Địa phương lên tiếng
Vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông được quy định tại khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Cụ thể, nghiêm cấm các hành vi: “Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”; “Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1 lít khí thở”.
Nội dung này sau đó đã được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019, trong đó quy định: “Người tham gia giao thông bị nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Từ đó đến nay, trường hợp tài xế điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều bị xử phạt nghiêm.
Mới đây, tại dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ (do Bộ Công an chủ trì soạn thảo), việc cấm uống rượu bia khi lái xe một lần nữa được đưa vào. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật quy định, cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Nội dung này có điểm tương đồng như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019, xác định giới hạn nồng độ cồn bằng 0.
Liên quan đến nội dung cấm tuyệt đối nồng độ cồn trong dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ, tỉnh Thanh Hóa và Hà Tĩnh đã kiến nghị bỏ quy định ngưỡng vi phạm nồng độ cồn bằng 0.
Cụ thể, UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, theo khoản 1 (Điều 8) trong dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ quy định về hành vi “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, được hiểu là nồng độ cồn trong máu ở mức trên 0 mg/100 ml máu hoặc trên 0 mg/1 lít khí thở là đã vi phạm.
Dự thảo Luật không quy định cụ thể nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở ở mức bao nhiêu thì vi phạm là chưa phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị xem xét quy định cụ thể nội dung này.
Trong khi đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho ý kiến, khoản 1 (Điều 8) dự thảo Luật đề nghị bổ sung nội dung “vượt quá mức quy định” vào cuối câu, viết lại thành “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định”. Theo đó, cần quy định mức tối thiểu nhằm bảo đảm các quyền cơ bản của công dân.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, anh Hoàng Mạnh Hùng (Hà Nội) cho biết: “Theo tôi nên nâng ngưỡng nồng độ cồn vi phạm lên một chút để tạo điều kiện cho người dân. Nhiều khi uống từ trưa, nhưng đến tối, khi đo nồng độ cồn thì trong người vẫn còn một chút, dù tôi đã nghỉ ngơi và đủ tỉnh táo”.
Nghiên cứu, tham khảo thế giới
Theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), trên thế giới có hơn 140 quốc gia, vùng lãnh thổ quy định giới hạn nồng độ trong máu hoặc hơi thở ở mức lớn hơn 0.
Tại một số nước láng giềng của Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore,... mức giới hạn nồng độ cồn khi tham gia giao thông đều trên ngưỡng 0.
Đơn cử như tại Trung Quốc, người điều khiển phương tiện bị xác định là “lái xe sau khi uống rượu bia” nếu nồng độ cồn trong máu từ 20 mg/100 ml đến dưới 80 mg/100 ml. Với mức nồng độ cồn trong máu cao hơn 80 mg/100 ml sẽ phạm tội “lái xe trong tình trạng say xỉn”. Tội này có thể bị phạt tù từ 1 đến 6 tháng và treo bằng lái xe 5 năm.
Luật pháp Thái Lan quy định, người điều khiển phương tiện bị cho là say rượu khi nồng độ cồn trong máu vượt quá 50 mg/100 ml đối với người từ 20 tuổi trở lên). Tương tự, đạo luật Giao thông Đường bộ của Singapore quy định giới hạn nồng độ cồn khi lái xe ở nước này là 0,35 mg/lít khí thở, 80 mg/100 ml máu.
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu y học, ở trạng thái bình thường của cơ thể trong máu luôn duy trì nồng độ cồn nhất định ở mức 0,03% hoặc có trường hợp trong cơ thể có nồng độ cồn do các yếu tố như ăn, uống các thực phẩm lên men trong dạ dày, thuốc điều trị.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Chính - Nguyên Trưởng khoa phẫu thuật nhiễm khuẩn và chăm sóc vết thương bệnh viện Việt Đức: “Sau thời gian quyết liệt kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ TNGT liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể, chứng minh được hiệu quả của quy định trong thực tế. Việc đưa ra mức khung để xử phạt nồng độ cồn sẽ tạo sự linh hoạt, thuận lợi hơn cho người dân. Tuy nhiên, ý thức tự giác của người dân là rất quan trọng, để đảm bảo an toàn cho chính mình và những người xung quanh".
Anh Nguyễn Minh Hiếu (Mễ Trì, Hà Nội) cho biết: “Ngưỡng nồng độ cồn lớn hơn 0 nhưng ở mức phù hợp sẽ vừa đảm bảo ATGT, vừa phát triển kinh tế xã hội và văn hóa. Đồng thời, cũng cần nâng cao xử phạt với các trường hợp vượt ngưỡng kiểm tra để mang tính răn đe, hạn chế tối đa vi phạm”.
Việt Nam là đất nước có nhiều tôn giáo, tập tục, lễ hội, với rượu là nét văn hoá thường không thể thiếu trong các dịp quan trọng. Tuy nhiên, sử dụng bao nhiêu và mức nồng độ cồn cho phép phù hợp với từng loại phương tiện giao thông, cần phải nghiên cứu, đánh giá thận trọng trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, tính khả thi và có căn cứ khoa học.