Chốt phiên giao dịch hôm 14-3, giá dầu Brent ở thị trường London tăng 1,3%, lên 85,15 đô la Mỹ/thùng, đưa mức tăng kể từ đầu năm lên 11%. Đây là lần đầu tiên dầu Brent vượt qua ngưỡng giá 85 đô la kể từ đầu tháng 11. Tại thị trường New York, giá dầu Tây Texas (WTI) tăng 1,7%, lên 81,04 đô la /thùng.
Giá dầu tăng sau khi IEA đưa ra báo cáo mới với nhận định, thị trường dầu thô sẽ có “mức thiếu hụt nhẹ” trong năm nay. Cơ quan này giảm dự báo tăng trưởng nguồn cung dầu toàn cầu xuống 800.000 thùng/ngày trong năm nay từ mức 1,7 triệu thùng/ngày trong báo cáo tháng 2.
Ước tính mới của IEA dựa trên giả định rằng, thỏa thuận tự nguyện giảm nguồn cung 2,2 triệu thùng/ngày của 8 thành viên thuộc Liên minh OPEC+ sẽ được duy trì trong suốt năm 2024. Thỏa thuận này được thực hiện trong quí 1 và mới đây, các bên liên quan nhất trí gia hạn thỏa thuận đến hết tháng 6.
IEA cũng nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô toàn cầu lên 1,3 triệu thùng/ngày, cao hơn 110.000 thùng so với dự báo vào tháng trước.
Theo IEA giải thích, tình trạng gián đoạn ở các tuyến thương mại quốc tế do khoảng hủng hoảng Biển Đỏ kéo dài hành trình vận chuyển đường biến. Điều này buộc các tàu phải hoạt động với vận tốc nhanh hơn, làm tăng nhu cầu về nhiên liệu. Ngoài ra, các hoạt động kinh tế tương đối vững mạnh của Mỹ cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu dầu toàn cầu.
Các điều chỉnh dự báo trên đánh dấu sự đảo ngược lập trường của IEA. Hồi tháng 1, cơ quan này dự báo, nguồn cung dầu “dư thừa đáng kể” trong năm nay, dựa trên kỳ vọng về sản lượng kỷ lục từ Mỹ, Brazil, Guyana và Canada.
Trong những tháng trước đây, giá dầu không biến động nhiều bất chấp căng thẳng địa chính trị do cuộc xung đột Israel-Hamas và các vấn đề ở Biển Đỏ. Điều này là do các nhà giao dịch kỳ vọng mức tăng sản lượng kỷ lục của các đối thủ cạnh tranh của OPEC sẽ bảo đảm nguồn cung dồi dào cho thị trường.
Giá dầu giao dịch trong biên độ hẹp chỉ vài đô la mỗi thùng trong tháng trước, nhưng bắt đầu tăng mạnh vào đầu tháng 3 sau khi các thành viên OPEC+ gia hạn thỏa thuận cắt giảm nguồn cung tự nguyện.
Martijn Rats, nhà chiến lược của ngân hàng Morgan Stanley cho rằng, nhà đầu tư có thể sẽ bất ngờ vì đà tăng mạnh của giá dầu trong mùa hè tới. “Có quan điểm trên thị trường cho rằng, các nhà sản xuất ngoài OPEC có thể đáp ứng tất cả mức tăng trưởng nhu cầu trong năm nay và do đó không còn nhiều dư địa cho dầu của OPEC”, ông nói.
Tuy nhiên ông cho biết, sản lượng dầu đá phiến ở Mỹ đang tăng chậm lại, trong khi sản lượng dầu của Canada và Brazil trong đầu năm nay cũng không tăng mạnh như kỳ vọng. Ngoài ra, dự trữ dầu toàn cầu không tăng nhiều trong quí 1 và sẽ suy giảm đáng kể khi các nhà máy lọc dầu tăng tốc hoạt động vào mùa hè để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu trong mùa lái xe.
Đà tăng giá dầu gần đây có thể được coi là “phần thưởng” cho Saudi Arabia. Bởi trước đó, nước này đã chấp nhận giảm thị phần để kéo giá dầu lên mức có thể cung cấp đủ nguồn thu tài trợ cho một loạt dự án chi tiêu hạ tầng nhằm đa dạng hóa nền kinh tế.