Thịt lợn ế ẩm dịp Tết: Dấu hiệu báo động của nền kinh tế thứ 2 thế giới

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sự ảm đạm ở thị trường thịt lợn tại Trung Quốc là dấu hiệu rõ nét nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang bị tổn thương.
Thịt lợn ế ẩm dịp Tết: Dấu hiệu báo động của nền kinh tế thứ 2 thế giới
Ảnh minh họa.

Theo truyền thống của các gia đình Trung Quốc, thịt lợn là thực phẩm không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, dù Tết năm nay đã cận kề, thị trường thịt lợn tại Trung Quốc vẫn vô cùng ảm đạm.

Tại khu chợ Xinmin ở Bắc Kinh, dù đã được giảm giá khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lượng thịt lợn bán ra chỉ bằng 70%.

“Năm nay thịt lợn rất khó bán với giá rẻ chứ đừng nói đến tăng giá”, bà Wu, người đã bán thịt lợn tại chợ Xinmin 20 năm, chia sẻ.

Cách đó vài trăm km về phía Đông, ông Gong Cheng, chủ một sạp thịt lợn, cũng đang lo lắng. Ông cho biết, trước đây, lao động nhập cư thường chi trung bình khoảng 1.000 NDT/hộ gia đình để mua thịt lợn và làm xúc xích vào dịp Tết. Tuy nhiên, năm nay, họ chỉ chi 300 NDT, thậm chí không chi đồng nào cho loại thực phẩm này.

Ở một thành phố thuộc Giang Tô - tỉnh có nền kinh tế phát triển ở Trung Quốc, ông Li Fumin, quản lý của hơn chục quán ăn tự phục vụ dành cho hàng chục nghìn người lao động nhập cư, lo lắng có thể phải đóng cửa các nhà hàng bởi thực khách giờ đây chuyển sang gọi các món rau có giá rẻ hơn thay vì thịt lợn.

“Mọi người đều khó khăn trong việc kiếm tiền nên họ lựa chọn ăn ít thịt hơn”, ông Li cho biết. Các nhà hàng của ông thậm chí còn phải ngừng bán những món đắt tiền như thịt bò và thịt cừu.

Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tại Trung Quốc ngày càng giảm.

Nhiều cơ sở chăn nuôi lợn lớn, nhỏ cũng rơi vào cảnh khốn đốn. Cơ sở chăn nuôi lợn Fujian Aonong Biological Technology Group tuần trước cho biết có thể sẽ hủy niêm yết trên sàn chứng khoán trong vài năm tới do liên tiếp thua lỗ vì giá lợn thấp. Một số công ty chăn nuôi lợn khác, hoặc bị thâu tóm hoặc đã bán tài sản, để huy động tiền.

Theo Bloomberg, nhu cầu mua thịt lợn tại Trung Quốc duy trì ở mức thấp trong nhiều tháng qua. Tình trạng này thậm chí còn tiếp diễn ở mùa cao điểm khi kinh tế khó khăn, nhiều gia đình lựa chọn thắt chặt hầu bao. Trong năm ngoái, lượng tiêu thụ thực phẩm này tại đất nước tỷ dân đã giảm 1 triệu tấn, xuống còn gần 54 triệu tấn

Trái lại, theo dữ liệu công bố tháng trước, sản lượng thịt lợn năm 2023 của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất 9 năm qua. Năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc đã phải can thiệp 3 lần bằng cách mua thịt lợn cho kho dự trữ chiến lược nhằm đẩy giá mặt hàng này lên.

Từ thị trường thịt lợn, có thể nhìn thấy bức tranh giảm phát đáng lo ngại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Thực phẩm chiếm khoảng 20% chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc, trong đó thịt lợn chiếm tỷ trọng đáng kể. Trong tháng 12/2023, CPI của Trung Quốc giảm tháng thứ ba liên tiếp và xu hướng này được dự báo sẽ kéo dài sang năm nay.

Ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của ngân hàng ANZ, nhận định việc xử lý tình trạng giảm phát nên được coi là một ưu tiên cao hơn so với việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế dự kiến được chính phủ Trung Quốc đưa ra ở mức khoảng 5% trong năm nay.

“Các công ty phải cắt giảm giá bán sản phẩm khiến lương công nhân viên theo đó cũng bị giảm. Rồi người tiêu dùng không mua hàng. Đó là một vòng lặp nguy hiểm”, ông Yeung nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật