Tôi là một kẻ trốn chạy...Thường thì người ta chạy trốn bởi nỗi sợ hãi, khi bị truy đuổi...Nhưng cũng có những kẻ chạy trốn vì muốn né tránh khoảnh khắc đối diện với bản thân mình. Tôi không thấy làm kì lạ, xung quanh tôi có đầy kẻ như mình. Nói đúng hơn là cuộc sống này ngột ngạt lắm, khi nào còn có đôi chân là ta còn có thể chạy, rồi sẽ có lúc nhận ra rằng chạy hoài chạy mãi cũng đâu ra khỏi được vòm trời này. Khi cảm thấy lạc lõng trong không gian tưởng như đã thành quen lại như rất đỗi xa lạ, tôi lại chọn cho mình một cách "thư giãn", đó là ngồi trên chiếc xe buýt mà không cần biết điểm dừng là đâu và mình sẽ xuống lúc nào. Paris, phố xá, những con người thành thị hối hả nằm gọn gàng qua khung cửa kính ô tô. Chiếc xe buýt cứ đi mãi, thời gian trôi qua trong vô vàng suy nghĩ, tiếc thay đến một lúc nào đó nó cũng phải dừng lại, nó đâu thể chạy trên một hành trình vô tận được. Chỉ có thời gian là vô tận, nhưng con người không bao giờ theo kịp, ta buộc phải dừng lại thôi...
Tôi là một thằng sinh viên, cái thế giới của tôi hãy còn nhỏ hẹp lắm. Nó gói gọn trong không gian của những kẻ choai choai vừa mới rời khỏi trường phổ thông. Cuộc sống của những kẻ "lưu đày" trong vòng quay ước mơ, hoài bão và kì vọng của người trong cuộc. Tôi biết mình không đơn độc. Không ai giống ai nhưng tất cả đều bước đi trên một con đường và hơn hết chúng tôi đang tồn tại trên một mảnh đất chung, cùng cày xới, cùng vùng vẫy theo những cách khác nhau. Thật may mắn!
Hôm nay trời Paris xấu tệ, chẳng ai thích ra đường trong một buổi sáng lạnh lẽo và ướt át này. Tôi cũng vậy, chấp nhận mình là một kẻ lười biếng, một anh sinh viên tệ hại vì không lên giảng đường. Sự vắng mặt của tôi sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến không gian rộng lớn, tràn ngập ánh sáng cùng hơn 200 sinh viên ; cũng chẳng làm thay đổi giọng oang oang của vị giáo sư qua chiếc micro. Cuộc sống của họ, những kẻ chăm chỉ vẫn trôi qua hết sức bình thường như chưa hề có chuyện gì xảy ra, tôi chắc là như vậy. Tôi cũng từng là một đứa chăm chỉ...
Có tin nhắn điện thoại tới, tôi biết là ai. Một hành động quen thuộc, đối với kẻ nhắn đi thì đó là sự quan tâm, nhưng đối với người nhận như tôi thì nó lại là sự trách móc. Còn ai khác nữa đâu, Yuting, cô bạn Trung Quốc mà tôi gặp trong lớp thực hành khi còn là sinh viên năm nhất. Vậy là đã hơn hai năm rồi, chúng tôi đã là sinh viên năm ba và ngần ấy thời gian trôi qua để không quá khó khăn nhận ra rằng cô bạn thích tôi. Tôi thấy buồn cho cô nàng vì tôi chẳng mảy may nghĩ suy đến những tình cảm yêu đương ấy, có chăng là một chút cảm thông nào đó. Ấy vậy mà tôi cũng chưa bao giờ tỏ rõ thái độ của mình để cô ta thôi hy vọng, mong chờ. Nói đúng hơi là tôi đang dắt díu cô ấy đi theo trên hành trình trốn chạy của mình. Tất cả đều là một sự ỡm ờ và chưa bao giờ dám đối diện. Tôi vẫn cảm thấy vui vì rằng tệ gì tôi cũng có ai đó quan tâm đến mình ở cái thế giới nhàu nát này. Biết đâu một ngày nào đó tôi có thể thức tỉnh trong sự bao dung của cô gái kia... Còn bây giờ, tôi không buồn đọc tin nhắn ấy, nội dung đâu có gì khác, câu trả lời của tôi cũng không thay đổi, tôi không thích lặp lại nó. Thay vào đó tôi lại gọi điện thoại cho Nam, một kẻ đồng hành khác.
- Bonjour em! Hôm nay có phải đi làm ở quán không?
Tôi hình dung ra tình trạng của nó hiện tại, chẳng khác gì tôi, giọng nói vẫn còn ngái ngủ lắm :
- Có, ca của em lúc 11h.
- Làm đến mấy giờ?
- 16h
- Sau đó?
- Không có kế hoạch gì đặc biệt.
- Thế tối nay làm vài ly nhé!
- Ở Hypo Club?
- Nếu em có chỗ nào khác, tuỳ thôi!
- Lên Marais đi!
- Ok.
- Có gì nhắn tin sau nhé!
Đó là chương trình tối nay. Còn bây giờ cũng cần phải ra khỏi giường, một buổi sáng đã đi hoang trong giấc ngủ rồi. Tôi cần tìm cho mình chút cafein để có thể tỉnh táo hơn. Hình như tôi đã gặp may, khi thoáng nghĩ đến đã bắt được hương cà phê ngào ngạt tỏa ra từ phía nhà bếp.
- Ôi, giờ này bác còn ở nhà ạ?
- Bác chuẩn bị đi bây giờ.
- Cà phê thơm quá!
- Uống không, lấy ly đem lại đây!
Bác chủ nhà tốt bụng của tôi đấy, còn là một ngươi đồng hành nữa chứ. Hơi khập khiễng khi gom bác vào con đường của những thanh niên như chúng tôi. Cần phải đặt bác ấy vào thế hệ của những người đã từng rời quê hương trong một hoàn cảnh lịch sử nào đó. Những con người vẫn sống trong hoài niệm của một thế giới huy hoàng ngày nào, khướt từ thực tại. Tôi nghĩ đó là một thế hệ cần nhiều sự cảm thông và thấu hiểu lắm. Họ đã thành công trong cuộc hành trình tìm đến đất mới, tồn tại được trên mảnh đất ấy, nhưng họ còn có một phần nào đó của sự bất hạnh. Trong tâm hồn của kẻ xa xứ, giờ đầu hai thứ tóc, vẫn có chỗ của sự thiếu thốn, niềm vui có bao giờ thực sự trọn vẹn. Nhấp từng giọt cà phê thơm nồng, đăng đắng, tôi nhận ra ngay cái vị không lẫn vào đâu, thứ cà phê đen, đậm đà của Việt Nam chứ không phải một hương vị phương Tây nào khác. Thử hỏi bao nhiêu năm lưu lạc để rồi sáng nào cũng thức dậy bằng hương vị quê nhà ấy thì làm sao người ra đi kia có thể quên được để toàn tâm cho cuộc sống mới của mình.
Tôi cũng thế thôi, nhiều khi chán ngán mảnh đất này biết mấy, thế mà tôi vẫn còn ở đây đó sao. Dù gì đi nữa tôi vẫn có thể khiến cho gia đình tôi ở Việt Nam tự hào. Họ đã có một cậu con trai đang du học nước ngoài. Bạn bè tôi còn có thể ghen tị vì chúng nó sẽ không thể nào có khoảnh khắc ngồi cà phê, ngắm tháp Eiffel, hay đi dạo trong một không gian đầy lá vàng của mùa thu ở vườn Luxembourg như tôi... Cuộc sống là vậy mà, chẳng ai đi mơ ước và đòi hỏi thứ mà mình đang có. Giờ đây, tôi lại đang mong ước về một cuộc sống mà mình đã từng có: quãng thời gian trước tuổi hai mươi, một cuộc sống không có quá nhiều nghĩ ngợi như bây giờ.
Có nên ngủ thêm tí nữa để cho khối óc này thôi nghĩ ngợi không nhỉ? Hương cà phê đã giết chết cái kế hoạch đó mất rồi. Tôi cảm giác ngày hôm nay có thể sẽ rất dài...
Dù không muốn, tôi vẫn nên ra khỏi nhà một chút. Nghĩ xem, nếu ai cũng đua nhau ra đường trong ngày nắng đẹp thì phố phường sẽ trống vắng lắm trong ngày mưa. Tựa hồ như kẻ cô đơn luôn dễ dàng có được niềm vui trong những khoảng thời gian đẹp thì cũng nên giành cho mình một cơ hội nào đó trong lúc buồn chán nhất.
Tôi biết nơi mình muốn đến lúc này, như thế sẽ tốt hơn là cứ bấu víu vào hành trình của những chiếc xe buýt. Tôi vẫn có góc nhỏ ấy, giữa thành phố rộng lớn, đông đúc và chật chội này. Một nơi không quá thưa thớt để cho ta cảm thấy lạc lõng và không quá ồn ào để cho kẻ đang muốn trốn tránh cuộc sống thị thành phát ngán. Không gian ấy chỉ đơn thuần là một quán cà phê nằm ở khu phố Marais mua sắm nhộn nhịp của Paris. Tôi đã khám phá ra nơi này rất tình cờ. Các vị khách sẽ dễ bị đánh lừa bởi tầng trệt luôn nhộn nhịp đông đúc, người qua kẻ lại, nhưng tầng trên như một không gian khác, với những băng ghế, những chiếc bàn dài dọc theo tường, bên cửa sổ hay những bộ salon to bự ấm cúng. Tôi thấy có kẻ nêm chân hàng giờ nơi đó với chiếc máy vi tính, có cả các bạn sinh viên muốn tìm một không gian khác để học và ôn bài. Còn nữa, những du khách với nhiều sinh ngữ khác nhau, họ ghé lại nghỉ chân trong hành trình khám phá Paris rộng lớn. Còn tôi, không được xếp vào một đối tượng cố định nào. Tôi thi thoảng hay đến đó vào những ngày thứ 7, những thứ 7 yên ắng của tâm hồn, không tiệc tùng, bạn bè, tụ tập. Tôi có thể ngồi đó hàng giờ với một ly capuchino cùng chiếc máy laptop của mình. Khi ấy, thời gian không còn được đếm bởi đồng hồ mà được hình dung bằng khung cửa sổ trước mặt. Lúc nào đó, không gian bên ngoài tối lại, làn sương mờ phủ kín tấm kính cửa sổ, sự nhộn nhịp của phố phường ngoài kia không còn có thể nhìn thấy được nữa mà thay vào đó là sự phản chiếu của căn phòng bên trong ; nói đúng hơn là lúc tôi nhìn thấy chính mình trong khung cửa đó, khi ấy thời gian đã trôi đi lặng lẽ và ngày đã tàn thực sự.
Hôm nay không phải là ngày thứ 7 và không gian ấy cũng yên tĩnh hơn ít nhiều. Giống như lý do ban đầu mà tôi viện dẫn, chẳng ai hứng thú ra ngoài trong cái thời tiết ảm đạm và u ám lúc này. Vậy là kẻ dũng cảm như tôi có thể hưởng trọn không gian mà mình mong muốn. Hình như tôi đã có một sự tính toán sai lầm thì phải, tôi ra khỏi nhà với mong muốn thoát khỏi tâm trạng ngổn ngang lẩn quẩn kia thì giờ tôi lại đặt mình trong một không gian còn lẩn quẩn hơn. Dù sao tôi phải chấp nhận nó, ít ra thế giới thường ngày của những chiếc đồng hồ sẽ không còn tồn tại. Bên cạnh là cốc capuchino nóng nổi, trước mặt là chiếc máy vi tính ; tôi chỉ còn chờ cho khung cửa sổ trước mặt hiển hiện đầy đủ khuôn mặt mình, khi ấy tôi đã có thể kết thúc một ngày nữa rồi.
Trời mùa Đông luôn se sắc hơn và ngày cũng ngắn hơn rất nhiều, mới có năm giờ chiều mà không gian xung quanh đã tối sầm lại. Đô thành đã rục rịch cho một buổi đêm nhiều đèn hoa rực rỡ. Càng gần đến Noel, mọi thứ như thêm phần lung linh. Phố xá được điểm tô đẹp đẽ hơn mọi ngày. Những khu phố mua sắm lại càng thêm tấp nập, người ta đang háo hức cho một kì nghỉ Giáng sinh và chờ khoảnh khắc năm mới đến. Có bao giờ ai đặt câu hỏi về điều nghịch lý của sự vui mừng đó không ? Khi mà mỗi tháng năm qua đi, người ta đếu muốn níu kéo, muốn giữ xuân thì trong tay, cố gắng cho tuổi xuân ở lại ; mà tại sao mỗi khi năm mới đến ai nấy cũng đều vui mừng đến thế. Chẳng phải đó là một sự mâu thuẫn rất đỗi bi kịch ư ? Ai lại đi hân hoan chào đón cái thứ có thể giết chết khao khát của mình.
Chiếc điện thoại rung bần bật trên bàn làm tôi thoát khỏi dòng suy nghĩ ấy.
- A lô.
- Em về nhà thay đồ rồi, anh đang ở đâu đấy ?
- Khu Marais
- Ok, có gì gặp nhau ở BHV Marais[1] anh nhé !
- Khi nào tới thì cho tôi hay, tôi ở ngay gần đó thôi.
- Dạ.
Tôi thích trò chuyện với Nam, cậu ta là một kẻ chân thành hiếm hoi mà tôi tìm thấy xung quanh mình. Khổ nổi, những kẻ chân thành và sống dạt dào bằng tình cảm của mình thì luôn nắm trong tay số phận nghiệt ngã. Đôi khi tôi cố gắng hiểu sự bất công ấy, thế nhưng tôi vẫn không chạm vào được, đơn giản đó là sự khác biệt lớn. Nó không phải là một hố sâu cần ai đó phải đặt một cây cầu to bự để bước qua ; tôi hình dung nó rất vô hình, chạm vào được nhưng không cảm nhận được. Tôi chỉ biết rằng Nam cũng là một kẻ trốn chạy như tôi. Bi đát hơn là em ấy đang trốn chạy chính con người mình.
Tôi bắt đầu thu dọn mọi thứ trên bàn cho vào túi xách để đến chỗ hẹn với Nam. Trung tâm mua sắm đông nghịt người dù sắp tới giờ đóng cửa. BHV luôn là một không gian của những thứ hàng xa xỉ, đắc đỏ, chỗ của những người giàu. Bất cứ đâu, xã hội có công bằng thế nào thì hai chữ « giàu » và « nghèo » luôn hiện hữu ; cách người ta sử dụng đồng tiền chính là hình họa mô tả rõ nét sự khác biệt ấy.
Đứng một lúc, tôi nhận ra Nam đang tiến lại trong lố nhố đám đông đang đi trên đường. Cậu ấy vẫn giữ thói quen chào tôi rất lịch sự và kính trọng.
- Anh vừa đi học về hay sao mà túi xách lỉnh kỉnh thế kia ?
- Học hành gì, lại ngồi cà phê suốt buổi chiều ấy mà !
- Lại cúp cua hả ?
- Không quan trọng.
- Chà, có vẻ tâm trạng nhỉ ? Em không được phép biết nguyên nhân hả ?
- Thế thì tối nay, em đưa anh đến chỗ này, biết đâu anh sẽ tìm được điều gì đó mới mẻ ?
- Saint Denis, BelleVille hay Moulin Rouge[2]?
- Ngay đây thôi...
Tôi đi theo Nam trong dòng người đông đúc ấy, chúng tôi lúc nào cũng lọt thỏm giữa con phố thủ đô hoa lệ này. Cả hai bước vào một quán bar với nhiều ánh điện màu. Chúng tôi tìm được một chỗ ngồi khá dễ dàng, vì bây giờ chưa phải là thời gian để người ta đi bar. Hùng gọi đồ uống cho cả hai, nó biết tôi muốn uống gì. Dần dần tôi cũng nhận ra được sự « mới mẻ » mà Nam đề cập. Không gian này hơi khác với những quán bar thông thường mà tôi vẫn hay đi, ở đây thiếu vắng những cô phục vụ xinh đẹp, thay vào đó là thế giới của những người đàn ông, có mấy gã phục vụ bàn bảnh bao cùng thân hình cơ bắp. Tôi chỉ mỉm cười hỏi cậu em đối diện :
- Em vẫn thường hay lui tới đây sao?
- Không thường, nhưng thỉnh thoảng có ghé!
- Đi một mình à?
- Một mình cũng có mà với bạn cũng có. Anh cũng đừng nghĩ nó có gì ghê gớm, anh vẫn có thể uống rượu, nghe nhạc ở đây đó thôi.
Tôi đá mắt về phía cô gái ở bàn bên cạnh hỏi Nam:
-Thế cô gái kia là người chuyển giới à?
Nó cau mày :
- Mắt anh có vấn đề hả? Chẳng lẽ sống độc thân lâu quá nên giờ hết phân biệt được con gái rồi sao ?
- Lẽ nào con gái lại thích đến đây?
- Có thể giống như anh, thằng bạn đi cùng cô ta là Gay, họ đến đây để uống với nhau vậy thôi. Mà anh không thấy, mấy tên phục vụ ở đây quá đẹp trai sao, đó cũng là sự thu hút với phái nữ mà.
- Ừ thì đẹp, nhưng đâu có "xài" [3]được.
Nó lại nhăn mặt, trợn mắt với tôi :
-Không phải là không xài được, mà là họ sinh ra không phải để dành cho phái nữ.
Tôi lấy làm buồn cười với câu trả lời rất tự hào của Nam. Đây là điểm mà tôi thích nói chuyện với cậu ta. Tôi chưa bao giờ thấy nhàm chán với cái miệng luôn muốn dành phần thằng đến cùng ấy.
- Hình như ở Việt Nam không có những chỗ như thế này em nhỉ?
- Em cũng chẳng biết nữa, ngày xưa ở Việt Nam em có biết đi bar là thế nào đâu?
- Có lẽ cuộc sống ở đây thú vị hơn phải không em?
- Sẽ không phải đối diện với mọi người thôi anh ạ.
- Em sẽ trốn tránh đến bao giờ?
- Đến khi nào không thể được nữa.
Câu trả lời ấy bỗng xoáy sâu vào hoàn cảnh của chính tôi. Tôi cũng tự hỏi mình rằng mình sẽ trốn chạy đến bao giờ. bi kịch của Nam đớn đau hơn tôi nhiều khi trên vai em là muôn vàng gánh nặng và có thể trở thành một cú sốc tâm lí dai dẳng trong suốt cuộc đời nếu thiếu đi sự cảm thông. Còn tôi, đơn giản vì hai chữ gia đình mà thôi. Tôi sống trong quá nhiều sự kì vọng, những bước chân của tôi trên con đường gai góc này không phải do chính tôi đặt để mà do người lớn sắp xếp. Nhiều lúc tôi thấy thế giới xung quanh mình thật phù phiếm, khi người ta so sánh với nhau bằng những thước đo vượt xa nhân văn mà con người vốn có. Tôi ghét bị so sánh và biến mình thành một thang đo cho một sự hơn thua nào đó. Ở đây, không phải Sài Gòn, tôi cũng không phải là tôi trong những mối quan hệ phức tạp ấy. Tôi là chính tôi, một thanh niên tự do thật sự. Thế nhưng tôi chẳng mấy hài lòng với cuộc sống này, đơn độc quá, trơ trọi quá. Lẽ nào người ta cần phải có sự đánh đổi. Tôi chợt quay sang hỏi Nam:
- Biết là sẽ có lúc không thể tránh né được nữa, tại sao em không kết thúc sớm vấn đề này đi?
- Kết thúc thế nào hả anh?
- Em có thể nói thật những suy nghĩ của bản thân mình cho gia đình, mọi người. Họ có thể cảm thông chia sẻ?
- Và có thể em sẽ mất tất cả ?
Tôi thật sự ngậm ngùi trong câu nói ấy của cậu ấy. Sức nặng trên đôi vai chàng trai kia đáng để đắn đó và suy nghĩ rất nhiều. Tại sao tuổi trẻ của chúng tôi chỉ là khoảng thời gian trốn chạy, để không phải chấp nhận hay đối diện với sự thật. Hay nói đúng hơn, hành trình của những con người trẻ giờ là hành trình của những kẻ trốn chạy, cố gắng xa dần với thực tế mà chúng đang có.
Không khí xung quanh tôi như chùng xuống dù tiếng nhạc có rộn ràng, người ra vào bắt đầu đông hơn. Có tất cả là tám chiếc ly trên bàn, tôi đủ cảm nhận được cái nóng rực của men rượu. Tôi hất tay Nam ra hiệu đứng dậy.
Chỉ cần vừa ra khỏi cửa thôi, không gian đã thay đổi rõ rệt, ít ra nó yên ắng hơn bên trong. Trời càng tối, sương mờ càng dày đặt. Chúng tôi cứ thế men theo con phố ra đến quảng trường trước Tòa thị chính Paris, rồi tiếp tục đi thẳng về phía bờ sông Seine. Paris có bao giờ vắng người đâu, dù trời khuya hay trời sáng, dù đêm lạnh hay ngày hè. Từng cây cầu bắt qua sông Seine vẫn lạnh lùng kiêu hãnh, chúng nó chưa bao giờ cô đơn, sẽ luôn có những khách bộ hành lướt qua, dừng lại rồi đi.
Thong dong một lúc, Nam vỗ vai tôi, rồi chỉ về phía bên kia của dòng sông, đoạn qua cầu Pont-Neuf[4].
-Anh ơi nhìn kìa, mắc cười quá.
Thì ra cậu ta đang chỉ về phía tháp Eiffel với phần đỉnh tháp bị phủ mờ bởi sương mù. Ngọn đèn lộng lẫy của Paris đã bị « mất đầu ». Bình thường trên cao ấy luôn có hai ngọn đèn pha sáng rực xoay vòng chiều rọi khắp thành phố, để cho bất cứ ai cũng có thể hướng về biểu tượng kiêu hãnh của nước Pháp. Thế mà hôm nay lại không, sương mù đã làm nó biến đi đâu mất, thứ ánh sáng kia đã phần nào bị lu mờ. Cuối cùng nó cũng chỉ trơ trọi trong ánh đèn vàng của phố phường một buổi đêm.
- Anh về luôn chứ ?
- Em đi tàu 7 à ?
- Vâng.
- Vậy em về trước đi, anh loanh quanh một lúc.
- Ok, gặp anh sau nhé!
- Chào e! Cảm ơn em vì một không gian mới lạ!
Cậu ta cười lớn:
- Đừng có hôm nào lén lút đi một mình nhé, cẩn thận bị « thịt » đấy!
Tôi cũng lấy làm ngây ngô với lời « cảnh báo » của Hùng. Thay vì xuống metro, tôi lại chọn cho mình cách về nhà bằng xe buýt. Phải nói rằng, nếu ai đó muốn cảm nhận được phố xá thủ đô, thì đừng nên đi metro hay một phương tiện công cộng nào khác. Những chiếc xe buýt luôn là người dẫn đường hiệu quả, đó là những kẻ thực sự lăn lộn cùng phố phường. Đi buýt vào buổi tối sẽ tuyệt vời hơn, vì sẽ không phải lo sợ bị chen lấn, hay kẹt xe. Những ngọn đèn, những tấm pano quảng cáo nhiều màu sắc, tất cả đều dễ dàng thu gọn trong tầm mắt. Tôi nghĩ đó cũng là một cái kết thú vị cho ngày hôm nay. Tiếp theo sẽ lại là một giấc ngủ dài trong cái hơi hám của chất cồn lúc nãy, chuẩn bị tâm lí cho một ngày mai sẽ khác.
Sáng hôm sau, thêm một lần nữa, tôi bị đánh thức bởi hương cà phê tỏa ra từ phía nhà bếp. Thời tiết hôm nay khác hơn hôm qua rất nhiều, tuy ảm đạm nhưng không mưa. Tôi rất ghét trời mưa, nó làm con người ta phải chui rút trong những nơi kín đáo và có thể bỏ lỡ không gian thiên nhiên xung quanh. Một lý do khác mà ai cũng hiểu đó là trời mưa bao giờ cũng mang đến cho chúng ta cảm giác buồn chán.
Bác chủ nhà nhìn thấy tôi bèn rót thêm cà phê vào một ly khác, ánh mắt vẫn đăm chiêu theo dòng nước đen ấy :
- Bác Hồng mới mất đó cháu !
- Bác Hồng, chồng cô Hoa ạ ?
- Ừ.
- Ủa, cháu mới gặp bác ấy hôm chủ nhật mà !
- Bác ấy bị tai nạn, chấn thương đầu, hôn mê ở bệnh viện hôm qua giờ. Đến sáng hôm nay thì bác ấy đi rồi.
Tôi không khỏi bàng hoàng trước tin ấy. Sao sự sống và cái chết có thể giao thoa trong tích tắc như vậy. Để sống, con người ta đã phải vật vã, vượt qua bao thăng trầm, nhưng chỉ cần một tai nạn, cũng có thể kết thúc được cuộc đời.
Một buổi trưa thứ ba ảm đạm của mùa Đông, một ngày cuối năm không mấy sáng sủa. Trời nhiều mây và có thêm chút gió, làm không gian lạnh lẽo gấp bội. Khi vừa đặt chân đến cổng của dãy nhà, tôi đã nghe vẳng đâu đó tiêng chuông, tiếng mõ, tiếng cầu kinh. Đi theo bác chủ nhà đến cuối hành lang, chúng tôi bắt gặp một căn phòng nhỏ giờ trở nên chật chội hơn bởi xung quanh có rất đông người Việt đang đứng. Ai cũng trình tự xếp hàng, trên tay cầm một bông hoa để chờ đến lượt đi ngang qua chiếc quan tài đang được đặt trang trọng giữa phòng, lung linh ánh nến. Tôi lẳng lặng đứng trong dòng người ấy, nghẹn ngào.
Sau khi được khâm liệm, quan tài được đưa đến nơi hỏa tang theo di nguyện của gia đình bác Hồng. Từng dòng người cứ mỗi lúc đông lên, cùng xếp hàng nguyện cầu cho bác lần cuối. Thật sự xót xa lúc nghe dòng điếu văn buồn thảm, nơi sinh và nơi tử cách nhau muôn trùng. Con người ai cũng một lần sinh ra và một lần chết đi, sẽ buồn biết bao khi phải nằm xuống nơi đất lạ quê người. Phải chăng đó là hoàn cảnh chung của những kẻ một lần ra đi, những kẻ trót nặng nợ với cả hai nơi, một nơi mình đã sinh ra và lớn lên, còn nơi kia đã cưu mang mình trong tháng ngày lưu lạc. Tôi nghe xung quanh có nhiều tiếng nấc nghẹn ngào, theo đó là những dòng nước mắt tiếc thương như quánh đặc cả không gian lúc cánh cửa buồng hỏa thiêu khép lại. Vợ bác đã như ngất lịm đi, từ đây âm dương cách biệt. Kiếp người mỏng manh giờ trở về với nắm tro tàn, khép lại cuộc hành trình nhiều biến động với thời cuộc. Theo tâm nguyện của bác Hồng, tro cốt của bác ấy sẽ được mang về quê nhà Sa Đéc và sẽ được rải trên dòng sông chảy qua làng. Kẻ giàu sang thì muốn mồ yên mả đẹp, muốn được nguyên vẹn hình hài thiên thu mãi mãi, còn có người lại chỉ muốn trở về đúng kiếp cát bụi; không mong chờ một nhà mồ yên ấm, chỉ mong được phiêu diêu tự tại, hòa cùng dòng nước, quyện trên ngọn cỏ, cành cây nơi chôn nhau cắt rốn. Một chút tâm nguyện của kẻ tha hương lúc cuối đời thật nhỏ nhoi và đáng quý. Ai chia ly rồi mới biết chờ mong ngày tái ngộ, ai đi xa cũng muốn được trở về dù khi đi là thanh niên thiếu thời, còn ngày về là nắm tro tàn, nguội lạnh. Hành trình lưu lạc của một người tha hương đã kết thúc.
Tôi chưa bao giờ nghĩ cho mình một kết thúc như thế. Thật nhẫn tâm khi một chàng thanh niên ngoài hai mươi tuổi đã vội lo sợ cho một sự kết thúc.
Trên đường về, tôi đã hỏi bác chủ nhà :
- Nếu được chọn lựa, bác mong muốn mình ở đâu lúc nằm xuống ?
- Quê hương...
Hai tiếng lấp lửng ấy, đáng ra tôi nên hỏi thêm, vì nước Pháp cũng là « quê hương » của bác đấy thôi, bác ấy vẫn là một công dân mang quốc tịch Pháp hẳn hoi mà. Tôi hiểu và tôi biết « quê hương » mà bác ấy nhắc tới. Trả lại xung quanh sự im lặng, sâu lắng và nỗi đau mất mát trong từng con người, chiếc xe vẫn bon bon trên con đường từ ngoại ô về thành phố.
Mỗi người ai cũng có một số phận và một hành trình riêng. Có kẻ chạy trốn vì lí do này, có kẻ sợ đối diện vì một nguyên nhân khác. Thế nhưng không ai là tránh khỏi kết cục chờ đợi ở cuối con đường, một lần sinh ra, một lần chết đi. Chẳng biết có một thế giới nào đó bên đường ranh giới sinh tử đó không, chẳng biết có những con đường tiếp nối cho những kẻ tiếp tục chối bỏ thực tế của bản thân mình hay không ; chỉ biết rằng bây giờ ta đang sống. Thời gian và tuổi trẻ cứ thế song hành trôi đi, tôi đang lãng phí nó.
Yuting đã gọi cho tôi, có cả thảy ba cuộc gọi nhỡ, cùng một cái tên ấy. Có thể cô ấy cần tìm tôi, khả năng là cô ấy muốn thông báo gì đó cho tôi ; cần có sự liên hệ giữa kẻ siêng năng và lười biếng. Tôi không quá ngốc ngếch để biết mình cần sự liên hệ ấy, tôi không phải là một kẻ bạc bẽo đi lợi dụng người khác. Tôi thấy mình chưa bao giờ nghiêm túc hơn lúc này. Tôi quyết định gọi cho cô ấy.
[1] Một khu mua sắm nổi tiếng ở Paris.
[2] Một vài khu phố sầm uất về đêm của Paris.
[3] Tiếng lóng có nghĩa : sử dụng, dùng.
[4] Tên một cây cầu bắt qua sông Seine.