Tin liên quan
Hãng tin Mỹ CNN ngày 10/3 đưa tin, Không quân Nga đã bắt đầu sử dụng bom hàng không cực mạnh để phá hủy hệ thống phòng thủ của Ukraine; đặc biệt là các loại công sự kiên cố, mà đạn pháo và bom 500 kg không thể phá hủy, làm mất cân bằng trên chiến tuyến.
Điểm đặc biệt là Nga đã biến một loại vũ khí thông thường thời Liên Xô thành một quả bom lượn thông minh, tạo ra một miệng núi lửa rộng 15 mét với mức chính xác tới 5 mét. Quả bom là loại FAB-1500, về cơ bản là loại vũ khí nặng 1,5 tấn, gần một nửa trong số đó chứa chất nổ mạnh.
Bom lượn có điều khiển UMPK FAB-1500 được máy bay chiến đấu như Su-34 hoặc Su-35 của Nga thả từ độ cao 10.000 mét và cách mục tiêu khoảng 60-70 km, vượt quá tầm bắn của nhiều hệ thống phòng không Ukraine.
Đoạn video gần đây từ mặt trận khu vực Donetsk cho thấy sức mạnh ghê gớm của những quả bom tấn này, khi chúng tấn công các tòa nhà kiên cố, mà Quân đội Ukraine đã biến thành những pháo đài phòng thủ, nhưng sức công phá của đạn pháo không thể làm gì được.
Bom lượn UMPK FAB-1500 sử dụng hệ thống dẫn đường vệ tinh và cánh nâng để bom bay chính xác về phía mục tiêu. Nguồn tin CNN cho biết, bom lượn có điều khiển đã giúp cho nhiều máy bay chiến thuật của Nga thêm lựa chọn tấn công tầm xa mới; giúp phi công tránh xa được mối đe dọa từ các hệ thống phòng không của đối phương.
"Trước đây, chúng tôi chỉ bị pháo kích. Bây giờ người Nga tấn công chúng tôi mạnh hơn và bắt đầu sử dụng vũ khí của không quân, đặc biệt là bom hạng nặng FAB-1500 rất kinh khủng. Nếu bạn sống sót, bạn chắc chắn sẽ bị sang chấn tâm lý”, một người lính Ukraine cho phóng viên CNN biết.
"Điều này gây áp lực rất lớn lên tinh thần của các binh sĩ. Không phải ai trong chúng tôi cũng có thể chịu đựng được. Dù bây giờ họ ít nhiều đã quen với bom FAB-500, nhưng quả bom tấn FAB-1500 quả là địa ngục", người lính Ukraine cho biết thêm.
Các đợt tấn công ồ ạt bằng bom là nhân tố then chốt trong cuộc tấn công của Nga ở khu vực Donetsk, đặc biệt góp công lớn phá hủy hệ thống phòng thủ của Ukraine trong thành phố Avdiivka và khu vực xung quanh vào tháng 2 vừa qua.
Người phát ngôn của Lực lượng Không quân Ukraine, Yuri Ignat, nói với CNN: "Vào những ngày cuối trong chiến dịch tấn công Avdiivka, hàng trăm quả bom đã được máy bay chiến thuật Nga thả trong vài ngày; kỷ lục là 250 quả bom được sử dụng tại Avdiivka chỉ trong vòng 48 giờ".
FAB-1500, loại bom mạnh nhất trong loạt "bom ngu" thời Liên Xô, nhưng đang được chuyển đổi thành “bom khôn” nhưng với giá rẻ và sức công phá lớn. Hiện loại bom này tiếp tục được ngành công nghiệp quốc phòng Nga sản xuất tại một nhà máy gần Moscow.
Chuyên gia Justin Bronk, thành viên cấp cao tại viện dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) có trụ sở ở London, cho biết: "Mặc dù việc sản xuất tên lửa hành trình tầm xa của Nga đang gặp khó khăn, nhưng họ lại có một số lượng lớn các loại bom lượn hạng nặng. Vì vậy, Nga có đủ hỏa lực rất mạnh để tấn công các hệ thống phòng thủ cố định ở Ukraine”.
Còn ông Yuri Ignat nói với CNN vào tháng 9 năm ngoái: “Đây không phải là một quá trình chuyển đổi nhanh chóng hay rẻ tiền, một quả bom lượn có sức công phá tương đương với một tên lửa, nhưng giá rẻ hơn mấy chục lần so với giá hàng triệu USD của một quả tên lửa”.
Theo kênh quân sự Fighterbomber trên mạng xã hội Telegram cho biết thêm, "sau nhiều tháng thử nghiệm và hiệu chỉnh sai sót, bom lượn UMPK FAB-1500 lần đầu tiên đã tiêu diệt chính xác mục tiêu ở chiến trường Ukraine”.
Kênh Fighterbomber cũng cho biết thêm, mô-đun cánh lượn mới được phát triển riêng biệt, giúp tăng tầm bay của bom FAB-1500 tới 100 km. Trong vòng vài tuần, cả nguồn tin Ukraine và Nga đều nói về việc sử dụng những quả bom tấn này ở Kherson và Kharkov.
Vào tháng 1 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đến thăm nhà máy sản xuất vũ khí lớn của “Công ty cổ phần Tên lửa Chiến thuật” ở khu vực Moscow. Đại diện công ty đã giới thiệu cho đoàn tham quan hệ thống mô-đun cánh lượn UMPK, được phát triển riêng cho bom FAB-1500.
Theo một đoạn video của Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã biến những quả bom rơi tự do cũ, thành vũ khí có thể lướt tới mục tiêu một cách chính xác. Lãnh đạo nhà máy nơi ông Sergey Shoigu tới thăm cũng cho biết, sản lượng mô-đun cánh lượn của nhà máy đã tăng 40%, nhờ chuyển sang sản xuất 24/7.
Chuyên gia Bronk cũng chỉ ra rằng, bom lượn có điều khiển cải tiến của Nga chỉ có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu cố định. Nhưng trong cuộc chiến tổng lực ở Ukraine, những thành phố, làng mạc thường được Ukraine biến thành các pháo đài phòng thủ; và những quả bom tấn này mới có thể giúp người Nga giải quyết các pháo đài này.
Theo ông Yuri Ignat, để chống lại những quả bom lượn này của Nga, không có cách nào khác là bắn hạ những chiếc máy bay thả những quả bom lượn bằng các hệ thống phòng không tầm xa. Không quân Ukraine tuyên bố đã bắn hạ một số máy bay chiến đấu Su-34 trong những tuần gần đây.
Điều khó khăn cho Ukraine là hầu hết các hệ thống phòng không của Ukraine không có đủ tầm bắn, để tấn công máy bay ở khoảng cách khoảng 70 km. Ông Ignat nói với CNN: "Năng lực phòng không của chúng tôi ngày càng tốt hơn, nhưng vẫn chưa đủ...".
“Bom lượn có điều khiển của Nga không chỉ nhắm vào các vị trí tiền phương, mà còn bay xa hơn phía sau lực lượng phòng thủ của chúng tôi, nơi bố trí các sở chỉ huy, trung tâm thông tin, điểm tập kết quân dự bị, căn cứ hậu cần, kho đạn…”.
"Các máy bay ném bom Su-35 và Su-34 của Không quân Nga đã không bay gần chúng tôi như trước kia. Nhưng nếu chúng tôi có thêm hệ thống phòng không tầm xa, chúng tôi sẽ có thể bắn hạ những máy bay này từ khoảng cách xa hơn", ông Ignat nói thêm.
Còn chuyên gia Bronk thì cho rằng, việc phát triển bom lượn có điều khiển đã giúp Nga sử dụng lực lượng không quân chiến thuật hiệu quả hơn, thay vì các máy bay ném bom tầm xa, vốn có vai trò hạn chế trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.
Chuyên gia Bronk cũng cho rằng, tổ hợp phòng không Patriot của Mỹ gần như là hệ thống phòng thủ duy nhất có khả năng đối phó với mối đe dọa là bom lượn của Nga, nhưng Ukraine có số lượng hạn chế. Tên lửa mà hệ thống Patriot sử dụng đang bị thiếu hụt, do Quốc hội Mỹ trì hoãn việc chuyển thêm viện trợ quân sự cho Ukraine.
Các quan chức Ukraine hầu như ngày nào cũng kêu gọi viện trợ vũ khí phòng không tầm xa hơn từ phương Tây, để chống lại các mối đe dọa từ trên không của Nga. Các máy bay chiến đấu F-16 mà các phi công Ukraine hiện đang huấn luyện có thể sẽ đến Ukraine vào cuối năm nay và khi đó, có thể buộc các máy bay chiến đấu của Nga phải tránh xa bầu trời Ukraine.
Còn hiện tại, theo thông tin của Bộ Tổng tham mưu Ukraine, Quân đội Ukraine ở tiền tuyến, đặc biệt là ở khu vực Donetsk, phải đối mặt với các cuộc không kích nhanh như chớp của Nga - đôi khi lên tới hơn 100 cuộc trong một ngày.
Giống như người Nga trước đây đã tiêu diệt các vị trí phòng thủ của Ukraine bằng hỏa lực pháo binh dữ dội, giờ đây họ đang sử dụng nguồn cung cấp bom hủy diệt dường như vô tận, khiến lực lượng Ukraine không còn nơi nào để phòng thủ và không nơi nào để ẩn náu, CNN kết luận (Nguồn ảnh: Topwar, Sputnik, CNN, Reuters).