Theo Nghị quyết của Chính phủ, mục tiêu đến ngày 30/6/2023 phải bàn giao cơ bản 70% mặt bằng và tổ chức khởi công dự án. Nhưng đến thời điểm này, vẫn còn nguy cơ lụt tiến độ.
Hà Nội nhanh chóng cắm mốc giới, giải phóng mặt bằng
Đoạn đường Vành đai 4 sẽ đi qua địa bàn xã Song Phương (huyện Hoài Đức, Hà Nội) và giao với Đại lộ Thăng Long.
Trên địa bàn Hà Nội, 4 vị trí dự kiến khởi công dự án do Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội đề xuất gồm: Điểm giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với Quốc lộ 2, thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (gói thầu số 08); vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với đường Phương Bảng, địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức (gói thầu số 09); vị trí giao trục phía Nam thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai (gói thầu số 10) và vị trí giao với QL1A cũ, địa phận xã Văn Bình, huyện Thường Tín (gói thầu số 11).
Sáng 22/5, có mặt tại vị trí gói thầu số 09 (xã Song Phương, huyện Hoài Đức), PV ghi nhận khu vực này là những dải đất nông nghiệp nối dài đang được trồng cây cảnh, cây ăn quả.
Theo người dân ở đây, họ đã nhận được tiền đền bù từ dự án với số tiền 360 triệu đồng/sào.
Bà Nguyễn Xuân Loan, xã Song Phương có hơn 1 sào đất nông nghiệp thuộc diện thu hồi để thực hiện dự án, cho hay: “Bà con quanh đây đều đồng thuận giao đất cho Nhà nước làm đường. Chúng tôi chỉ mong dự án nhanh chóng được hoàn thành để việc đi lại, giao thương thêm thuận lợi, đời sống tốt hơn”.
Theo ghi nhận của PV, sau khi được Sở TN&MT bàn giao mốc giới trên địa bàn 4 phường Đồng Mai, Phú Lãm, Yên Nghĩa và Phú Lương thuộc quận Hà Đông, đến nay người dân khu vực này đã nhận được tiền đền bù.
Dù vậy, mặt bằng vẫn đang trồng lúa, hoa màu.
Tại địa bàn huyện Sóc Sơn, dự án đi qua 2,4km. Diện tích đất cần giải phóng là 48,23ha, thuộc 2 xã Tân Dân và Thanh Xuân. Huyện Sóc Sơn cũng là điểm đầu của dự án kết nối với các tỉnh phía Bắc, cửa ngõ để vào nội thành Hà Nội; giao cắt với Quốc lộ 2, đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Quốc lộ 18 và Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài.
Báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn, tính đến giữa tháng 5, huyện đã phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng 44,48ha (bằng 92%) với số tiền 223,8 tỷ đồng. Huyện đã chỉ trả bồi thường 43,83ha (bằng 91%) với số tiền 220,3 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, đến ngày 1/6/2023, huyện phê duyệt, chi trả và nhận bàn giao mặt bằng đạt ít nhất 46,3ha (bằng 96%); đến hết ngày 30/6/2023 sẽ thu hồi 47,95 (bằng 99,4%).
Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức thông tin, tính đến ngày 17/5, huyện đã phê duyệt bồi thường hỗ trợ di chuyển và tổ chức chi trả 1.820/2.297 ngôi mộ với số tiền 18,33 tỷ đồng; phê duyệt và tổ chức chi trả cho 4.133 hộ dân có đất, có tài sản trên đất với số tiền 1.214,8 tỷ đồng, tổng diện tích đất đã thu hồi 117ha, tỷ lệ giải phóng mặt bằng toàn tuyến đạt 50%. Dự kiến hết tháng 5, tỷ lệ giải phóng mặt bằng đạt 70,6%.
Tại Hà Đông, đến nay đã giải ngân được 725,25 tỷ đồng, dự kiến bàn giao toàn bộ diện tích mặt bằng trước ngày 30/5/2023. Để đảm bảo đủ nguồn kinh phí, quận kiến nghị thành phố xem xét, bố trí thêm ngân sách để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ trong tháng 5 - 6/2023.
Hưng Yên: Làm không kể ngày nghỉ
Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, dự án có 19,3km đi qua 4 huyện (Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ và Văn Lâm). Để thực hiện dự án, tỉnh phải thu hồi, giải phóng mặt bằng tổng diện tích 263,7ha.
Trong đó, thu hồi đất của 843 hộ, di dời 3.327 ngôi mộ, 15 vị trí điện cao thế; dự kiến diện tích bố trí tái định cư là 50ha. Tổng kinh phí thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án khoảng 5.966,84 tỷ đồng.
Để đảm bảo mục tiêu bàn giao 70% mặt bằng trước ngày 30/6/2023, thời gian vừa qua Hưng Yên đã chỉ đạo quyết liệt các cấp chính quyền địa phương. Đồng thời huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Tại xã Tân Tiến, dù là ngày nghỉ, toàn bộ lãnh đạo xã vẫn đi cơ sở để đo đạc, kiểm đếm, vận động người dân phát quang cây cối, di dời tài sản phục vụ dự án.
Ông Hoàng Trọng Phận - Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, huyện Văn Giang cho biết: Dự án qua xã có tổng chiều dài khoảng 2km, qua 4 thôn và ảnh hưởng đến đất, tài sản của hơn 400 hộ dân.
Ngay khi được giao nhiệm vụ, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết triển khai tới từng chi bộ thôn và vận động tất cả các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội cùng tham gia. Hiện thời gian không còn nhiều, nên xã yêu cầu tất cả các cán bộ trong hội đồng GPMB phải làm việc không kể thời gian.
Còn tại xã Mễ Sở, ngoài việc phải thu hồi đất thổ cư, đất nông nghiệp, Đường Vành đai 4 còn đi qua khu vực nghĩa trang, nhà thờ nên công tác di dời GPMB càng trở nên phức tạp. Xã đã thành lập Hội đồng xét duyệt nguồn gốc đất đai và tài sản, Ban GPMB, Tổ tuyên truyền vận động và các Tổ giúp việc để triển khai nhiệm vụ.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mà đa số nhân dân đều đồng thuận.
Theo thống kê của Hưng Yên, đến nay các địa phương có diện tích thuộc dự án đã hoàn thành trích lục bản đồ địa chính, hoàn thành công tác rà soát, quy chủ đất và đang dự thảo thông báo thu hồi đất và tổ chức kiểm đếm. UBND các huyện đã thực hiện việc xác định vị trí tái định cư, trình Sở Xây dựng để thẩm định, trình UBND tỉnh chấp thuận vị trí.
Đến nay, Quỹ phát triển đất tỉnh đã tạm ứng 42 tỷ đồng để các địa phương tổ chức chi trả cho người dân di chuyển mồ mả.
Bắc Ninh kiến nghị lùi thời điểm khởi công
Đông đảo người dân Bắc Ninh đến phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh nhận tiền bồi thường, GPMB xây dựng đường Vành đai 4. Tuy nhiên, do vướng mắc thủ tục nên địa phương này đang đề nghị lùi ngày khởi công. Ảnh: Nguyễn Thương
Trong khi đó, tình hình tại Bắc Ninh có vẻ gặp nhiều vướng mắc hơn. Vướng mắc này không đến từ khâu giải phóng mặt bằng mà do các thủ tục khác.
Về mặt bằng, các hộ dân đều cho biết, do đã được chính quyền địa phương phổ biến chủ trương xây dựng tuyến đường nên rất ủng hộ, sẵn sàng nhận tiền đền bù và nhường đất.
Theo Ban Quản lý dự án xây dựng giao thông tỉnh Bắc Ninh, đoạn qua địa bàn tỉnh có tổng chiều dài khoảng 35,3km. Trong đó có 25,6km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nhánh kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tại tỉnh Bắc Ninh sẽ triển khai 2 dự án thành phần 1.3 và 2.3.
Trong đó, dự án thành phần 1.3 đã được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt với tổng mức đầu tư (không bao gồm hạng mục tái định cư, mở rộng nghĩa trang) là 2.479,956 tỷ đồng.
Tổng diện tích đất cần thu hồi trong phạm vi thực hiện dự án là 358,39ha. Về tổng thể, tiến độ bàn giao mặt bằng sạch sẽ đạt 80% trước ngày 15/6/2023.
Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo xây dựng đường Vành đai 4 Bắc Ninh, hiện công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giác tác động môi trường và báo cáo nghiên cứu kỹ thuật dự án thành phần 1.3 đang chậm hơn 4 tháng so với yêu cầu.
Nguyên nhân do công tác thống kê số liệu và khái toán chi phí GPMB chậm. Tương tự, các thủ tục này đối với dự án thành phần 2.3 cũng chậm tiến độ khoảng 3 tháng.
Nguyên nhân do công tác bổ sung, hoàn thiện hồ sơ của chủ đầu tư, thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng (Bộ Xây dựng) chậm so với kế hoạch.
Ông Kim Trung Kiên, Phó giám đốc Ban QLDA xây dựng giao thông tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: Đến nay, HĐND tỉnh Bắc Ninh cũng đã phân bổ hơn 1.300 tỷ đồng để triển khai dự án thành phần 1.3. Trong đó, 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương, hơn 300 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
Hiện, công tác triển khai xây dựng còn một số vướng mắc như: Tổng mức đầu tư dự án thành phần 1.3 có nguy cơ tăng gấp hơn 2 lần so với khái toán ban đầu.
Lý do, khái toán được lập trên cơ sở đơn giá bồi thường hỗ trợ, tái định cư GPMB theo bảng giá nhân hệ số điều chỉnh theo các quyết định của UBND tỉnh Bắc Ninh là 2.480 tỷ đồng.
Trong khi đó, đơn giá bồi thường đất ở tính theo giá thị trường, dự kiến là trên 5.300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dự án triển khai xa nguồn vật liệu, xa bãi đổ thải nên có nguy cơ đội chi phí.
Theo quy định, các dự án sẽ đồng loạt khởi công trước ngày 30/6/2023. Tuy nhiên, do tiến độ thẩm định dự án chậm so với tiến độ yêu cầu nên Ban Chỉ đạo xây dựng đường Vành đai 4 Bắc Ninh kiến nghị lùi thời gian khởi công các dự án qua địa bàn đến tháng 7/2023.
Vị trí khởi công tại nút giao Tây Nam TP Bắc Ninh, thuộc phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh.