Lựa chọn chế độ gài cầu phù hợp
Hệ dẫn động 4 bánh được chia thành hai loại là bán thời gian (4WD) và toàn thời gian (AWD). Trong khi hệ thống dẫn động 4 bánh bán thời gian có khả năng chuyển đổi chế độ hoạt động từ hai bánh (một cầu) sang chế độ truyền động 4 bánh (hai cầu) thì hệ thống dẫn động 4 bánh toàn thời gian hoạt động ổn định, liên tục ở chế độ 4 bánh (hai cầu).
Khi sử dụng xe được trang bị hệ thống dẫn động hai cầu toàn thời gian (AWD), tài xế cần tìm hiểu xem chiếc xe có công tắc khóa vi sai hay không. Công tắc khóa vi sai giúp xe di chuyển an toàn ngay cả trên những cung đường gập ghềnh hay bùn lầy. Nếu không trang bị, chiếc xe vẫn có thể vận hành khá ổn định trên đường đất hoặc cát mỏng.
Với xe 2 cầu bán thời gian (4WD), lái xe cần nắm rõ cách chuyển từ truyền động 2 bánh (2H) sang truyền động 4 bánh (4H, 4L). Vì mỗi loại xe khác nhau, việc chuyển chế độ dẫn động có thể thực hiện nhờ các nút bấm trên bảng điều khiển trung tâm hoặc cần số của hộp số phụ. Do đó, hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để nắm rõ cách chuyển chế độ 2H/4H/4L trên cần số phụ hoặc nút bấm.
Ngoài ra, trước khi khởi hành, tài xế cần kiểm tra bộ gài cầu là loại tự động hay thủ công. Nếu là loại thủ công (gài bằng tay), khi chuyển sang chế độ 4H/4L, cần xuống xe để thực hiện thao tác chuyển bộ gài cầu trước, từ chế độ tự do sang chế độ khóa.
Trên hệ thống dẫn động hai cầu bán thời gian, chế độ hai cầu nhanh được ký hiệu là 4H và hai cầu chậm là 4L. Chế độ hai cầu chậm sẽ được sử dụng trong các trường hợp bùn lầy, cát lún, sỏi cát gập gềnh. Còn ở chế độ hai cầu nhanh sẽ được sử dụng trên các cung đường đất hoặc cát mỏng.
Người lái cần chủ động lựa chọn chế độ lái phù hợp cho các chế độ gài cầu, tuyệt đối không khóa công tắc vi sai trung tâm (đối với xe dẫn động 4 bánh toàn thời gian) và không gài cầu phụ sang 4H/4L (đối với xe truyền động 4 bánh bán thời gian) ở những mặt đường có độ bám cao. Bởi vì điều này sẽ gây lực cản lớn lên toàn bộ hệ truyền động và làm cho bánh răng bị mài mòn, khó điều khiển.
Chú ý khi bảo trì, bảo dưỡng
Đối với những xe sử dụng hệ thống dẫn động hai cầu sẽ được trang bị các cơ cấu phức tạp hơn xe một cầu thông thường. Ngoài những hệ thống cơ bản, trên xe hai cầu sẽ được trang bị thêm cầu chủ động thứ hai, hệ thống khóa vi sai và điều khiển.
Điều này yêu cầu chủ xe phải chú ý tới bảo trì, bảo dưỡng định kỳ. Trong một số trường hợp, do không thường xuyên sử dụng nên hệ thống cầu chủ động thứ hai bị chủ xe lãng quên, dẫn tới khô dầu bôi trơn và gặp các vấn đề hư hỏng khác.
Hệ thống dẫn động trên xe hai cầu sẽ được trang bị nhiều cơ cấu phức tạp.
Lúc này để có thể sử dụng hệ thống hai cầu, chủ xe sẽ cần phải chi rất nhiều chi phí sửa chữa khắc phục gây tốn kém cũng như gian chờ đợi sửa chữa.
Hệ dẫn động 4 bánh giúp xe di chuyển dễ dàng hơn trên các địa hình phức tạp nhưng không làm xe đi hay dừng lại nhanh hơn. Đồng thời, trọng lượng và trọng tâm của xe 2 cầu cũng cao hơn nên người lái cần cẩn trọng và bình tĩnh mỗi khi cầm lái để kịp thời xử lý trong mọi tình huống.