Sau khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả và phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023, hàng loạt trường đại học (ĐH) trên cả nước đã thông báo ngưỡng điểm chất lượng đầu vào (điểm sàn) cho phương thức này. Trong đó, mức điểm cao vẫn thuộc về những ngành hot, những trường ĐH tốp đầu.
Thấp nhất 15 điểm, cao nhất 23,5 điểm
Theo thống kê, năm nay có đến 20 phương thức xét tuyển vào các cơ sở ĐH. Trong đó, sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức được đa số các trường dành chỉ tiêu lớn nhất.
Tuy nhiên, căn cứ vào điểm thi, chỉ tiêu và sức hút thí sinh (TS), điểm sàn được các trường ấn định với nhiều mức khác nhau, có thể mức điểm chung cho trường hoặc theo từng ngành học.
Cụ thể, hai trường có điểm sàn cao nhất hiện nay là Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) với 23,5 điểm. Năm nay trường tuyển hơn 2.000 chỉ tiêu theo 11 phương thức, trong đó hơn 50% chỉ tiêu dành cho xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Và đây cũng là mức điểm sàn của Trường ĐH Ngoại thương, áp dụng đối với tất cả tổ hợp môn, đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng.
Bên cạnh đưa ra mức điểm sàn là 20 điểm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã có những dự báo về điểm chuẩn của trường năm nay theo kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Theo đó, điểm chuẩn sẽ dao động 20-27,5 điểm. Nhóm ngành cao điểm nhất là khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.
Còn tại TP.HCM, mức điểm sàn năm nay không có nhiều biến động, những ngành hot dao động 20-22 điểm, ngành còn lại đa số là 15-19 điểm.
Theo thông báo của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, năm nay trường dự kiến tuyển hơn 5.000 chỉ tiêu. Trong đó, 50%-60% chỉ tiêu dành cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng trường này cho biết sau khi cân nhắc từ mức sàn và điểm chuẩn năm trước, phổ điểm thi năm nay và mức quan tâm của TS với từng nhóm ngành học, trường đưa ra mức điểm sàn 16-21 điểm cho 41 ngành học của cơ sở chính tại TP.HCM. Mức này tương tự năm trước và có nhỉnh hơn ở những ngành hot như công nghệ thông tin, kỹ thuật, công nghiệp thực phẩm…
Còn với Trường ĐH Công thương TP.HCM, những ngành có sức hút đối với TS như công nghệ thực phẩm, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, marketing, tài chính ngân hàng, kế toán, công nghệ thông tin, điểm sàn từ 20 điểm. Các ngành còn lại đa số từ 16 điểm.
Ngược lại, nhiều trường đưa ra mức điểm sàn khá thấp, chỉ 15-16 điểm, như các trường ĐH Hồng Bàng, Văn Hiến, Hoa Sen, Gia Định…
TS dễ ảo tưởng với điểm sàn thấp
Mặc dù theo lộ trình, các cơ sở đào tạo ĐH đều công bố điểm sàn để phụ huynh, TS nắm và làm cơ sở cân nhắc đăng ký nguyện vọng xét tuyển phù hợp. Tuy nhiên, với nhiều phương thức xét tuyển và bị động về số lượng TS đăng ký, việc đưa ra điểm sàn với nhiều trường chỉ là mức an toàn để nhận hồ sơ. Do đó, TS cần tìm hiểu kỹ thông tin từng trường, từng ngành để có lựa chọn phù hợp.
Ngay cả với trường tốp đầu như Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), mức điểm sàn chung cho điểm thi tốt nghiệp THPT là 18 điểm. Tuy nhiên, TS nên lưu ý đây là trường duy nhất tại TP.HCM có cách xét tuyển đặc biệt theo hình thức tổng hợp nhiều tiêu chí thành phần, chiếm tối đa lên đến 90% trong hơn 5.000 chỉ tiêu.
Tiến sĩ Trần Đình Lý khuyên TS khi đăng ký xét tuyển không nên dựa vào điểm sàn, vì năm nay các trường có nhiều phương thức xét tuyển nên điểm sàn chỉ là mức an toàn để tránh hụt nguồn tuyển, nhất là những trường tốp giữa và tốp dưới.
Do đó, ngoài điểm thi tốt nghiệp, TS cần phải đạt điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM từ 630/1.200 điểm và điểm học tập THPT (theo học bạ) từ 18/30 điểm (tổng điểm trung bình ba môn của ba năm học 10, 11, 12).
Trường hợp TS không dự thi đánh giá năng lực hoặc thi tốt nghiệp THPT, hội đồng tuyển sinh trường sẽ cân nhắc dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để thay thế (với một tỉ lệ nhất định) và ngược lại.
Về vấn đề này, theo ông Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, điểm sàn trường đưa ra khá sát với điểm chuẩn các năm, giúp TS thuận lợi hơn khi đăng ký xét tuyển và trường cũng chọn lọc dễ hơn. Vì nếu đưa ra điểm sàn thấp hoặc cách quá xa điểm chuẩn, cơ hội đăng ký cho TS nhiều hơn nhưng TS sẽ không chắc chắn, thậm chí dễ ảo tưởng khả năng trúng tuyển.
“Để chắc chắn, TS nên tham khảo điểm chuẩn của hai năm liền kề trước đó. Kỹ hơn, TS nên đối chiếu độ chênh của điểm sàn và điểm chuẩn năm trước ở những ngành các em muốn vào học để có lựa chọn phù hợp với điểm thi thực tế của bản thân năm nay” - Tiến sĩ Trần Đình Lý nói.
Tương tự, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết điểm sàn chung cho tất cả các ngành đại trà (trừ ngành dược học) của trường là 19 điểm, các ngành chính quy chất lượng cao và liên kết quốc tế là 18 điểm. Tại phân hiệu Quảng Ngãi, điểm sàn chung là 17 điểm.
Theo ông Nhân, đây chỉ là điểm nhận hồ sơ, không quan trọng với TS khi xét tuyển vì khi đăng ký, hầu như các em đều đã tham khảo điểm chuẩn năm trước.
Tuy nhiên, ông Nhân cũng lưu ý vì các trường còn dành chỉ tiêu lớn cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT nên TS cần mạnh dạn đăng ký vào những ngành, trường thực sự yêu thích. Trong các nguyện vọng nên dự phòng thêm những ngành mà điểm thi của TS bằng hoặc cao hơn điểm chuẩn năm trước của ngành đó.
Đến 17 giờ ngày 30-7, TS sẽ kết thúc đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào ĐH; CĐ đào tạo giáo dục mầm non.
Từ ngày 31-7 đến 17 giờ ngày 6-8: TS thực hiện nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến.
Từ 7 giờ ngày 12-8 đến trước 17 giờ ngày 20-8: Thực hiện lọc ảo sáu lần.
Chậm nhất 17 giờ ngày 22-8: Các cơ sở đào tạo công bố TS trúng tuyển đợt 1.