Các nhà máy lớn trên toàn thế giới đang “vật lộn” với lượng hàng tồn kho gia tăng trong thời kỳ đại dịch, dù chuỗi cung ứng đã bình thường trở lại, trong bối cảnh sự suy yếu kinh tế ở Trung Quốc và châu Âu đang đè nặng lên nhu cầu.
Theo số liệu của QUICK-FactSet, tính đến cuối tháng Chín, lượng hàng tồn kho đã lên đến 2.120 tỷ USD, tăng 28% so với mức trước đại dịch COVID-19 ở thời điểm tháng 12/2019. Tích trữ hàng tồn kho trong thời kỳ đại dịch là một quyết định mang tính chiến lược của nhiều công ty để ứng phó với tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng và giá nguyên vật liệu tăng cao.
Lượng hàng tồn kho 2.200 tỷ USD được ghi nhận vào tháng Ba năm nay là mức cao nhất trong 10 năm qua. Dù thấp hơn đôi chút nhưng số liệu tháng Chín nói trên cũng đã tăng 2% trong năm nay, bất chấp những nỗ lực “xả kho” của các công ty.
Hàng tồn kho là một chỉ báo hàng đầu về hoạt động kinh tế. Tốc độ quay vòng hàng tồn kho chậm có nguy cơ kìm hãm đà tăng trưởng toàn cầu hậu đại dịch.
Các công ty cần đến 87,2 ngày để thanh lý hết số hàng tồn kho tính đến quý III vừa qua. Đây là tốc độ quay vòng chậm nhất trong 10 năm qua, trừ quý II/2020, khi doanh số giảm mạnh do đại dịch.
Các ngành có thời gian quay vòng hàng tồn kho đặc biệt lâu bao gồm máy công nghiệp, với con số cao nhất trong 10 năm qua là 112 ngày, và thiết bị điện tử với 140 ngày. Hơn 70% trong số khoảng 40 ngành được khảo sát có thời gian quay vòng hàng tồn kho dài hơn trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái.
Vậy đâu là nguyên nhân cho xu hướng gia tăng hàng tồn kho này? Câu trả lời là doanh số giảm tốc tại Trung Quốc đang ảnh hưởng đến nhiều công ty. Nhà sản xuất robot Fanuc của Nhật Bản cho biết việc kiểm kê hàng tồn kho đối với mặt hàng thiết bị tự động nhà máy đang kéo dài hơn dự đoán, khi hoạt động chi tiêu vốn tại Trung Quốc vẫn đang trong chế độ “án binh”.
Nhà sản xuất điều hòa Daikin Industries cũng cho hay trước tình hình khó khăn trong lĩnh vực bất động sản, việc thanh lý hết hàng tồn đã trở nên khó khăn trên toàn ngành.
Bên cạnh đó, kinh tế châu Âu cũng đang cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt, từ đó ảnh hưởng đến các công ty như nhà sản xuất máy công nghiệp Sandvik của Thụy Điển. Công ty này vẫn chưa biết quá trình kiểm kê tài sản sẽ còn kéo dài trong bao lâu.
Lượng hàng tồn kho của các nhà phân phối tại châu Âu của nhà sản xuất thiết bị xây dựng Komatsu của Nhật Bản đang ở mức cao. Trong khi đó, lượng đơn đặt hàng đã giảm xuống.
Thậm chí ở Bắc Mỹ, nơi nền kinh tế còn khá mạnh, Mitsubishi Electric đã ghi nhận doanh thu mảng điều hòa và thiết bị giảm xuống, do lượng hàng tồn kho tại các nhà phân phối tăng.
Lượng hàng tồn kho cao dai dẳng như vậy còn đè nặng lên dòng tiền. Trong 4.076 các công ty có số liệu để so sánh, lợi nhuận ròng cả năm ở thời điểm gần đây nhất đạt 945,9 tỷ USD, tăng 42% so với mức trước đại dịch. Nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh tăng chậm hơn, ở mức 24% lên 1.380 tỷ USD. Trong đó, hàng tồn kho gia tăng đã khiến dòng tiền giảm bớt 250 tỷ USD.
Diễn biến tiếp theo trong tình hình lượng hàng tồn kho nhà máy cao trên toàn cầu vẫn còn là một ẩn số, khi tác động từ các biện pháp kích thích của Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa rõ, và lo ngại ngày càng gia tăng về hoạt động chi tiêu tiêu dùng của Mỹ.