2035 và 2040: Vũ trụ Ấn Độ chuyển mình mạnh mẽ?
Theo tin tức vũ trụ mới nhất của DW và Space.com, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, Ấn Độ đã công bố kế hoạch xây dựng Trạm vũ trụ Ấn Độ Bharatiya Antariksha vào năm 2035 và đưa người lên Mặt trăng vào năm 2040.
New Delhi cũng đang chuẩn bị phóng sứ mệnh phi hành đoàn đầu tiên lên vũ trụ vào năm 2024.
Trong một tuyên bố hôm 17/10, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chỉ đạo rằng, "Ấn Độ nên hướng tới các mục tiêu vũ trụ mới và đầy tham vọng hơn".
Quốc gia đông dân nhất thế giới đang tăng cường chương trình không gian và đã sẵn sàng cho chuyến bay thử nghiệm (không có người lái) vào ngày 21/10 - một nhiệm vụ tiền đề cho sứ mệnh không gian có phi hành đoàn đầu tiên của nước này - có tên Gaganyaan, dự kiến thực hiện vào năm tới.
Theo Cơ quan vũ trụ ISRO của Ấn Độ, sứ mệnh có phi hành đoàn Gaganyaan tiêu tốn khoảng 1,08 tỷ USD (1,02 tỷ Euro).
Space cho biết, những nỗ lực thám hiểm Mặt trăng trong tương lai của Ấn Độ sẽ bao gồm một loạt sứ mệnh Chandrayaan bổ sung, xây dựng bệ phóng mới và sản xuất phương tiện phóng hạng nặng.
K. Sivan, cựu chủ tịch của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cho biết, đến giữa những năm 2030, Ấn Độ hy vọng sẽ có một trạm vũ trụ nặng 20 tấn trên quỹ đạo cố định cách Trái đất 400km, với khả năng tiếp đón các phi hành gia từ 15 - 20 ngày một lần.
Loạt tham vọng này được củng cố sau thành công đi vào lịch sử của đất nước tỷ dân ngày 23/8, khi Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 hạ cánh lên Mặt trăng (sau Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc) thông qua sứ mệnh Chandrayaan-3, Space.com bình luận.
Tên lửa hạng nặng LVM3-M4 của Ấn Độ phóng tàu vũ trụ thuộc sứ mệnh Chandrayaan-3 lên Mặt trăng, từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota, hòn đảo chắn ngoài khơi bờ biển Vịnh Bengal. Ảnh: Aijaz Rahi/AP
Tính cho đến nay, trên vùng quỹ đạo Trái đất chỉ có 2 trạm vũ trụ: Một là, Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) do Mỹ và Nga cùng vận hành; Hai là, Trạm Vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc.
Và cũng tính cho đến nay, chỉ Mỹ là quốc gia đưa người đổ bộ Mặt trăng thành công. Tuy nhiên, thành tựu này diễn ra cách đây đã lâu, thời chiến tranh Lạnh. Hiện, cả Mỹ, Trung Quốc đều đang tiến hành kế hoạch đưa người đổ bộ Mặt trăng sớm.
Ấn Độ là cái tên mới trong hai cuộc đua này. Nếu thành công, thành tích của Ấn Độ sẽ ngang hàng với Mỹ, Trung trong cuộc đua Vũ trụ 2.0 này.
India Today nhận định, xây dựng một trạm vũ trụ là một công việc khổng lồ đòi hỏi công nghệ và chuyên môn tiên tiến. Ấn Độ đã thể hiện năng lực của mình trong việc phát triển vệ tinh, nhưng việc xây dựng và bảo trì trạm vũ trụ đòi hỏi một loạt kỹ năng hoàn toàn khác.
Nó liên quan đến các hệ thống hỗ trợ sự sống, bảo vệ khỏi bức xạ và tính toàn vẹn cấu trúc lâu dài. Ấn Độ sẽ cần phải nâng cấp đáng kể năng lực công nghệ của mình để đáp ứng những nhu cầu này. Hơn nữa, trạm vũ trụ là một nỗ lực tốn kém và Ấn Độ phải đảm bảo một ngân sách đáng kể.
Tham vọng không gian lớn hơn nữa của Ấn Độ
Ấn Độ được biết đến là quốc gia thực hiện các hoạt động không gian với kinh phí thấp. Các chuyên gia cho rằng, điều này có thể thực hiện được bằng cách hợp lý hóa các công nghệ hiện có và tuyển dụng một lượng lớn kỹ sư ở Ấn Độ, những người không được trả lương cao so với các tổ chức/cơ quan khác trên thế giới.
Tuy nhiên, quốc gia này đã gặt hái được nhiều thành tựu vũ trụ đáng mơ ước.
Năm 2014, ISRO đã đưa một vệ tinh vào quỹ đạo quanh sao Hỏa và phóng 104 vệ tinh vào năm 2017.
"Cảm nhận sự cuồng nhiệt từ Johannesburg, Nam Phi dành cho sự thành công của Chandrayaan-3" - Thủ tướng Ấn Độ đăng dòng trạng thái lên mạng xã hội vào ngày 23/8 lịch sử. Ảnh: Narendra Modi / Mạng X (Twitter)
Cuối tháng 8/2021, Ấn Độ đã trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh tàu gần cực Nam Mặt trăng. Đầu tháng 9/2023, Ấn Độ cũng phóng thành công tàu vũ trụ Aditya-L1 quan sát các lớp bên ngoài của Mặt trời.
Dự kiến, ngày 21/10, Ấn Độ phóng thử nghiệm tàu vũ trụ không người lái nhằm thử nghiệm cho sứ mệnh có người lái vào năm 2024.
Chưa dừng ở những thành tựu này, Ấn Độ còn có nhiều kế hoạch vũ trụ tham vọng hơn nữa. Cụ thể:
ISRO đang lên kế hoạch cho một tàu quỹ đạo sao Kim có tên Shukrayaan-1 để nghiên cứu bề mặt của hành tinh nóng khủng khiếp đó. Chủ tịch của ISRO - ông S. Somanath cho biết vào tháng trước rằng các công cụ khoa học dành cho sứ mệnh Shukrayaan-1 đang được phát triển.
Mục tiêu chính của sứ mệnh Shukrayaan-1 là giải mã bí ẩn của sao Kim, nằm ẩn bên dưới những đám mây chứa đầy axit sulfuric. Ảnh: ET Insights
Sứ mệnh Shukrayaan-1 (dự kiến phóng vào năm 2024) hướng tới việc khám phá sao Kim toàn diện, bao gồm các lớp bề mặt, lớp dưới bề mặt, hóa học khí quyển và mối quan hệ phức tạp giữa năng lượng Mặt trời và sao Kim.
Theo tuyên bố mới nhất, sứ mệnh quỹ đạo sao Hỏa thứ hai cũng đang được thực hiện. Nhiệm vụ đầu tiên của nước này, Sứ mệnh Tàu quỹ đạo Sao Hỏa (MOM) hay còn gọi là Mangalyaan, được phóng vào năm 2013 và nghiên cứu bầu khí quyển của Hành tinh Đỏ trong 8 năm trước khi nó mất liên lạc với Trái đất vào tháng 4/2022.
Nhiệm vụ tiếp theo, Sứ mệnh Tàu quỹ đạo Sao Hỏa 2 (MOM 2)/Mangalyaan-2, dự kiến sẽ được thực hiện vào năm 2024.
Mục tiêu của sứ mệnh Mangalyaan-2 bao gồm khám phá hành tinh Đỏ, nghiên cứu bầu khí quyển sao Hỏa, đặc biệt là tìm ra sự hiện diện của khí mê-tan và CO₂, đồng thời nghiên cứu động lực học của khí quyển.
Ấn Độ cho biết, họ chỉ chiếm 2% trong nền kinh tế vũ trụ toàn cầu trị giá 386 tỷ USD. Họ hy vọng sẽ tăng lên 9% vào năm 2030, DW thông tin.
Space cho biết, Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất có mục tiêu đưa người lên Mặt trăng. Mỹ đang nhắm mục tiêu vào cuối năm 2025 để phóng Artemis 3 - sứ mệnh đổ bộ lên Mặt trăng có phi hành đoàn đầu tiên kể từ chương trình Apollo 50 năm trước.
Artemis 3 sẽ đưa các phi hành gia đến một trong 13 khu vực hạ cánh tiềm năng gần cực Nam Mặt trăng.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang để mắt tới một số địa điểm tương tự cho chuyến đổ bộ lên Mặt trăng của phi hành đoàn mà họ đặt mục tiêu thực hiện trước cuối thập kỷ này.