Không đầy 2 tháng nữa Hà Nội sẽ tổ chức kỳ thi chung tuyển sinh lớp 10 THPT công lập nhưng “sức nóng” của kỳ thi đã lan tới phụ huynh, học sinh từ rất sớm. Nhiều người ví kỳ thi vượt cấp THCS lên THPT tại Hà Nội còn căng thẳng hơn thi vào ĐH vì nếu trượt sẽ phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn, đó là học trường tư nào hay học nghề, học trung tâm GDTX...
Chị Nguyễn Ngọc Thu, có con học lớp 9 một trường THCS tại quận Tây Hồ cho biết, 3 tháng nay hai vợ chồng lục tung các diễn đàn, dò hỏi thông tin người quen để tìm hiểu các trường tư thục nhưng giờ này vẫn băn khoăn, chưa chốt được trường nào. Các bài kiểm tra, khảo sát trên lớp tính theo công thức của Sở GD&ĐT (Ngữ văn cộng Toán nhân 2, cộng Ngoại ngữ) con chỉ đạt 33 điểm (trung bình 6,6), là mức điểm không cao. Trong khi các trường THPT công lập trong khu vực, như THPT Phan Đình Phùng, THPT Tây Hồ… đều có điểm chuẩn tuyển sinh hằng năm cao. Chị Thu dự tính sẽ đăng ký một nguyện vọng trường công lập ở xa nhà, có điểm chuẩn thấp.
“Một số trường tư vì lợi nhuận đã thực hiện tiểu xảo trong chuyên môn như, cắt xén chương trình, không thực hiện đầy đủ nội dung giáo dục, nhất là những trường không có thương hiệu. Vì với mức học phí đó, nếu làm đầy đủ, có thể lợi nhuận không được nhiều. Mà quá trình dạy học diễn ra hằng ngày, cơ quan quản lý không có đủ lực lượng để kiểm tra, giám sát hết”.
Ông Lê Xuân Trung - Hiệu trưởng trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội)
Nhiều phụ huynh đã mua hồ sơ ở các trường tư thục để làm phương án dự phòng, yên tâm cho con “chiến đấu” với mục tiêu số 1 là đỗ lớp 10 THPT công lập. Chị Nguyễn Thị Hiền, có con đang học lớp 9, THCS Phú La, quận Hà Đông cho hay bản thân chị căng thẳng, áp lực đến mức thức học cùng con mỗi đêm.
Chị xếp lịch học, tìm các đề ôn tập hay của các trường cho con làm và tải cả đáp án để dò chấm điểm. “Con học ẩu, nhanh chóng làm xong để xem vi ti, chơi game nên bài sai nhiều. Cách đây một tháng mình đã nộp hồ sơ dự phòng vào một trường tư thục cảm giác như trút bỏ được gánh nặng. Tuy nhiên, nếu đỗ công lập, vẫn sẽ cho con vào học trường công”, chị Hiền nói.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 hằng năm tại Hà Nội, không ít học sinh ở các quận nội đô chấp nhận đi gần cả trăm cây số để đăng ký nguyện vọng ở các trường THPT công lập tại huyện Ba Vì vì có điểm chuẩn rất thấp. Để học các trường đó, buộc học sinh phải xa gia đình, thuê nhà ở trọ, tự lập trong mọi sinh hoạt khá vất vả.
Cần xếp hạng trường tư
Năm ngoái, Hà Nội giao chỉ tiêu cho 104 trường THPT khoảng 30.000 chỉ tiêu. Các trường này được chủ động xây dựng phương án tuyển sinh, có thể xét tuyển học bạ kết hợp kết quả điểm kỳ thi chung của Sở GD&ĐT, hoặc chỉ căn cứ vào điểm thi của kỳ thi chung của Sở... Điều khiến phụ huynh băn khoăn là chất lượng của từng trường ra sao để có căn cứ lựa chọn. Hiện nay, trong hơn 100 trường tư thục tuyển sinh lớp 10, nổi bật lên một số trường có tiếng nhưng để đỗ vào các trường này không dễ vì phương án tuyển sinh gắt gao, ít học sinh đạt được. Do vậy, đa số học sinh tùy vào năng lực phải lựa chọn các trường xét tuyển học bạ 4 năm THCS.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Giám đốc điều hành trường THPT Hòa Bình - Latrobe (Hà Nội) cho biết, có đến 80% phụ huynh được hỏi nói rằng, tìm hiểu thông tin về chất lượng trường học thông qua truyền miệng hoặc đã có con, cháu học ở đó. Vấn đề khó khăn phụ huynh đang gặp phải là không hiểu chương trình nhà trường đang đào tạo, chất lượng đầu ra ra sao.
“Quan điểm của phụ huynh vẫn chưa thay đổi, đa số ngại trường tư thục, tuy nhiên hệ thống trường công hay trường tư đều phải đảm bảo chương trình giáo dục như nhau, đảm bảo chất lượng đầu ra là 100% học sinh đỗ tốt nghiệp”, bà Thúy nói.
Điều quan trọng là phụ huynh phải dựa vào năng lực của con để lựa chọn ngôi trường phù hợp và rất khó để đánh giá, so sánh giữa trường này với trường khác vì mục tiêu giáo dục các trường khác nhau. Đối với trường đã có tên tuổi, họ có điều kiện tuyển được học sinh giỏi, kết quả đào tạo tốt, tỉ lệ đỗ trường tốp đầu ĐH cao.
Còn những trường THPT tốp dưới, tuyển sinh đầu vào ở mức trung bình nhưng nhà trường chú trọng giáo dục đạo đức, tăng cường trải nghiệm, học gắn với thực hành cho học sinh. Bà Thúy vẫn khuyên phụ huynh, khi tìm hiểu trường tư thục nào nên đến tận nơi để xem cơ sở vật chất, tìm hiểu về chất lượng giáo dục… thay vì nghe thông tin trên các diễn đàn, dễ bị định hướng sai lệch.
Trong khi đó, ông Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông (Hà Nội) nói lí do đa số phụ huynh Việt Nam e ngại trường tư, chọn trường công vì học phí rẻ. Ngoài ra, phụ huynh quan niệm, hệ thống trường công lập sẽ thực hiện nghiêm túc chuyên môn dạy học, chất lượng đảm bảo, cơ sở vật chất được Nhà nước đầu tư khang trang trong khi đó, một số trường tư đi thuê trường, lớp nên không gian học tập chật chội, thiếu thốn đủ bề. “Cần thiết phải xếp hạng các trường THPT dựa trên bộ tiêu chí được xây dựng kỹ càng, khoa học, tin cậy nhằm đánh giá, xếp hạng công bằng, khách quan. Sau đó, công khai để phụ huynh, học sinh được biết và có quyền lựa chọn vì họ chính là người trả học phí”, ông Trung nói.
Đại diện một phòng GD&ĐT tại Hà Nội nói rằng, kết quả đào tạo của các trường THCS - THPT đều có ở dữ liệu ngành để quản lý, các trường cũng nắm được để có giải pháp. Tuy nhiên, rất khó để công bố ra xã hội vì sẽ ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh hằng năm. Tâm lý phụ huynh luôn mong muốn con vào học trường có kết quả đào tạo tốt, còn những trường tốp dưới sẽ bị né tránh. Còn phụ huynh e ngại trường tư thục tốp dưới hay Trung tâm GDTX- GDNN vì kết quả dạy học các đơn vị này hằng năm không cao.