Gián tiếp giết người
Theo hồ sơ vụ án, tối 6/9/2019, Triệu Văn May và Đặng Văn Tài (cùng cư trú tại xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) đến dự đám cưới một người cùng thôn.
Trong cuộc vui, họ gặp anh Nguyễn Ngọc V (nạn nhân vụ án) đi cùng chị Nguyễn Thị L (ở xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình, Yên Bái). Do trước đó, May đi chơi bên xã Cẩm Ân, huyện Yên Bình bị thanh niên tại đây đánh, nên khi thấy anh V là người xã này đến đám cưới, May rủ Tài: "Tý anh em mình đánh thằng V nhé"…
Sau khi xem xét toàn diện, tòa xác định các bị cáo đã phạm tội giết người với lỗi cố ý gián tiếp.
Cũng tại đám cưới, Tài đến mời rượu nhưng V từ chối, không uống. Cho rằng V coi thường mình, Tài liền đồng ý với đề nghị của May về việc đánh anh V.
Khoảng 20h cùng ngày, thấy anh V chở chị L ra về, Tài và May chuẩn bị gậy ba khúc bằng kim loại rồi sử dụng hai xe máy đuổi theo để đánh nạn nhân.
Đến đoạn đường vắng, Tài và May chặn xe của anh V. May hỏi: "Sao mày về nhanh thế", còn Tài tiếp lời: "Tôi mời rượu bạn không uống, bạn khinh tôi à?".
Ngay sau đó, Tài và May lao vào dùng chân, tay và gậy ba khúc bằng kim loại tấn công đối phương. Anh V đánh trả nhưng không lại sức, nên lái xe máy chở chị L bỏ chạy, bị Tài dùng gậy kim loại đánh trúng lưng.
Trên đường truy đuổi, May chĩa gậy sắt về phía anh V và hò hét. Đến khu vực ngã ba đường cách nơi hai bị cáo chặn đánh anh V một đoạn, nạn nhân không kịp xử lý nên lao xe máy vào sân vườn nhà dân và ngã. Thấy vậy, Tài và May bỏ đi, còn anh V tử vong sau đó do vỡ hộp sọ.
Bản án Hình Sự sơ thẩm ngày 16/9/2020 của TAND huyện Trấn Yên tuyên phạt các bị cáo Triệu Văn May và Đặng Văn Tài cùng 14 năm tù về tội cố ý gây thương tích.
Sau khi có kháng cáo của các bên và kháng nghị của viện trưởng viện Kiểm sát nhân dân huyện Trấn Yên, ngày 10/12/2020, TAND tỉnh Yên Bái đã xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm.
Tại phiên phúc thẩm, các bị cáo Tài và May đều khai nhận toàn bộ hành vi đã thực hiện như nội dung bản án sơ thẩm. Họ cùng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, không chấp nhận tăng mức bồi thường.
Sau khi xem xét toàn diện, tòa xác định các bị cáo đã phạm tội giết người với lỗi cố ý gián tiếp. Việc cấp sơ thẩm điều tra, truy tố, xét xử họ về tội cố ý gây thương tích là không chính xác. Do đó, cần hủy bản án sơ thẩm để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn.
Theo lập luận của tòa phúc thẩm, Tài và May dùng gậy kim loại, là hung khí nguy hiểm đánh V, sau đó dùng xe mô tô truy đuổi nạn nhân V là việc làm rất nguy hiểm. Anh V vừa bị đánh đau, còn bị các bị cáo truy đuổi, uy hiếp, đe dọa, buộc V lo sợ tiếp tục bị đánh, nên điều khiển xe bỏ chạy với vận tốc nhanh trong điều kiện trời tối.
"Các bị cáo buộc phải nhận thức được điều đó, nhưng vẫn tiếp tục đuổi theo anh V hơn 1,3km cho đến khi thấy V bị ngã xe mới dừng lại", bản án phúc thẩm nêu rõ. Do đó, TAND tỉnh Yên Bái đủ cơ sở kết luận hành vi phạm tội của các bị cáo rất quyết liệt và thực tế, anh V đã tử vong.
Sau quá trình điều tra và truy tố lại, ngày 21/9/2021, TAND tỉnh Yên Bái xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Triệu Văn May 18 năm tù, Đặng Văn Tài 17 năm tù, cùng về tội giết người.
Tiếp đó, tại phiên tòa phúc thẩm mở ngày 24/1/2022, TAND cấp cao tại Hà Nội đã bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm đối với các bị cáo.
Bài học đắt giá
Luật sư Hà Thị Khuyên, Trưởng Văn phòng luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Phân tích góc độ pháp lý, luật sư Hà Thị Khuyên (Trưởng Văn phòng luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, thực tiễn có những hành vi, vụ án có tình tiết tương tự nhau nhưng việc định tội, định khung hình phạt lại khác nhau.
Đề cập vụ giết người nêu trên, luật sư phân tích, để minh định được hành vi giết người, các cơ quan tiến hành tố tụng cần xác định những yếu tố như mức độ tấn công, sử dụng hung khí nào, mục đích gì?...
Hồ sơ vụ án cho thấy hai bị cáo ngay từ đầu đã có ý định và mục đích đánh dằn mặt nạn nhân. Sau đó, họ lên kế hoạch rồi chặn xe, thực hiện hành vi tấn công và truy đuổi đến cùng. Hậu quả dẫn đến bị hại không làm chủ tay lái, ngã xe và tử vong.
Việc xác định sự thật khách quan của vụ án, làm rõ ý thức chủ quan và hành vi khách quan của các bị cáo đã làm sáng tỏ bản chất của vụ án. Do đó, việc chuyển tội danh từ cố ý gây thương tích sang giết người phù hợp với diễn biến hành vi và hậu quả xảy ra.
"Rồi đây, hai bị cáo sẽ phải chịu sự xét xử nghiêm minh của Pháp Luật. Chỉ vì phát sinh suy nghĩ nhỏ nhặt, vụn vặt và vô căn cứ, hai bị cáo đã vô cớ chặn đường gây sự với bị hại.
Hành vi bột phát, thiếu hiểu biết Pháp Luật của các bị cáo để lại hậu quả rất đau lòng. Vụ án mạng còn gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương", luật sư nhận định và cho rằng, vụ án là bài học đắt giá dành cho những ai coi thường Pháp Luật, coi thường tính mạng người khác thông qua việc giải quyết mâu thuẫn bằng B.L.