Ngôi chùa Lộc Thọ nằm ở con đường nhỏ Xóm Chiếu (xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) gần 30 năm nay là chỗ dựa tinh thần cho hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ em nghèo. Phía sau chùa là một dãy 5 phòng học khá khang trang và 2 phòng khác dành cho trẻ mầm non, đang tiếp nhận hơn 170 em theo học hoàn toàn miễn phí.
Nặng lòng người giáo già
Năm 1992, lớp học bằng tranh tre được sư bà Thích Nữ Diệu Ý (viên tịch năm 2014, ở tuổi 83) dựng lên, mở rộng vòng tay đón nhận những trẻ em bất hạnh, bị cha mẹ bỏ rơi hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Được nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ, từ lớp học đơn sơ ban đầu đã mở rộng thành dãy phòng học khang trang với sự tham gia của nhiều giáo viên, tình nguyện viên tâm huyết.
Năm nay đã ngoài 60 tuổi, cô Bùi Thị Thảo, giáo viên chủ nhiệm lớp 5, cho biết cô đã gắn bó với lớp học tình thương này từ năm 2010, ngay sau khi nghỉ hưu. Ban đầu, lớp chỉ có hơn 40 học sinh; giáo viên chủ yếu dạy 2 môn toán, tiếng Việt. Để việc giảng dạy được bài bản, chuyên nghiệp, cô Thảo đã dày công xây dựng, chuẩn hóa bài giảng, từ đó các em tiếp nhận đủ kiến thức, có thể học lên các lớp cao hơn.
Hầu hết học sinh ở đây đều có hoàn cảnh đặc biệt. Có em cha mẹ đi làm ăn xa, để con cho ông bà nuôi; có em mồ côi cha mẹ, bị bỏ lại chùa; có em thì cha mẹ ly hôn hoặc không có hộ khẩu nên không trường học nào nhận. Thương các em không được đi học ở trường lớp chính quy, cô Thảo đã vận động chính quyền, ngành giáo dục chính thức công nhận việc dạy học ở đây để tạo điều kiện cho các em học tiếp lên cấp THCS. Ông Nguyễn Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc, cho biết Trường Tiểu học Vĩnh Ngọc đã tiếp nhận lớp học này thành điểm trường. Các em được học theo chuẩn; được thi giữa kỳ, cuối kỳ bài bản và được cấp bằng tốt nghiệp tiểu học sau khi hoàn thành chương trình học.
Các học sinh ở đây còn được học Anh văn, âm nhạc, hội họa, đạo đức và kỹ năng sống - chẳng hạn, kỹ năng khi đi lạc, bị xâּm hạּi tìnּh dụּc, bị bắt nạt... - dưới sự hướng dẫn của nhóm tình nguyện viên gồm 15 bạn trẻ.
Những "học trò U60"
Kết thúc ngày làm việc ở trường, cô giáo Trịnh Thị Hồng, giáo viên Trường Tiểu học và THCS xã Yaly (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), vội vàng chuẩn bị bữa tối, thu xếp việc gia đình để đến lớp học ở làng Tum (xã Yaly) dạy chữ cho những "học trò" bằng tuổi chú, tuổi bác.
Lớn tuổi nhất lớp là bà Y Êh (55 tuổi). Sinh ra và lớn lên ở vùng khó khăn, bà Y Êh chưa hề biết đến con chữ. Nghe tin nhà nước mở lớp xóa mù chữ, bà quyết định đi tìm con chữ dù công việc nương rẫy mỗi ngày đã gần như vắt kiệt sức của bà. "Cầm sổ hộ khẩu mà tôi không biết tên mình ở đâu, phải nhờ con cháu chỉ cho. Tôi chỉ ước mình biết đọc, biết viết. Sau 3 tuần học, tôi đã biết mặt chữ và tập tô được rất nhiều chữ cái" - bà Y Êh khoe.
Trong 25 "học sinh" của lớp học này, nhiều người mắt đã kém, tay đã chậm; nhiều người ban ngày bận tối mặt với cuộc mưu sinh nhưng ban đêm vẫn cố gắng nắn nót từng nét chữ. Mặc dù nét chữ đơ cứng, tiếp thu chậm hơn các học sinh nhỏ tuổi nhưng những "học trò đặc biệt này" vẫn hăng say tìm con chữ..
Lớp học đặc biệt với 25 “học trò U60” ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum Ảnh: HOÀNG THANH
"Tây Nguyên đang mùa mưa, đi lại rất vất vả. Có hôm nước ngập cao, trời tối đen, tôi loay hoay đến lớp trễ thì đã thấy mọi người chờ kín trong lớp. Thật sự cảm động" - cô Hồng kể và cho biết đây chính là nguồn động lực để cô cố gắng, kiên trì dạy học hơn nữa.
Cũng tham gia dạy lớp xóa mù chữ, cô Cao Thị Du, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS xã Yaly, nói ban đầu cô lo không có học viên tới học nhưng khi mở lớp thì số người đăng ký ngoài sức tưởng tượng. Tuy vậy, cũng có trường hợp học được vài buổi rồi nghỉ nên thầy cô lại phải chia nhau đến từng nhà động viên bà con đi học lại.
Bà Võ Thị Kim Dung, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sa Thầy, cho biết toàn huyện còn khoảng hơn 2.000 đồng bào dân tộc thiểu số không biết chữ. Từ đầu tháng 10-2023, phòng đã tổ chức 17 lớp xóa mù chữ vào ban đêm cho 480 học viên tại 9 xã, thị trấn. "Ngoài dạy văn hóa, vào giờ giải lao, các thầy cô giáo, tình nguyện viên còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tạo không khí vui vẻ để cuốn hút học viên lớn tuổi, tạo sự hào hứng mỗi khi đến lớp" - bà Dung nói.
Điều đặc biệt là mỗi học viên tham gia khóa học xóa mù chữ được hỗ trợ 500.000 đồng từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, các giáo viên đứng lớp không có chế độ hỗ trợ.
Dạy học bằng tấm lòng chân thành
Anh Lại Anh Khoa, Trưởng nhóm tình nguyện viên của lớp học tình thương trong chùa Lộc Thọ, kể nhóm từng gặp không ít khó khăn trong quá trình tiếp xúc, dạy dỗ các bé có hoàn cảnh đặc biệt. Nhiều em có tính tình ngang bướng, nghịch ngợm, không dễ nghe lời khiến không ít tình nguyện viên... bật khóc và từ bỏ công việc.
"Sau này, chúng tôi hiểu ra rằng việc dạy học cho các bé có hoàn cảnh đặc biệt phải xuất phát từ sự tôn trọng, bình đẳng và quan trọng nhất là từ tấm lòng chân thành. Chỉ khi người dạy cảm thấy vui khi được dạy cho các em thì khi đó mới có thể gieo được những hạt mầm kiến thức, niềm tin cho các bé" - anh Khoa đúc kết.