Theo thông tin từ tờ “Newsweek" của Mỹ, chính phủ Mỹ không có kế hoạch cung cấp cho Ukraine xe tăng chiến đấu chủ lực phiên bản M1A2 Abrams tiên tiến hơn; mà chỉ là phiên bản M1A1 với trọng lượng nhẹ hơn và thiết bị điện tử lạc hậu hơn.
Nhưng quan trọng nhất là mẫu xe tăng M1A1 Abrams không có lớp giáp uranium nghèo, cho khả năng bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên lãnh đạo Lầu Năm Góc đảm bảo rằng, M1A1 được giao cho Ukraine sẽ “không thua kém” các xe tăng đời mới hơn của các quốc gia khác.
Cụ thể, Lầu Năm Góc sẽ giao xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams cho Đức trong tháng này, để tái trang bị tại Đức, bao gồm thay thế lớp giáp uranium nghèo và một số thiết bị điện tử “nhạy cảm”, phòng khi bị Nga thu làm chiến lợi phẩm, sẽ không bị lộ bí mật quân sự quá lớn.
Đồng thời Mỹ chính thức bàn giao lô xe M1A1 cho Ukraine vào tháng 9 này. Số các binh sĩ Ukraine được huấn luyện tại Đức trực tiếp trên xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams, cũng sẽ kết thúc khóa huấn luyện trong tháng này.
Trên thực tế, khi chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ viện trợ cho Ukraine xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams, cho thấy Lầu Năm Góc viện trợ cho Ukraine là mẫu M1A1 chứ không phải M1A2 mới nhất đang được quân đội Mỹ sử dụng.
Việc này có liên quan đến việc bảo vệ các bí mật quân sự, khi Mỹ lo ngại xe tăng M1A2 mới nhất của họ rơi vào tay quân đội Nga, giống như việc quân đội Nga đã thu được xe tăng bánh lốp AMX-10 RC của Pháp và xe chiến đấu bộ binh CV90 Thụy Điển.
Đương nhiên, điều này cũng liên quan đến việc chính phủ Mỹ nhất quán thông lệ, như khi xuất khẩu xe tăng chiến đấu chủ lực "Abrams" cho Ai Cập và các quốc gia khác cũng là phiên bản hạ cấp, không lắp giáp uranium nghèo.
Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ Ukraine các loại xe bọc thép như xe chiến đấu bộ binh Bradley và xe bọc thép Stryker. Trong đó nhiều xe chiến đấu bộ binh Bradley của quân đội Ukraine đã bị thiệt hại ngay trong lần ra quân chiến đấu đầu tiên.
Xe bọc thép Stryker mà Mỹ viện trợ cho Ukraine dường như không tham gia chiến đấu, hoặc đã tham chiến nhưng chưa từng được ghi nhận. Tương tự, xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 do Anh viện trợ cũng chưa tham chiến.
Câu hỏi đặt ra là không biết liệu những chiếc xe tăng M1A1 Abram mà Mỹ cho là “tối tân” này, có tham chiến sau khi Mỹ chuyển giao cho Ukraine hay không; hay nó lại chịu số phận như những chiếc Challenger 2, khi Anh không cho Ukraine sử dụng trong các cuộc tấn công đột kích?
Và liệu Quân đội Ukraine có quá kỳ vọng vào xe tăng Abram của Mỹ để thay đổi cục diện chiến trường? Trước khi đánh giá về khả năng sống sót của xe tăng M1 Abrams trên chiến trường Ukraine, cần hiểu rõ dòng xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) của Mỹ ,vốn là sản phẩm phát triển theo tư duy thời chiến tranh Lạnh, với vai trò là đấu tăng trong đội hình thiết giáp của chiến tranh tổng lực.
Chính vì tư duy thiết kế này, M1 Abrams được gia cố giáp bảo vệ chủ yếu ở bán cầu phía trước, nơi chịu mật độ hỏa lực chống tăng nhiều nhất và cắt giảm ở hai bên thân và phía sau xe để tối ưu trọng lượng. Tư duy thiết kế này cũng được áp dụng trên nhiều dòng MBT nổi tiếng như Leopard-2 của Đức, Challenger-2 của Anh hay T-80 của Liên Xô.
Với tư duy này, xe tăng M1 Abrams sẽ rất mạnh khi tác chiến trong đội hình binh chủng hợp thành với việc phân chiến tuyến rõ ràng. Phần trước được gia cố chắc chắn giúp xe sống sót tốt trước nhiều loại hỏa lực chống tăng bắn thẳng của đối phương.
Tuy nhiên, trong các cuộc xung đột gần đây, tại các cuộc xung đột quy mô vừa và nhỏ và môi trường tác chiến bất đối xứng, đô thị; thì những thiết kế của MBT tư duy thời chiến tranh Lạnh đã tỏ ra lạc hậu và dễ thiệt hại. Đặc biệt là với sự xuất hiện rộng rãi của các loại hỏa lực chống tăng cầm tay nhỏ gọn và sức công phá lớn.
Không khó để lấy ví dụ rõ ràng cho vấn đề này chính là sự dễ bị thiệt hại của xe tăng M1 Abrams trong chiến tranh Vùng Vịnh lần 1 và 2. Nhiều xe tăng của Mỹ đã trúng hỏa lực chống tăng vác vai ở hai bên thân xe và bị vô hiệu hóa.
Điều này cũng có thể quan sát được khi xe tăng M1A2 SEP của Quân đội Iraq dễ bị thiệt hại trước hỏa lực chống tăng của các chiến binh IS và gần đây nhất là cuộc xung đột tại Yemen. Xe tăng M1 Abrams hiện đại của Quân đội Ả rập Xê út đã không ít lần bung nóc trước tên lửa chống tăng có nguồn gốc Liên Xô và Nga của lực lượng dân quân Houthis.
Đó là những phiên bản M1 Abrams hiện đại theo tiêu chuẩn Mỹ còn dễ tổn thương như vậy, thì với phiên bản xe tăng Abrams viện trợ cho Ukraine bị cắt giảm giáp uranium nghèo bảo vệ và hệ thống thông tin chiến trường, thì khả năng sống sót sẽ còn kém hơn nhiều.
Phiên bản MBT Abrams viện trợ cho Ukraine sẽ do nhà thầu tư nhân cung cấp và là phiên bản M1A2 SEP tương tự như loại xuất khẩu cho Iraq. Chúng ta đã chứng kiến cả sư đoàn tăng M1A2 SEP của Iraq đã phải “bất lực” như thế nào trước hỏa lực chống tăng của lực lượng IS. Sau đó Iraq phải nhập T-90S của Nga để thay thế.
Nhận xét về phiên bản xe tăng Abrams viện trợ cho Ukraine, Đại tá Yuri Chmutin, Chủ tịch Hiệp hội “Các sĩ quan Nga” đánh giá, Kiev sẽ được cung cấp phiên bản hạ cấp của xe tăng M1 Abrams không có lớp giáp làm từ hợp kim uranium nghèo và hệ thống thông tin liên lạc hiện đại. Phía Mỹ lo ngại những công nghệ trên có thể lọt vào tay quân đội Nga trên chiến trường.