Theo đó, mức tăng giá tiêu dùng trong khối tiền tệ chung gồm 20 quốc gia châu Âu đứng ở mức 2,4% trong tháng này. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021 tới nay.
Con số này thấp hơn dự báo của các nhà phân tích do công ty dữ liệu tài chính FactSet tổng hợp. Họ ước tính lạm phát của Eurozone sẽ giảm từ mức 2,9% trong tháng 10 xuống 2,7% trong tháng 11.
Khi loại bỏ giá năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá, lạm phát lõi của Eurozone cũng giảm từ mức 4,2% trong tháng 10 xuống 3,6% trong tháng 11.
Theo Eurostat, giá năng lượng tại Eurozone tiếp tục đà đi xuống với mức giảm 11,5% trong tháng này, sau khi đã lùi 11,2% ở tháng trước đó.
Trong khi đó, dữ liệu của Eurostat cũng cho thấy lạm phát ở Đức đang giảm tốc, từ mức 3,0% trong tháng 10 xuống 2,3% trong tháng 11.
Các số liệu mới công bố này củng cố nhận định Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang "chế ngự" được đà tăng của lạm phát.
Lạm phát tại Eurozone đã giảm liên tục kể từ khi lập đỉnh 10,6% vào tháng 10/2022, sau những biến động tại các thị trường do cuộc xung đột Nga – Ukraine (U-crai-na) gây ra. Tuy nhiên, lạm phát hiện vẫn cao hơn mục tiêu 2% do ECB đề ra.
Nhằm kiềm chế lạm phát, trong vòng một năm qua, ECB đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp. Nhưng tại cuộc họp ngày 26/10, ngân hàng này đã quyết định giữ nguyên lãi suất tiền gửi ở mức 4% và lãi suất cơ bản ở mức 4,5%. Dù vậy, Chủ tịch ECB Christine Lagarde hồi giữa tháng 11 đã cảnh báo một cú sốc năng lượng khác có thể khiến lạm phát tại khu vực này tăng vọt trở lại.