Washington và Bắc Kinh những ngày gần đây đã có màn đấu khẩu liên tục sau khi Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) ngày 21-5 thông báo cấm các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng trong nước mua các sản phẩm từ nhà sản xuất công nghệ chip Micron của Mỹ. Động thái của Trung Quốc (TQ) dường như loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm của Micron khỏi thị trường tỉ dân này.
TQ “chơi lớn”
Trong một bài bình luận trên tờ The New York Times, xưa nay khi muốn loại các công ty công nghệ nước ngoài khỏi chuỗi cung ứng, Bắc Kinh từ lâu đã chọn hành động gián tiếp hoặc thậm chí bí mật, chẳng hạn như thực hiện các đợt khám xét văn phòng đột xuất. Có thể thấy hiếm khi TQ thẳng thừng tuyên bố rằng các công ty này không còn được chào đón nữa.
Lệnh cấm của TQ được đưa ra một ngày sau khi các lãnh đạo G7 (Nhóm bảy nền kinh tế tiên tiến trên thế giới) chỉ trích Bắc Kinh về loạt vấn đề liên quan tới Biển Đông, biển Hoa Đông, Đài Loan... Bộ Ngoại giao TQ sau đó cáo buộc phía G7 “cản trở hòa bình quốc tế” và nói rằng nhóm này cần “suy nghĩ về hành vi của mình và thay đổi hướng đi”.
Tuy nhiên, vụ Micron cho thấy điều này dường như đã thay đổi. Theo đài CNN, động thái mới nhất của TQ là một bước leo thang lớn trong bối cảnh hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang ở giữa cuộc chiến về quyền tiếp cận công nghệ quan trọng.
Giải thích cho nước đi này, CAC cho biết trong một cuộc đánh giá an ninh mạng, họ đã phát hiện ra rằng các sản phẩm của Micron đặt ra “những vấn đề an ninh mạng tương đối nghiêm trọng” có thể gây ra nguy hiểm lớn cho cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của TQ và đe dọa an ninh quốc gia của nước này.
Bắc Kinh đã bắt đầu đánh giá an ninh mạng đối với Micron vào cuối tháng 3 như một phần của cái mà họ gọi là “biện pháp quản lý thông thường”. Thông báo được đưa ra sau khi Washington hồi tháng 10-2022 đã áp đặt các biện pháp hạn chế lên ngành công nghiệp bán dẫn của TQ. Micron thời điểm đó cho biết họ “hợp tác đầy đủ” với cuộc điều tra và hoạt động kinh doanh của họ tại thị trường tỉ dân vẫn diễn ra bình thường.
Theo CNN, vài giờ sau lệnh cấm, Bộ Thương mại Mỹ cho biết kiên quyết phản đối các hạn chế này và cáo buộc chúng “không có cơ sở trên thực tế”. “Hành động này, cùng với các cuộc tấn công và nhắm mục tiêu gần đây vào các công ty Mỹ khác, không phù hợp với những khẳng định của TQ rằng họ đang mở cửa thị trường và cam kết tuân thủ một khung pháp lý minh bạch” - một phát ngôn viên của bộ này tuyên bố. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ “mối quan ngại rất nghiêm trọng” về lệnh cấm trên của Bắc Kinh.
Chia sẻ quan điểm này, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre khẳng định tuyên bố của Bắc Kinh là “không có cơ sở thực tế”, đồng thời cho biết Bộ Thương mại đang làm việc trực tiếp với TQ về trường hợp của Micron. Bên cạnh đó, lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Mỹ - ông Chuck Schumer cũng cho hay ông và chính quyền Tổng thống Joe Biden đang làm việc với cộng đồng doanh nghiệp và các đồng minh về vấn đề này.
Bộ Ngoại giao TQ tiếp đó phản ứng gắt sau khi phía Mỹ chỉ trích lệnh cấm này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Mao Ninh nói rằng Washington cũng nhiều lần liệt các công ty TQ vào danh sách đen thương mại, đồng thời chỉ trích đó là những hành vi cấu thành sự “cưỡng bức kinh tế” và nhấn mạnh điều này là không thể chấp nhận được.
Sẽ còn trả đũa?
Hạ nghị sĩ Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung tại Hạ viện Mỹ, kêu gọi chính quyền Washington cứng rắn hơn với TQ và trả đũa hành động của Bắc Kinh. Ông phát biểu: “Mỹ phải nói rõ với TQ rằng sẽ không dung thứ cho sự ép buộc kinh tế đối với các công ty hoặc đồng minh của mình”.
Ông cũng kêu gọi Bộ Thương mại nên ngay lập tức thêm các công ty TQ gồm CXMT vào danh sách đen và đảm bảo không có công nghệ nào của Mỹ được chuyển đến “CXMT, YMTC hoặc các công ty TQ khác hoạt động trong ngành này”. Theo hãng tin Reuters, CXMT là nhà sản xuất chip bộ nhớ DRAM hàng đầu của TQ và là bên có khả năng được hưởng lợi nhiều nhất từ lệnh cấm, còn YMTC cũng là một nhà sản xuất chip của Bắc Kinh và từng bị liệt vào danh sách đen hồi tháng 12-2022.
Về động thái này, ngoài nhằm đáp trả các lệnh cấm của Mỹ và đồng minh của Washington, Bắc Kinh còn giúp tạo dư địa cho công ty chip trong nước nhằm thúc đẩy năng lực sản xuất bán dẫn nội địa. Theo The New York Times, đối với Bắc Kinh, việc làm tổn thương một công ty Mỹ như Micron sẽ có ích cho nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực công nghệ trong nước.
“Có thể không khả thi hoặc không cần thiết phải thay thế hoàn toàn tất cả mọi thứ bằng hàng nội địa nhưng đối với những sản phẩm cốt lõi này, chúng tôi cần phát triển khả năng của riêng mình và tránh bị phụ thuộc quá mức. Điều này không chỉ áp dụng cho ngành công nghiệp chip mà còn cho các lĩnh vực khác” - ông Hạng Lập Cương, Giám đốc một tập đoàn công nghệ tại Bắc Kinh, chuyên cố vấn cho chính phủ, nhận định.
Liên quan đến khả năng Washington trả đũa, ông Jensen Huang, Giám đốc điều hành của Nvidia - công ty bán dẫn giá trị nhất thế giới, đã cảnh báo rằng ngành công nghệ Mỹ có nguy cơ bị “thiệt hại nặng nề” từ cuộc chiến chip giữa hai nước. Chia sẻ với tờ Financial Times, ông Huang cho biết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu do chính quyền ông Biden đưa ra nhằm làm chậm quá trình sản xuất chất bán dẫn của TQ đã khiến các tập đoàn ở Thung lũng Silicon rơi vào thế khó khi không thể bán chip tiên tiến tại thị trường lớn này.
Ông cảnh báo các nhà lập pháp Mỹ nên “suy nghĩ kỹ lưỡng” về việc áp đặt thêm các quy tắc hạn chế thương mại với TQ. “Chúng tôi không có thị trường dự trù nếu bị ngắt khỏi TQ. Thế giới chỉ có một TQ mà thôi” - ông nói, đồng thời nhấn mạnh các công ty Mỹ sẽ chịu “thiệt hại to lớn” nếu họ không thể giao dịch với Bắc Kinh.
Có thể thấy quan hệ song phương lại dường như gặp căng thẳng trong bối cảnh ông Biden chỉ mới vài ngày trước đã bày tỏ mong đợi quan hệ Mỹ - Trung sớm “tan băng” sau những căng thẳng liên quan đến việc quân đội Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu của TQ bay qua các địa điểm quân sự nhạy cảm hồi tháng 2.