Giá dầu và khí đốt tự nhiên có thể tăng mạnh trong năm 2024

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giới chuyên gia dự báo giá dầu và khí đốt tự nhiên sẽ tăng mạnh trong năm nay bởi những rủi ro về gián đoạn nguồn cung.
Giá dầu và khí đốt tự nhiên có thể tăng mạnh trong năm 2024
Ảnh minh họa.

Business Insider dẫn một báo cáo hôm 15/2 do viện Tài chính Quốc tế (IIF) dự báo rằng giá dầu và khí đốt tự nhiên có thể tăng mạnh nếu xung đột ở Trung Đông trở nên tồi tệ hơn.

Kịch bản của IIF cho thấy tình trạng hỗn loạn hiện tại khó có thể leo thang. Nhưng nếu căng thẳng vượt khỏi tầm kiểm soát, những ảnh hưởng đối với nguồn cung dầu và khí đốt tự nhiên của thế giới sẽ rất thảm khốc.

"Tác động tiềm ẩn của sự gián đoạn nguồn cung đối với giá năng lượng phụ thuộc vào thời gian và mức độ nghiêm trọng của sự gián đoạn này. Mặc dù rất khó để dự đoán giá năng lượng sẽ tăng bao nhiêu và trong bao lâu, chúng tôi cho rằng giá dầu và khí đốt tự nhiên có thể tăng 40% trong năm 2024. Cùng với sự gia tăng của dầu và khí đốt tự nhiên, chi phí vận chuyển và bảo hiểm sẽ tăng đáng kể, tạo ra áp lực lạm phát ”, Garbis Iradian, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của IIF, lập luận.

Theo quan điểm bi quan hơn của IIF, có thể Mỹ và các đồng minh không làm giảm khả năng tấn công các tuyến đường vận chuyển trên Biển Đỏ của lực lượng Houthi.

Iradiann nói thêm rằng nếu lực lượng Houthi cầm cự, các cuộc tấn công của họ có thể mở rộng để nhắm tới các tàu chở dầu và tàu chở hàng hóa thô, như quặng sắt và ngũ cốc.

Trong khi đó, nguồn cung dầu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn do sự phản đối rộng rãi hơn đối với các hành động của Israel, có khả năng gây ra chiến tranh giữa Hezbollah và Israel. Thực trạng ấy cũng có thể kéo Iran vào cuộc xung đột, làm gián đoạn hoạt động vận chuyển từ eo biển Hormuz.

“Khoảng 30% lượng tiêu thụ dầu toàn cầu đi qua eo biển này, với phần lớn lượng dầu xuất khẩu từ Arab Saudi, Iraq, Iran, UAE, Kuwait. Ngoài ra, LNG của Qatar cũng đi qua eo biển này”, Garbis Iradian nói.

Giả thuyết của IIF là tăng trưởng kinh tế toàn cầu có khả năng giảm 2,4% trong năm nay, so với mức 3,1% của năm 2023. Dưới sự tấn công liên tục vào hoạt động vận tải biển, khối lượng thương mại toàn cầu sẽ giảm tốc xuống 0,8%, gây áp lực lên lạm phát.

IIF chỉ ra rằng, tại các thị trường phát triển, thực tế ấy có nghĩa là lãi suất sẽ cao hơn trong thời gian dài hơn, góp phần khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Tình trạng hỗn loạn ở Biển Đỏ có thể là yếu tố duy nhất giữ giá dầu thô toàn cầu ở mức hiện tại, với dầu thô Brent ở mức 82,75 USD. Mặt khác, mức sản xuất lịch sử của Mỹ đã giữ cho nguồn cung luôn dồi dào, trong khi nhu cầu từ các thị trường như Trung Quốc lại chậm lại.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật