Hành trình trở thành Tổng thống Nga
Theo LA Times, 24 năm dẫn dắt nước Nga, trong đó 4 năm ở cương vị Thủ tướng, ông Putin trở thành một trong những nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới. Ông được xem là xuất hiện đúng thời điểm quốc gia rơi vào khủng hoảng tài chính trầm trọng và Tổng thống Yeltsin bế tắc trong cách xử lý.
Tổng thống Vladimir Putin sinh ngày 7/10/1952 ở Leningrad (thành phố St. Petersburg ngày nay) trong gia đình bình thường. Sau khi tốt nghiệp Ban quốc tế Khoa luật Đại học Quốc gia St. Petersburg năm 1975, ông Putin được tuyển dụng vào KGB (cơ quan tình báo Liên Xô trước kia, nay là Ủy ban An ninh Quốc gia Nga), hoạt động ở Đông Đức.
Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, ông về nước, bước vào con đường hoạt động chính trị. Ông làm ở Ủy ban Quốc tế trong Văn phòng thị trưởng St. Petersburg với trách nhiệm tăng cường quan hệ quốc tế và đầu tư nước ngoài. Năm 1998, ông Putin được bổ nhiệm Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB).
Một sự kiện bước ngoặt xảy ra ngày 9/8/1999 khi Tổng thống Boris Yeltsin quyết định chọn ông Putin làm Thủ tướng mới của Nga. Ngày 31/12/1999, Tổng thống Yeltsin tuyên bố từ chức, đặt sứ mệnh Tổng thống vào tay Thủ tướng Putin.
Năm 2004, ông Putin tiếp tục đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ hai với tỷ lệ ủng hộ áp đảo. Do thời hạn của nhiệm kỳ Tổng thống Nga bị giới hạn, ông Putin không tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ ba. Từ ngày 8/5/2008 đến 7/5/2012, ông giữ chức Thủ tướng Nga trong nhiệm kỳ của Tổng thống Dmitry Medvedev. Cuộc bầu cử năm 2012 một lần nữa mang lại chiến thắng cho ông Putin. Ngày 18/3/2018, ông tái đắc cử Tổng thống tới năm 2024.
Có thể trở thành người nắm quyền lâu đời nhất ở Nga
Tổng thống Putin tại lễ trao huân chương Sao vàng. Ảnh: TASS.
Ngày 8/12/2023, tại lễ trao huân chương Sao vàng do Điện Kremlin tổ chức, Tổng thống Putin tuyên bố tái tranh cử vào tháng 3/2024. Thông tin này gây chú ý, bởi nếu ông Putin tái đắc cử, nhiệm kỳ nắm quyền có thể kéo dài đến năm 2030.
Theo giới quan sát, chưa có gương mặt sáng giá nào có thể cạnh tranh với Tổng thống đương nhiệm Putin. Năm nay 72 tuổi, sau gần 1/4 thế kỷ nắm quyền, ông vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Ông hiện là nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất ở Điện Kremlin, kể từ thời Josef Stalin (29 năm). Và nếu phục vụ thêm một nhiệm kỳ nữa, ông sẽ phá vỡ kỷ lục của Stalin để trở thành nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất ở Nga, kể từ Hoàng hậu Catherine Đại đế vào thế kỷ 18.
Ông Putin sẽ đối mặt thử thách nào?
Có 3 vấn đề lớn của nước Nga rất có thể trở thành “chướng ngại vật” trên con đường tranh cử Tổng thống của ông Putin trong nhiệm kỳ tới.
Thứ nhất, cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa thể kết thúc.
Cuộc xung đột kéo dài gần 2 năm có thể nói là vấn đề “gai góc” nhất của Nga hiện nay. Theo các nhà phân tích, việc xử lý mối quan hệ song phương giữa Nga và Ukraine là nguyên nhân chính khiến ông Putin tuyên bố tái tranh cử.
Trong cuốn “Tiểu sử Putin”, nhà báo người Anh Philip Short cho rằng, ông Putin ban đầu tính đến việc hoàn tất quá trình chuyển đổi chính trị trước khi hết nhiệm kỳ Tổng thống năm 2024. Ông không tranh cử do tuổi đã cao. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine đã không thể giải quyết bằng ngoại giao, cuối cùng biến thành xung đột, làm gián đoạn “kế hoạch nghỉ hưu” của ông Putin.
Theo một số học giả, ý định của ông Putin là "giải quyết hoàn hảo xung đột Nga - Ukraine". Họ tin rằng ông Putin là nhà lãnh đạo rất có trách nhiệm về chính trị. Khi thấy những khó khăn của đất nước, ông chọn tự chịu trách nhiệm và quyết tâm không để gây ra khủng hoảng trong nước.
Tổng thống Putin từng tuyên bố 2024 là "Năm chủ đề gia đình Nga". Tuy nhiên, nếu cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa kết thúc và phần lớn quân nhân Nga không thể về nhà thăm người thân, thì rõ ràng, người dân sẽ không tin vào tuyên bố này của ông Putin. Điều này chắc chắn sẽ tác động tiêu cực rất lớn đến tỷ lệ tán thành của ông Putin trong các cuộc thăm dò.
Thứ hai, lực lượng đối lập được phương Tây ủng hộ.
Tương tự các cuộc bầu cử Tổng thống Nga trước đây, một trong những ứng viên trong mỗi nhiệm kỳ sẽ có những thành phần "thân phương Tây" và năm nay cũng không ngoại lệ. Trong đó, bà Yekaterina Duntsova, chính trị gia sinh năm 1983 được cho là có thể phương Tây hậu thuẫn.
Theo các nhà phân tích, nếu bà Duntsova được bầu làm nữ tổng thống đầu tiên của nước Nga, trong nhiệm kỳ của mình, bà sẽ thúc đẩy hướng về phương Tây và cuối cùng đạt mục tiêu “phương Tây hóa toàn diện”.
Thứ ba, ông Putin không còn trẻ, đã ở tuổi “xưa nay hiếm”
2024 là năm Giáp Thìn, theo quan niệm của người phương Đông, là “năm tuổi” của ông Putin. Cho dù ông Putin là “người đàn ông Nga đúng nghĩa”, nhưng ông cũng đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”.
Ở tuổi 72, khối lượng công việc khổng lồ trên cương vị Tổng thống sẽ là một thử thách “kiệt quệ về thể chất và tinh thần” đối với ông Putin. Dù chưa bằng tuổi Tổng thống Mỹ Biden, ông Putin đã nhiều lần phải nhập viện và nghỉ ngơi vì sức ép công việc.