Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Phu nhân vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12 đến 13/12, theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã có các cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Trong chuyến thăm, 36 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực được ký kết giữa các ban, bộ ngành, địa phương hai nước, thể hiện thành quả phong phú, toàn diện mà hai bên đạt được.
Kết thúc chuyến thăm, Việt Nam và Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt
Ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, nguyên Công sứ - Phó Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, cho biết, chuyến thăm ghi dấu ấn nổi bật, là điểm nhấn quan trọng đúng dịp kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Trung Quốc (2008 - 2023).
Theo ông Nguyễn Vinh Quang, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển thuận lợi. 2023 là năm hai nước kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện, nhìn lại có thể thấy quan hệ hai nước phát triển rất đúng hướng và khuôn khổ mà lãnh đạo cấp cao hai nước xác lập cách đây 15 năm rất chính xác.
Ông Quang nhận định, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình lần này mang ý nghĩa đặc biệt. Đây là chuyến thăm thứ 3 của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt - Trung đang ở thời điểm phát triển thuận lợi hơn trước đây rất nhiều, cả về chính trị - ngoại giao, kinh tế, cũng như các lĩnh vực khác, mở ra bước phát triển mới tốt đẹp hơn cho quan hệ song phương.
Ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, nguyên Công sứ - Phó Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc
Ông Nguyễn Văn Thơ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, cho rằng, chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Phu nhân đến Việt Nam lần này là sự kiện rất quan trọng, dấu mốc trong quan hệ song phương. Chuyến thăm sẽ tạo cú hích mới, đưa quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước lên tầm cao mới trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, giao lưu nhân dân…
Nâng tầm quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
Theo ông Nguyễn Vinh Quang, mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã trải dài hàng nghìn năm, là quan hệ giữa hai dân tộc, hai Đảng và hai quốc gia. Năm 2008, hai bên nhất trí xác lập khuôn khổ quan hệ Việt Nam - Trung Quốc là Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm "16 chữ" và tinh thần "4 tốt". Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện là khuôn khổ ngoại giao ở cấp độ cao nhất trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam với một quốc gia.
“Việc duy trì tiếp xúc cấp cao là điểm nhấn của quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt - Trung trong suốt 15 năm qua. Tầm vóc chiến lược của quan hệ Việt - Trung được thể hiện qua những chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, trong đó đáng chú ý là hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa hai Đảng qua nhiều kênh, diễn đàn, hội thảo lý luận được tổ chức hằng năm…”, ông Nguyễn Vinh Quang nói.
Cũng theo ông Quang, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, về tổng thể, phát triển theo chiều hướng đi lên. Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, nhân dân hai nước có nguyện vọng chung sống hòa bình, ổn định lâu dài, cùng nhau phát triển. Nguyện vọng này đã được thể hiện trong nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, thúc đẩy quan hệ Việt - Trung phát triển theo hướng tốt đẹp.
Ông Quang phân tích, mối quan hệ Việt - Trung có thể phát triển tốt đẹp như hiện nay là do hai nước có những điểm tương đồng rất cơ bản. Việt Nam và Trung Quốc đều là nước XHCN do Đảng cộng sản lãnh đạo, cùng trải qua thời kỳ chuyển đổi, trong đó ở Việt Nam là thời kỳ đổi mới, còn với Trung Quốc là cải cách mở cửa, nên việc trao đổi lẫn nhau giữa hai bên là rất cần thiết cho quá trình này. Hai bên thường xuyên có sự giao lưu về mặt lý luận và học hỏi kinh nghiệm phát triển.
Lòng tin chiến lược giữa hai nước được thể hiện qua sự lựa chọn đường lối chính sách của hai Đảng, hai nước. Ông Tập Cận Bình rất coi trọng sự lãnh đạo của Đảng cộng sản trong chiến lược phát triển của Trung Quốc. Phía Trung Quốc đánh giá cao uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong việc thực hiện thành công đường lối đổi mới. Có thể thấy nhiều điểm tương đồng trong công tác xây dựng Đảng giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó điển hình là công tác phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch Đảng của Trung Quốc được thực hiện rất hiệu quả và Việt Nam cũng thực hiện rất tốt công tác này những năm gần đây.
Ông Nguyễn Văn Thơ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc
Có thể khẳng định, lòng tin chiến lược giữa hai nước chính là lòng tin giữa hai Đảng. Đó cũng là lý do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam vào những ngày cuối năm, một chuyến thăm rất nhiều kỳ vọng. Việt Nam coi trọng Trung Quốc là nước lớn do Đảng cộng sản lãnh đạo, có tốc độ phát triển nhanh. Trung Quốc cũng nhìn nhận Việt Nam là nước có tốc độ phát triển nhanh hàng đầu và có sự ổn định về chính trị, xã hội nhất trong khu vực. Hai bên đều rất coi trọng nhau, đều mong muốn nâng tầm quan hệ lên mức cao hơn.
Trong tổng thể 3 kênh ngoại giao Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân, trên thế giới không có nước nào có quan hệ ngoại giao kênh Đảng và giao lưu nhân dân có từ lâu đời, sâu đậm như hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Ngoại giao nhân dân cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, nền tảng để xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia. Dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, hoạt động giao lưu nhân dân diễn ra với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo.
Điểm tương đồng về thể chế kinh tế, Việt Nam và Trung Quốc đều trải qua quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Điểm tương đồng này giúp hai bên tăng cường giao lưu, trao đổi, tham khảo kinh nghiệm của nhau. Công cuộc đổi mới và cải cách mở cửa của hai nước đều rất thành công.
Điểm tương đồng về văn hóa, hai nước láng giềng, giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc từ hàng nghìn năm nay tạo nên sự giao thoa văn hóa. Chính những điểm tương đồng về chính trị, kinh tế, văn hóa đã giúp Việt Nam và Trung Quốc duy trì, củng cố và phát triển được mối quan hệ ở mức độ cao như hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Thơ cho biết, qua 36 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực được ký kết, có thể thấy hợp tác kinh tế là trọng điểm trong chuyến thăm lần này. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thị trường lớn nhất, nhì thế giới, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều lĩnh vực có thể bổ sung cho nhau. Việt Nam có cơ hội lớn để thúc đẩy trao đổi thương mại hơn nữa, đặc biệt là những mặt hàng chúng ta có thế mạnh như nông sản và thủy hải sản.
Trung Quốc có nền khoa học công nghệ tiên tiến, trong một số lĩnh vực đã ngang tầm thế giới, đạt được nhiều đột phá về đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo…Việt Nam có thể tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong những lĩnh vực này để thực hiện chiến lược phát triển xanh và bền vững.
Hai bên sẽ đẩy mạnh kết nối sáng kiến Hai hành lang - Một vành đai của Việt Nam với sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc. Việt Nam có thể phát triển những dự án chất lượng tốt, công nghệ cao, phục vụ phát triển đất nước. Còn rất nhiều tiềm năng để Việt Nam và Trung Quốc tăng cường hợp tác. Hai bên cũng sẽ đẩy mạnh giao lưu giữa chính quyền và nhân dân các tỉnh biên giới, vừa để tăng cường hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, vừa để thúc đẩy trao đổi về thương mại, đầu tư.
Ông Thơ cho rằng, chuyến thăm thành công góp phần tạo nên điểm sáng về đối ngoại trong thành tích chung của Việt Nam năm nay. Chúng ta đã gặt hái được nhiều thành công lớn như tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện, tăng cường hợp tác với với các nước láng giềng, mở rộng quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, bạn bè khắp năm châu, góp phần củng cố và kiến tạo môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, những điều kiện quốc tế thuận lợi hơn nữa cho công cuộc phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.