Ghi nhận gần 1.000 lô hàng trong vòng 1 năm kể từ lúc chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine nổ ra, số liệu cho thấy quốc gia vùng Vịnh nhập đến 75,7 tấn vàng với tổng giá trị 4,3 tỉ USD - tăng vọt từ 1,3 tỉ tấn năm 2021.
Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ xếp phía sau với lượng nhập khẩu khoảng 20 tỉ tấn mỗi nước. Cả ba chiếm 99,8% lượng vàng Nga xuất khẩu giai đoạn 24.2.2022 - 3.3.2023.
Nhanh chóng tìm thị trường mới
Không lâu sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhiều ngân hàng đa quốc gia, đơn vị cung cấp dịch vụ hậu cần cùng đơn vị tinh chế kim loại ngừng tiếp nhận vàng Nga vốn thường được chuyển đến trung tâm lưu trữ - giao dịch Luân Đôn.
Hiệp hội Thị trường vàng thỏi Luân Đôn đã cấm giao dịch vàng thỏi đúc tại Nga từ ngày 7.3.2022. Đến cuối tháng 8 năm ngoái thì Anh, Liên minh châu Âu, Thụy Sĩ, Mỹ, Canada, Nhật đều cấm nhập vàng thỏi Nga.
Nhưng các nhà sản xuất vàng Nga nhanh chóng tìm được thị trường mới là số quốc gia không hưởng ứng các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt, chẳng hạn UAE, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ.
Chuyên gia Louis Marechal (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) cho biết có rủi ro vàng Nga được nấu chảy rồi đúc lại, sau đó tìm đường đi vào thị trường Mỹ và châu Âu với nguồn gốc bị che đậy.
Ủy ban Vàng thỏi thuộc chính phủ UAE tuyên bố họ có quy trình chống lại hàng phi pháp, hành vi rửa tiền, thực thể chịu trừng phạt rõ ràng và mạnh mẽ.
“UAE sẽ tiếp tục giao dịch cởi mở và trung thực với các đối tác quốc tế của mình, tuân thủ tất cả quy tắc quốc tế hiện hành do Liên Hợp Quốc đặt ra”, ủy ban khẳng định.
Dữ liệu mà Reuters xem xét không cho thấy UAE, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm lệnh trừng phạt. Trước đó Mỹ từng cảnh báo các nước có thể không được tiếp cận thị trường G7 nếu giao dịch với thực thể chịu trừng phạt.
Giảm giá bán
Giám đốc một công ty vận chuyển lượng vàng lớn từ Nga sang UAE tiết lộ doanh nghiệp Nga bán vàng thỏi với mức giảm 1% so với giá chuẩn toàn cầu để thúc đẩy giao dịch.
Theo vị giám đốc giấu tên, phần lớn vàng mà công ty ông vận chuyển là dành cho đơn vị tinh chế nơi chúng được nấu chảy rồi đúc lại.
Trong nhiều trường hợp, hồ sơ hải quan chỉ hiển thị bên gửi hoặc bên tham gia giao dịch chứ không phải bên mua cuối cùng (có thể là đơn vị tinh chế, thợ kim hoàn hoặc nhà đầu tư).