Thảo luận về quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh bày tỏ ủng hộ phương án 1 (cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (GTĐB) mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ).
“Quy định cấm trên đã đi vào cuộc sống, được đông đảo người dân đồng tình thực hiện và đang từng bước hình thành văn hóa “đã uống rượu, bia thì không lái xe”. Việc hình thành văn hóa “đã uống rượu, bia thì không lái xe” có thể là một quá trình lâu dài, nhưng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, tình hình giao thông của Việt Nam. Do đó, cần phải tiếp tục thúc đẩy sự hình thành văn hóa đó”, bà Thanh phân tích.
Quang cảnh phiên họp
Về đấu giá biển số xe, đại biểu đề nghị đánh giá kỹ hơn tác động, giải trình việc luật hóa quy định này, do thời gian thực hiện chưa lâu (chưa đến 1 năm). Mặt khác, xác định biển số xe là tài sản, thì quy định về vấn đề này trong Pháp Luật về đấu giá tài sản thì phù hợp hơn, Trưởng Ban Công tác đại biểu nhận định.
Ghi nhận dự thảo lần này có rất nhiều nội dung mới, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Hoàng Thanh Tùng nói, ông còn băn khoăn về quy định trích tiền xử phạt hành chính và đấu giá biển số xe để sử dụng cho lực lượng đảm bảo công tác này.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật, vấn đề xử phạt vi phạm hành chính là một nội dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, Điều 83 Luật này nêu rõ, tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước và phải được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của Pháp Luật về ngân sách nhà nước.
“Việc đầu tư cho lực lượng cảnh sát giao thông, cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ là cần thiết. Nhưng đầu tư theo cách chúng ta trích từ tổng số tiền thu được trong lĩnh vực này hay ngân sách nhà nước bố trí theo quy định chung, tôi nghĩ chỗ này cần làm rất rõ, rất rành mạch và phải bảo đảm sự thống nhất. Nếu quy định như dự thảo là không thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Mặt khác, có rất nhiều lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính, tại sao mỗi lĩnh vực này quy định trích % còn các lĩnh vực khác thì không?”, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng phát biểu.
Nêu ý kiến với kiểm định khí thải, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, dự thảo đề xuất mở rộng kiểm định với tất cả các loại xe cơ giới, xe chuyên dụng và thực hiện ngay, không có lộ trình (dự thảo trước chỉ kiểm định với ô tô, xe máy và có lộ trình phù hợp).
“Nếu bổ sung như vậy, Chính phủ phải có báo cáo đánh giá tác động, làm rõ tác động đến ngân sách nhà nước ra sao, tính phù hợp với các Pháp Luật có liên quan như thế nào”, ông Tùng đề xuất.
Thành viên UBTVQH dự họp
Về Quỹ giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông, người đứng đầu Ủy ban Pháp Luật đề nghị cân nhắc kỹ, vì cứ mỗi bộ ngành lại có thêm một quỹ thì sẽ không đảm bảo tính thống nhất của Pháp Luật về tài chính.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga có quan điểm khác về Quỹ giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông và cho rằng cần thiết thành lập quỹ này để hỗ trợ các gia đình nạn nhân…
Được mời dự họp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ trẻ em tham gia giao thông. Từ thực trạng đáng lo ngại hiện nay, cần siết chặt quy định về đào tạo lái xe an toàn trong trường học.
Ông Khuất Việt Hùng phát biểu: “Để được chứng nhận đã qua đào tạo lái xe an toàn thì nhất thiết phải qua sát hạch trong các trung tâm sát hạch chính thức. Bên cạnh đó, cần cấm xe scooter và ván điện tham gia giao thông trên đường phố. Hiện chưa có quy định nên vẫn có tình trạng các loại xe này hoạt động, lạng lách trên đường, rất không an toàn”.