Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (8/12), đạt đỉnh cao mới của năm. Nhà đầu tư phấn khởi sau khi báo cáo việc làm tháng 11 và kết quả một cuộc khảo sát người tiêu dùng cho thấy nền kinh tế tiếp tục vững vàng và lạm phát vẫn xuống thang - những yếu tố củng cố hy vọng về một cuộc “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế.
Giá dầu thô tăng nhưng hoàn tất tuần giảm thứ 7 liên tục dưới áp lực từ sản lượng khai thác dầu kỷ lục và mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,41%, đạt 4.604,37 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,45%, đạt 14.403,97 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 130,49 điểm, tương đương tăng 0,36%, đạt 36.247,87 điểm.
Tuần trước, S&P 500 ghi nhận mức điểm đóng cửa cao nhất từ đầu năm đến nay, nhưng chưa vượt qua mức đỉnh nội phiên thiết lập hồi tháng 7. Trong phiên ngày thứ Sáu này, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ có lúc đạt 4.609 điểm, mức điểm nội phiên cao nhất của năm 2023. Tính từ đầu năm, chỉ số đã tăng khoảng 20% và đang ở vùng điểm cao nhất kể từ tháng 3/2022.
Cả ba chỉ số cùng tăng điểm trong tuần này. Trong đó, S&P 500 tăng 0,2% và Dow Jones tăng không đáng kể, cùng đánh dấu tuần tăng thứ 6 liên tiếp - chuỗi tuần tăng dài nhất của mỗi chỉ số kể từ năm 2019. Chỉ số Nasdaq tăng 0,7%.
Trao đổi với hãng tin CNBC, chiến lược gia Michael Arone của công ty State Street Global Advisors nhận định bản báo cáo việc làm công bố ngày thứ Sáu tiếp tục cho thấy một nền kinh tế “không hề ngấp nghé bên bờ vực suy thoái”. Cùng với đó, kết quả khảo sát người tiêu dùng cho thấy kỳ vọng lạm phát giảm và tâm lý người tiêu dùng tốt lên. Tất cả những dữ liệu này đều củng cố kịch bản nền kinh tế lớn nhất thế giới “hạ cánh mềm”
“Chừng nào kịch bản ‘hạ cánh mềm’ còn duy trì, cổ phiếu và các tài sản rủi ro khác vẫn còn cơ hội tăng giá”, ông Arone nói, đồng thời nhấn mạnh rằng lạm phát giảm, cũng như cân bằng cung-cầu lao động tốt hơn mà không dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp tăng, đều có ý nghĩa tích cực đối với tâm lý nhà đầu tư.
Bản báo cáo việc làm tháng 11 từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ giảm còn 3,7% từ mức 3,9% của tháng trước, thay vì đi ngang như dự báo trước đó. Khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế có thêm 199.000 công việc mới trong tháng, cao hơn mức dự báo 190.000 công việc mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones và cao hơn nhiều so với con số 150.000 công việc mới của tháng 10.
Cuộc khảo sát của Đại học Michigan cho thấy kỳ vọng lạm phát giảm xuống trong khi niềm tin tiêu dùng tháng 12 tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7.
Lúc đầu, các báo cáo này khiến nhà đầu tư lo ngại rằng nền kinh tế vẫn đang quá nóng để lạm phát có thể giảm tới mức đủ để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất. Thị trường vốn đang kỳ vọng Fed giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2024, sớm nhất vào tháng 3. Cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của Fed sẽ diễn ra vào ngày thứ Ba và thứ Tư tuần tới.
Nhưng ở một góc nhìn khác, báo cáo việc làm cũng củng cố đánh giá rằng Fed đang đưa nền kinh tế tới một cuộc “hạ cánh mềm” - kịch bản mà ở đó nền kinh tế giữ nhịp tăng trưởng tốt trong khi lạm phát vẫn giảm. Theo báo cáo, tiền lương bình quân theo giờ - một chỉ báo sớm về lạm phát - tăng bằng với mức tăng của tháng 11.
Theo chiến lược gia Mona Mahajan của Edward Jones, những điểm dữ liệu trên củng cố khả năng Fed đã hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất, đồng nghĩa Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp. vào tuần tới và sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm 2024.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu WTI giao tháng 1 tăng 1,89 USD/thùng, tương đương tăng 2,73%, chốt ở mức 71,23 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 1 tại London tăng 1,79 USD/thùng, tương đương tăng 2,42%, chốt ở mức 75,84 USD/thùng.
Dù tăng mạnh phiên này, giá dầu đã giảm khoảng 4% trong tuần này, đánh dấu tuần giảm thứ 7 liên tiếp. Lần gần đây nhất giá dầu WTI giảm liền 7 tuần là cách đây 5 năm.
Theo nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group, việc giá dầu hồi phục trong phiên ngày thứ Sáu cho thấy thị trường dầu có thể đã tìm thấy đáy, trong bối cảnh giới đầu tư đang dâng cao hy vọng về việc Fed xoay trục sang chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn.
Tuy nhiên, áp lực giảm đối với giá dầu vẫn đang lớn do những dấu hiệu về sự suy yếu của nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nước nhập khẩu dầu thô nhiều nhất thế giới. Bên cạnh đó, việc sản lượng khai thác dầu của Mỹ liên tục lập kỷ lục cũng không có lợi cho giá dầu.
Saudi Arabia và Nga - hai nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - hôm thứ Năm kêu gọi các thành viên OPEC+ tham gia một thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.
Mới tuần trước, liên minh này nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày cho tới hết quý 1/2024. Dù vậy, thị trường cho rằng nhiều thành viên của OPEC+ sẽ không tuân thủ đúng cam kết cắt giảm sản lượng.