Sáng ngày 11/8, tên lửa Soyuz 2.1 mang theo tàu thăm dò Mặt trăng Luna-25 của Nga đã được phóng từ sân bay vũ trụ Vostochny ở Vùng Amur. Luna-25 là tàu thăm dò Mặt trăng đầu tiên được chế tạo tại nước Nga hiện đại với linh kiện hoàn toàn tới từ các nhà cung cấp nội địa.
Địa điểm hạ cánh được chỉ định là gần miệng núi lửa Boguslavsky trong khi các miệng núi lửa Manzinus và Pentland-A được chỉ định là các địa điểm hạ cánh thay thế.Vào ngày 12 và 14/8, tàu thăm dò tự động đã điều chỉnh đường bay của nó 2 lần và được thiết lập để đi vào quỹ đạo Mặt trăng vào ngày 16/8.
Tới ngày 19/8, Roscosmos cho biết tàu thăm dò Mặt trăng được lên kế hoạch nhận lực đẩy để đi vào quỹ đạo hạ cánh xuống vệ tinh của Trái Đất. Cơ quan vũ trụ Nga vốn dự kiến ngày hạ cánh là 23/8, nhưng giám đốc cơ quan này là ông Yuri Borisov hy vọng tàu thăm dò Luna-25 có thể thực hiện hạ cánh nhẹ nhàng vào bề mặt cực nam của Mặt trăng ngày 21/8 – trước Ấn Độ.
Tuy nhiên, theo hãng thông tấn TASS trích dẫn thông báo của Roscosmos chiều 20/8, “vào khoảng 2h57, kết nối với tàu thăm dò mặt trăng tự động Luna-25 đã bị mất". Cơ quan này cho biết tất cả các biện pháp tìm kiếm vị trí của tàu vũ trụ và thiết lập liên lạc với nó vào ngày 19 và 20/8 đều không mang lại kết quả.
Cơ quan vũ trụ Nga nhận định: "Kết quả phân tích sơ bộ cho thấy rằng sự sai lệch giữa các thông số thực tế và tính toán của cơ cấu đẩy đã khiến tàu thăm dò Luna-25 đi vào quỹ đạo không xác định và nó không còn tồn tại sau vụ va chạm với bề mặt Mặt trăng".
Tàu thăm dò Luna-25 vốn có một số máy quay được lắp đặt tự động để có thể quay lại quá trình hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng, toàn cảnh vệ tinh tự nhiên của Trái đất ở định dạng HDR và xử lý bụi cho nghiên cứu của tàu thăm dò này theo lệnh từ Trái đất. Tuy nhiên, vụ va chạm này đánh dấu sự thất bại của sứ mệnh Mặt Trăng đầu tiên trong lịch sử nước Nga hiện đại kể từ năm 1976.
Trước đó, từ tháng 9/1958 tới tháng 8/1976, Liên Xô đã thực hiện 24 sứ mệnh Luna chính thức. Tàu Luna-1 là tàu vũ trụ đầu tiên rời khỏi khu vực Trái đất - Mặt trăng vào tháng 1/1959. Tới tháng 9 cùng năm, Luna-2 tiếp tục trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên đến Mặt trăng. Luna-9 thực hiện một cuộc hạ cánh mềm vào tháng 2/1966 trong khi Luna-10 trở thành vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Mặt trăng vào tháng 3 cùng năm. Sứ mệnh Mặt trăng cuối cùng của Liên Xô là Luna-24 đã trả về các mẫu đất Mặt trăng phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học vòa tháng 8/1976.
Nhằm điều tra nguyên nhân vụ tàu thăm dò va chạm với bề mặt Mặt Trăng, chính phủ Nga đã thiết lập một ủy ban liên ngành đặc biệt. Về phía Ấn Độ, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) vẫn giữ nguyên dự báo rằng sứ mệnh Chandrayaan-3 dự kiến hạ cánh tại Mặt trăng vào ngày 23/8.