” nõn nà hiện ra trước mắt tôi… Tôi chưa từng được thấy bao giờ…
Nhưng, lý trí không cho phép tôi trù trừ. Tôi phải cứu sống cô gái. Tôi nhanh chóng cởi đồ, rồi nhanh chóng mặc quần áo khô của tôi cho cô gái. Người cô lại lạnh ngắt. Tôi lại phải tiếp tục làm các động tác hô hấp nhân tạo và xoa bóp… Sau đó tôi ngồi bên cạnh theo dõi tiếp từng hơi thở của cô ấy.
Trời sáng hẳn. Một loạt pháo đùng nổ giòn bên bờ sông.
Cô gái mở mắt đúng sáng ngày mồng Một Tết.
Cô gái ấy tên là Nhân, kém tôi hai tuổi, người của đất Hưng Yên, nhà bên kia sông. Cô nói rằng cô bị cha mẹ ép gả cho một tay con nhà giàu nhưng cô không chịu. Và cô đã tìm đến dòng sông này.
Thế rồi cái gì đến sẽ phải đến. Một tháng sau, tôi sang Hưng Yên thưa chuyện với thầy mẹ Nhân. Rồi chúng tôi thành đôi từ đấy. Bố mẹ Nhân bảo hai đứa về Hưng Yên lập nghiệp. Nhưng Nhân quyết định ở lại trên con thuyền này với tôi – con thuyền đã sinh ra tôi lần thứ nhất và đã sinh ra Nhân lần thứ hai.
Rồi chúng tôi có thằng Nghĩa.
Thằng Nghĩa tròn ba tuổi thì giặc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Ngày ngày lũ giặc trời lồng lộn trên bầu trời săm soi và oanh tạc các mục tiêu quân sự, kinh tế của ta hòng ngăn chặn mọi con đường tiếp tế cho tiền tuyến lớn. Bến sông có con thuyền thân thương của tôi thường neo đậu đã thành một bến phà và cũng là mục tiêu đánh phá của địch. Chúng đã mấy lần gây tội ác trên bến sông này.
Không thể chần chừ được nữa, tôi phải lên đường đi chiến đấu, giao con thuyền máu thịt này cho mẹ con Nhân.
Sau ngày giải phóng miền Nam, tôi được thăng cấp thượng tá và được giao chỉ huy một sư đoàn làm nhiệm vụ chiến đấu ở mặt trận biên giới Tây Nguyên. Mãi đến năm 1980, tôi mới được đồng chí Tư lệnh Mặt trận cho về phép thăm gia đình.
Xe chạy cách bến sông khoảng chừng một cây số, tôi bảo đồng chí lái xe cho tôi xuống đi bộ. Bởi vì có bao nhiêu câu hỏi trong đầu… Bến đò xưa có còn không? Con phà xưa có còn không? Và… Nhân, Nghĩa của tôi bây giờ ở đâu?... Nhân, Nghĩa của tôi bây giờ ra sao?... Tôi đã phải dừng lại nhiều lần để trấn tĩnh.
Nhưng, cuối cùng, tôi cũng phải đến bến sông xưa…
Buổi trưa. Bến sông vắng người.
Thế nhưng, tôi vẫn thấy có một chàng trai đứng trên một con thuyền mới. Con thuyền to đẹp, vững chãi và có máy đẩy. Vâng, có lẽ đây là một con thuyền máy. Bên vệ sông có một quán nước và thật lạ lùng… tôi vẫn thấy con thuyền nhỏ máu thịt của tôi (tuy đã cũ kỹ rất nhiều) vẫn còn đậu ở vệ sông này…
Chàng trai to cao lực lưỡng, da ngăm đen nhưng đôi mắt sáng rực lên khi nhìn thấy chú bộ đội (là tôi) đang đi xuống đò.
Như có sức hút của nam châm, chàng thanh niên nhảy từ con thuyền xuống vệ sông hỏi rối rít:
- Chú ơi chú, chú có gặp bố cháu không?
- ……
Tôi ngỡ ngàng chưa biết trả lời thế nào thì anh ta lại nói:
- Chú ơi, bố cháu là Trần Văn Chính, đi B từ năm 1966… Chú ơi, ngày đêm nào mẹ con cháu cũng thường trực ở bến sông này để đón bố cháu…
Tôi chạy lại ôm chầm lấy chàng thanh niên, nước mắt trào ra đầm đìa. Từ bé, tôi chưa bao giờ khóc. Thế mà hôm nay, lần đầu tiên trong đời, tôi được khóc…
Rồi, một người đàn bà từ trong quán nước bên vệ sông chạy ra ôm chầm lấy tôi.
Thế là Chính - Nhân - Nghĩa đã về trong một nhà sau mười lăm năm trời đau thương xa cách… Mười lăm năm đau thương, bến sông vẫn đợi tôi về...
Truyện ngắn của Phạm Minh Giang