Diễn biến đáng lo ngại ở hai cực Trái đất

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một nghiên cứu mới được Đại học Leeds (Anh) cho thấy, hơn 40% thềm băng ở Nam Cực đã bị thu hẹp kể từ năm 1997, trong đó gần một nửa không có dấu hiệu phục hồi.
Diễn biến đáng lo ngại ở hai cực Trái đất
Sông băng chảy ra biển ở Nam Cực. Nguồn: ALAMY.

Thềm băng là những tảng băng nổi bao quanh Nam Cực, nằm giữa dải băng trên đất liền và đáy đại dương. Thềm băng có vai trò quan trọng trong việc điều tiết dòng chảy của sông băng, giúp ngăn chặn nước trên đất liền chảy ra đại dương quá nhanh.

Cụ thể, 67.000 tỷ tấn băng đã biến mất ở phía tây, trong khi 59.000 tỷ tấn băng đã được bồi thêm vào phía đông Nam Cực trong giai đoạn 1997-2021. Nước ấm ở phía tây Nam Cực làm tan băng, trong khi nước lạnh hơn ở phía đông cho phép các thềm băng giữ nguyên hoặc phát triển.

Nhóm nghiên cứu đã xem xét hơn 100.000 hình ảnh được chụp từ không gian để phân tích tình trạng các thềm băng và thấy rằng khi thềm băng bị thu hẹp, các sông băng giải phóng nước ngọt ra biển nhanh hơn. Ước tính có 67 triệu tấn nước ngọt đổ ra biển trong vòng 25 năm, ảnh hưởng đến các dòng hải lưu vận chuyển nhiệt và chất dinh dưỡng trên khắp thế giới. Điều này có thể gây tác động dây chuyền đối với phần còn lại của hành tinh, ví dụ làm ảnh hưởng đến mô hình bão cũng như các hệ sinh thái biển.

Trung tâm Dự báo Khí hậu thuộc Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương (NOAA) của Mỹ cho biết Nam Cực có khả năng ấm lên với tốc độ gần gấp đôi so với phần còn lại của thế giới và nhanh hơn mức đang được các mô hình khủng hoảng khí hậu dự đoán.

"Với tình trạng đại dương ấm lên hiện nay, 2024 có thể là năm ấm nhất lịch sử, ấm hơn những gì chúng ta đã thấy vào năm 2023" - nhà khí tượng học Brad Rippey của Bộ Nông nghiệp Mỹ nhận định.

Chưa hết, nghiên cứu của NOAA còn cho rằng, 1,5 triệu ngôi nhà ở Vương quốc Anh có thể phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng vì mực nước biển dâng do băng tan ở Bắc Cực. Nghiên cứu mô tả mực nước biển dâng cao có thể làm xói mòn bờ biển nước Anh, uy hiế‌p cả đập sông Thames được thiết kế để bảo vệ thủ đô London tránh khỏi lũ lụt. Còn những ngôi làng ven biển vùng trũng thấp Fairbourne ở xứ Wales có thể bị nước nhấn chìm, theo dự báo tới năm 2050 sẽ không thể ở được. Cư dân địa phương đã được kêu gọi di dời và khu vực này có thể bị dỡ bỏ, trở thành vùng đầm lầy.

Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu khiến bầu khí quyển ấm lên đủ để khiến mực nước biển toàn cầu dâng cao từ 17,5 cm đến 52,4 cm trong 50 năm nữa. Bầu không khí tiếp tục ấm lên càng làm cho vấn đề thêm trầm trọng.

Băng ở Bắc Cực lẫn Nam Cực tan nhanh hơn dự kiến cũng có nghĩa là phần lớn năng lượng của mặt trời được hấp thụ bởi đại dương nhiều hơn, thay vì bị băng trắng phản chiếu trở lại không gian. Từ đó có thể dẫn đến sự hỗn loạn đối với môi trường sống của động vật hoang dã và kể cả con người.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật