Chiến lược Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc được bắt nguồn từ lịch sử, đó là tuyến giao thông trên biển và trên bộ kết nối Trung Quốc với các nước châu Á, châu Phi và châu Âu.
Trong gần 4 thập kỷ cải cách, Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống đường cao tốc, đường sắt từ Bắc đến Nam, từ phía Đông sang khu vực kém phát triển phía Tây và Tây nam.
Sau khi thực hiện được điều này, Trung Quốc coi đó là cơ hội để liên kết với các khu vực ở Nam Á, châu Âu, châu Phi và thậm chí cả châu Mỹ.
Tuy nhiên Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc liệu có phát huy được ưu thế như những gì Bắc Kinh mong đợi trong bối cảnh thế giới đầy biến động như hiện nay?
Yếu tố ảnh hưởng đầu tiên là những cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra trên khắp thế giới, kéo dài từ Ukraine đến Trung Đông đã khiến chi phí hậu cần, vận tải và giá lương thực tăng vọt.
Theo nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Ấn Độ Parag Khanna - chuyên gia về toàn cầu hóa đồng thời là Giám đốc điều hành Công ty Climate Alpha, giải pháp cho cuộc khủng hoảng có thể được tìm ra bằng cách tạo ra nhiều tuyến đường cung cấp hơn.
Bắc Kinh đã thấy trước tình trạng này từ nhiều năm qua. Trong năm 2023, Trung Quốc đã kỷ niệm 10 năm khởi động Sáng kiến Vành đai và Con đường, vốn được nhiều người coi là kế hoạch nhằm phá bỏ trật tự thế giới cũ do phương Tây thống trị.
Nhu cầu này trở nên rõ ràng vào năm 2021 khi con tàu container khổng lồ Ever Give mắc cạn ở Kênh đào Suez, khiến thương mại giữa châu Âu và châu Á bị đóng băng trong hai tuần, đúng lúc kinh tế suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra.
Tình hình nêu trên khiến các nhà lãnh đạo phải suy nghĩ về việc xây dựng một tuyến đường vận tải hàng hóa thực sự đủ tin cậy, không bị gián đoạn, bất chấp mọi thảm họa có thể xảy ra trong tương lai.
Vào đầu năm 2021, khối lượng vận tải đường sắt xuyên Á - Âu đã tăng gấp đôi, lên hơn 1.000 chuyến tàu chở hàng mỗi tháng, đảm bảo đầy đủ yêu cầu về độ tin cậy và độ trễ ở mức tối thiểu.
Việc tăng số lượng đường bộ và đường sắt xuyên lục địa Á - Âu cũng như các cảng dọc Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương là điều cần thiết để tạo ra những tuyến đường thay thế cho thương mại toàn cầu.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào tháng 9/2023 ở New Delhi, một hành lang kinh tế đa phương xuyên qua Ấn Độ - Trung Đông - Châu Âu có trị giá lên tới 20 tỷ USD đã được đề xuất.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi còn đang thúc đẩy một hành lang thương mại tới Nga thông qua Iran, các nước Trung Đông do Saudi Arabia dẫn đầu cũng đang cố gắng để tạo tuyến đường nối Mỹ, châu Âu, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.
Mặc dù vậy chính quyền Washington hiện không cho thấy “sự mặn mà” với những dự án trên. Tuy nhiên bất chấp thái độ của Washington, liên kết châu Phi - châu Âu - châu Á đang trở thành hiện thực khách quan.
Các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương muốn toàn cầu hóa nhiều hơn chứ không phải ít đi. Trong khi những cường quốc có mối liên hệ chặt chẽ nhất với lục địa Âu - Á - Phi được hưởng lợi bằng cách buộc doanh nghiệp phải sử dụng yếu tố địa lý của họ, thay vì của người khác.