Xóm tái định cư Lau Bai, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, Hòa Bình, là một bản người Dao đẹp thơ mộng, với vị trí địa lý đắc địa trên ngọn đồi hình yên ngựa, xuôi dần về phía hồ, cùng cảnh quan núi, sông kỳ vĩ.
Sáu năm trước, sau đợt lũ lịch sử, cơ sở hạ tầng, tài sản người dân bản Dao (xóm Lau Bai) đều bị cuốn trôi theo dòng nước lũ, đời sống vô cùng khó khăn.
Nhờ chính sách, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương, toàn bộ 30 hộ dân của xóm Lau Bai có nguy cơ sạt lở xuống sông Đà đã được di dời đến định cư tại nơi ở mới.
Điểm dừng chân hấp dẫn trong tương lai
Đợt mưa lũ lịch sử vào tháng 10/2017 vẫn còn trong ký ức và khiến nhiều người dân xóm Lau Bai vô cùng hoang mang.
Tuy nhiên, với sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương huyện Đà Bắc và các lực lượng chức năng của tỉnh Hòa Bình, các hộ dân xóm Lau Bai đã được đến nơi định cư mới an toàn.
Vị trí đắc địa hướng ra vùng hồ cùng cảnh quan thiên nhiên sông núi bao quanh đã tạo ra xóm Lau Bai đẹp thơ mộng.
Đặc biệt, với vị trí nằm cạnh vùng lòng hồ rộng lớn, phát triển nuôi trồng thủy sản và du lịch đang là hướng đi được người dân quan tâm.
Chính quyền xã Vầy Nưa đang chỉ đạo địa phương dần chuyển đổi phát triển loại hình dịch vụ du lịch homestay để xóm Lau Bai hướng đến là điểm dừng chân của du khách khi tham quan, vãn cảnh trên hồ Hòa Bình.
Một số hộ dân đã mạnh dạn vay vốn từ ngân hàng chính sách để đầu tư nuôi cá lồng, cho thu nhập cao. Ông Lý Văn Thân (người dân xóm Lau Bai) chia sẻ, chuyển đổi sang nuôi cá lồng giúp gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định.
Từ những khoản thu đó, năm 2018 với sự góp sức của anh em, bạn bè, gia đình ông đã xây được căn nhà khang trang trong xóm.
Ông Thân cho biết thêm nuôi cá lồng tại xóm Lau Bai rất phù hợp bởi vì gần lòng hồ, nước sạch. Từ khi chuyển nhà ra nơi ở hiện tại, việc nuôi cá của gia đình ông thuận lợi và mang lại lợi nhuận kinh tế cao hơn.
Tuy nhiên, hiện giá thức ăn còn cao, việc tiêu thụ có nhiều khó khăn. Đa phần người nuôi phải chủ động tìm kiếm đầu ra. Ông Thân mong muốn được các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ để gia đình ông cũng như nhiều hộ trong xóm có thể đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng.
Với quyết tâm an cư, làm kinh tế trên vùng hồ Hòa Bình, gia đình ông Thân đã đầu tư làm nhà nổi với số tiền 400 triệu đồng, hướng đến phát triển dịch vụ du lịch, phục vụ du khách đến tham quan và nghỉ lại tại xóm Lau Bai.
Một số hộ dân nơi đây đã đầu tư để phát triển dịch vụ du lịch; chú trọng nuôi các vật nuôi bản địa để phục vụ khách đến tham quan, lưu trú.
Cùng với sự vận động của chính quyền xã Vầy Nưa, thực hiện chủ trương hướng đến phát triển kinh tế, dịch vụ du lịch homestay, bà con xóm Lau Bai đang từng bước chỉnh trang lại cảnh quan, trồng cây xanh, hoa Ban ở hai bên đường dẫn từ đầu xóm xuống lòng hồ; đồng thời, quyết tâm giữ gìn và phát huy những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán lâu đời của đồng bào Dao nơi đây (như cách bố trí bàn thờ tổ tiên trong mỗi căn nhà, mặc trang phục truyền thống trong ngày trọng đại, tổ chức lễ cấp sắc, giữ nghề nhuộm vải và dệt thổ cẩm, hát Páo dung...).
Chi bộ xóm Lau Bai đã ra Nghị quyết về bảo tồn và phát triển văn hóa của dân tộc, mở lớp học truyền dạy chữ Dao cho con em.
Với sự chung tay vào cuộc của chính quyền địa phương huyện Đà Bắc, người dân nơi đây đang hướng đến xây dựng thành công bản du lịch cộng đồng người Dao trên vùng hồ, hứa hẹn sẽ là điểm dừng chân hấp dẫn du khách khi đến tham quan, vãn cảnh hồ Hòa Bình.
Từ xóm “chạy lũ” đến bản làng khang trang
Bí thư Chi bộ xóm Lau Bai Lý Quang Hoàng hồ hởi chia sẻ, từ khi được Đảng, Nhà nước cho chuyển đến nơi ở mới, đời sống của bà con ngày càng được nâng lên, nhà cửa khang trang hơn, làm ăn kinh tế dần ổn định.
Đến nay đã có trên 80% hộ dân trong xóm Lau Bai xây dựng được nhà xây kiên cố, những ngôi nhà to, đẹp khang trang, đường giao thông được cứng hóa, hạ tầng lưới điện, nước được đầu tư đồng bộ. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Nơi đây đang ngập tràn sức sống mới với cuộc sống no ấm và hạnh phúc. Đến nay, trên 80% hộ dân trong xóm xây dựng được nhà kiên cố, khang trang. Một số hộ trồng thêm cây ăn quả như mít thái, xoài... Đường giao thông được cứng hóa, hạ tầng lưới điện, nước được đầu tư đồng bộ.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vầy Nưa Xa Văn Si cho biết từ một xóm khó khăn nhất của xã, đến nay, Lau Bai là địa phương thay đổi nhiều nhất. Đời sống kinh tế của người dân ngày một nâng cao. Đây cũng là nơi người dân có thu nhập cao của xã.
Anh Lý Văn Thiện, Trưởng xóm Lau Bai cho biết: "Trước đây, bà con xóm Lau Bai phải đi rất xa mới mua được các mặt hàng thiết yếu. Giờ đây, mỗi ngày, lượng hàng hóa, nhu yếu phẩm sinh hoạt đều được các nhà buôn đưa đến tận xóm để bán và trao đổi với bà con."
Để có được những thành quả như vậy, người dân Lau Bai đã từng bước thay đổi bản thân, thay đổi cách nghĩ, cách làm.
Bí thư Chi bộ xóm Lau Bai Lý Quang Hoàng bộc bạch, trước kia, bà con Lau Bai chỉ trồng ngô, sắn và rừng; kinh tế tự cung tự cấp là chủ yếu. Rừng trồng 5-7 năm mới cho thu hoạch.
Những năm gần đây, để có thu nhập thường xuyên, ổn định hơn, người dân chọn đi làm ở các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Một số người lập tổ chuyên đi xây, phụ hồ ở trong xã.
Những đổi thay của xóm “chạy” lũ Lau Bai là minh chứng cho sự nỗ lực, đồng lòng vượt qua khó khăn, với mục tiêu an cư, lạc nghiệp, phát triển kinh tế của chính quyền địa phương và người dân nơi đây.
Tiềm năng du lịch cộng đồng tỉnh Hòa Bình
Loại hình du lịch cộng đồng phát triển mạnh mẽ kết hợp cùng tour du lịch khám phá hồ Hòa Bình đã tạo ra một điểm nhấn mới thu hút du khách trong và ngoài nước.
Những năm trở lại đây, người dân Lau Bai đã có một số hộ mạnh dạn vay vốn từ ngân hàng chính sách để đầu tư nuôi cá lồng và đã có được thu nhập kinh tế cao. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Nắm bắt lợi thế của địa phương và xu hướng của thị trường, ngành du lịch Hòa Bình đã và đang chỉ đạo, hướng dẫn doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và nhân dân bản địa hiểu được tầm quan trọng của phát triển du lịch trong sự phát triển chung về kinh tế-xã hội của vùng.
Nhiều khu du lịch đã được đầu tư cơ sở vật chất, phát triển gắn với những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các loại hình sản phẩm du lịch cung cấp tới du khách.
Đến nay, Hòa Bình có hơn 100 bản du lịch cộng đồng, phân bố rộng khắp, nổi bật là khu nghỉ dưỡng cao cấp Ba khan village resort, Kim Bôi Serena cùng các điểm du lịch cộng đồng như bản Lác, bản Ké, xóm Đá Bia…
Chương trình khám phá, trải nghiệm du lịch cộng đồng kết hợp du lịch tâm linh để có cơ hội tìm hiểu phong tục, tập quán và cuộc sống của đồng bào Mường khu vực lòng hồ Hòa Bình đang nhận được nhiều sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.
Ngắm bản làng trong những buổi sớm mai hay những buổi chiều hoàng hôn cùng khói lam chiều bảng lảng thực sự sẽ mang đến cho du khách những cảm nhận thật ấn tượng và yên bình về một vùng đất chứa đựng nhiều điều hấp dẫn của văn hóa Mường Hòa Bình./