Nhà đầu tư chứng khoán đang rất chờ đợi thêm một đợt giảm lãi suất điều hành nữa của Ngân hàng Nhà nước cũng như chính sách giảm thuế VAT 2% nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân. Đây là nhận định của chuyên gia tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT).
*Có thể là “cú hích”
Theo VNDIRECT, những chính sách này nếu được thông quacó thể là cú hích để chỉ số VN-Index thiết lập lại xu hướng tăng điểm và hướng đến các cột mốc cao hơn trong giai đoạn tới.
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến giằng co trong tuần giao dịchvừa qua với chỉ số VN-Index dao động trong vùng 1.058 - 1.077 điểm và chốt tuần tại tại mức 1.067 điểm, gần như không đổi so với cuối tuần trước đó.
Điểm tích cực là thanh khoản thị trường tiếp tục có sự cải thiện so với tuần trước đó. Theo quan sát của VNDIRECT, dòng tiền trong nước đã bắt đầu quay trở lại thị trường chứng khoán trong bối cảnh mặt bằng lãi suất trong nước dần hạ nhiệt.
Dòng tiền đã có sự cải thiện, tuy nhiên để thị trường có thể bứt phá qua vùng kháng cự mạnh 1.080 - 1.100 điểm thì cần thêm những thông tin hỗ trợ từ chính sách trong nước.
Nhà đầu tư chứng khoán kỳ vọng “cú hích” từ chính sách.
Theo Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), có thể thấy mục tiêu xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước vẫn là giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Mặc dù lãi suất huy động từ đầu năm đã giảm đáng kể, sẽ cần thêm thời gian (độ trễ 1-2 quý) trước khi lãi suất cho vay có thể giảm thêm.
Cùng đó, giai đoạn này, thị trường chờ đợi các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía chính sách tài khóa như giảm thuế, phí, cải thiện môi trường kinh danh cho doanh nghiệp.
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận định, về tình hình vĩ mô, thị trường vẫn đang trong giai đoạn trầm lắng do địa chính trị thế giới đang có nhiều bất ổn, kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp dẫn tới đơn hàng xuất khẩu sụt giảm.
Điểm tích cực là lãi suất của Việt nam đang có xu hướng giảm trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đang có những tín hiệu tiếp tục bơm tiền vào hệ thống tài chính - tín dụng nhằm hỗ trợ giảm thiểu rủi ro thanh khoản của các ngân hàng Mỹ.
Nhiều chính sách đã được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, tuy nhiên cần nhiều thời gian để đánh giá hiệu quả trên thực tế. Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán thường có những phản ứng sớm nên cũng có thể kỳ vọng việc thị trường chuyển trạng thái sang vận động tích cực hơn.
Về diễn biến cụ thể, SHS cho biết, tuần qua diểm tích cực là thị trường giao dịch sôi động với nhiều mã, nhóm mã tich cực vượt các vùng giá đỉnh cũ với thanh khoản gia tăng mạnh.
Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 63.225 tỷ đồng, tăng hơn 15,5%; khối lượng giao dịch tăng 10,9% thể hiện nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giao dịch tích cực. Trong khi đó, thanh khoản HNX giảm nhẹ 0,7% với 7.949 tỷ đồng được giao dịch. Như vậy, thanh khoản trên 2 sàn niêm yết vượt mức trung bình.
Về diễn biến khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại trên HOSE với giá trị 815,41 tỷ đồng, họ cũng mua ròng 56,01 tỷ đồng trên HNX.
Theo SHS, các thông tin có tác động đến thị trường trong tuần qua bao gồm: VinFast Auto Pte. Ltd. (VinFast) công bố thỏa thuận sáp nhập với Black Spade Acquisition Co (Black Spade) với giá trị doanh nghiệp sau sáp nhập là khoảng 27 tỷ USD và tiếp tục kế hoạch niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Cùng đó, Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, đạt tỷ lệ khoảng 30,9%-39,2% vào năm 2030, 67,5%-71,5% vào năm 2050.
Các thông tin trên đã hỗ trợ tích cực cho nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VHM.. hay nhóm cổ phiếu năng lượng, dầu khí; trong đó, nổi bật trong tuần là nhóm cổ phiếu dầu khí với nhiều mã tăng giá tốt vượt các vùng đỉnh cũ với thanh khoản tăng mạnh đột biến như PVB tăng 16,08%, PVS tăng 7,60%, PGD tăng 7,21%, PVC tăng 6,71%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhiều mã cũng tăng giá tích cực với thanh khoản cải thiện, nổi bật như NAB tăng 5,36%, VIB tăng 4,39%, STB tăng 3,92%, SHB tăng 1,72%... , trong khi các ngân hàng lớn chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản thấp với CTG giảm 1,41%, BID giảm 1,33%...
Nhóm cổ phiếu bất động sản ngoài các cổ phiếu đầu ngành VHM tăng 5,66%, VIC tăng 1,55%, SJS tăng 1,35%. Trong khi đó, đa phần các mã cổ phiếu còn lại chịu áp lực điều chỉnh mạnh như L14 giảm 9,5%, NTL giảm 6,3%, CEO giảm 5,93%, NLG giảm 5,47%, SCR giảm 4,73%...
*Chứng khoán thế giới diễn biến trái chiều
Trong bối cảnh chỉ số chứng khoán Việt Nam đi ngang thì các thị trường chứng khoán thế giới tuần qua diễn biến trái chiều.
Thị trường chứng khoán Âu-Mỹ đi ngược chiều nhau phiên 19/5; trong đó, chứng khoán châu Âu tăng với chứng khoán Frankfurt đạt mức cao kỷ lục mới nhờ niềm tin vào thỏa thuận trần nợ của Mỹ. Tuy nhiên, phố Wall mất đà sau tin tức các cuộc đàm phán về trần nợ bị đình trệ.
Tại châu Âu, chỉ số DAX 40 của Frankfurt tăng 0,7%, đóng cửa ở mức cao 16.275,38 điểm. Trong phiên, chỉ số này có lúc vượt mốc 16.300 điểm để đạt mức cao kỷ lục là 16.331,94 điểm.
Chỉ số FTSE 100 của London tăng 0,2% lên 7.756,87 điểm, còn chỉ số CAC 40 của Paris tăng 0,6% lên 7.491,96 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 0,6% lên 4.395,30 điểm.
Thị trường châu Âu tăng điểm sau phiên giao dịch khá sôi động ở châu Á, dù cho chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải giảm điểm do lo ngại về kinh tế Trung Quốc.
Phố Wall mở cửa phiên cũng giao dịch trong vùng xanh, song sau đó chuyển màu do báo cáo cho thấy các cuộc đàm phán tại Washington vấp phải cản trở. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,3% xuống 33.426,63 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,1% xuống 4.191,98 điểm, chỉ số công nghiệp Nasdaq Composite giảm 0,2% xuống 12.657,90 điểm.
Tuy vậy, nhà phân tích Patrick O’Hare của chuyên trang tài chính Briefing.com cho rằng mức giảm vừa phải này thể hiện niềm tin của thị trường vào một thỏa thuận có thể đạt được và Chính phủ Mỹ sẽ không rơi vào cảnh vỡ nợ.
Một phiên giao dịch tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN phát
Tại châu Á, phần lớn các thị trường chứng khoán khởi sắc trong phiên chiều 19/5; trong đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản chạm mức cao nhất trong 30 năm.
Khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,8% lên 30.808,35 điểm, đánh dấu phiên tăng điểm thứ bảy liên tiếp, sau khi lần đầu tiên trong 20 tháng qua xô đổ ngưỡng tâm lý 30.000 điểm trong phiên 17/5. Phiên này, chỉ số Nikkei 225 đã có thời điểm tăng lên 30.924,57 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 8/1990, thời kỳ “bong bóng” chứng khoán của Nhật Bản.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực về vấn đề trần nợ ở Mỹ, thị trường chứng khoán Nhật Bản khởi sắc nhờ kết quả lợi nhuận doanh nghiệp khả quan, đồng yen giảm trước những dự đoán rằng Ngân hàng trung ương Nhật Bản sẽ duy trì chính sách kích thích lâu hơn, và nền kinh tế nước này bắt đầu có dấu hiệu phục hồi hoạt động tiêu dùng sau đại dịch COVID-19.
Sắc xanh cũng được ghi nhận tại các thị trường Sydney, Seoul, Singapore, Mumbai, Đài Bắc, Manila, Wellington và Jakarta.
Sự khởi sắc của thị trường chứn khoán châu Á trong phiên cuối tuần nhìn chung được thúc đẩy bởi kỳ vọng của giới đầu tư rằng các nhà hoạch định chính sách của Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận nâng trần nợ để tránh nguy cơ vỡ nợ.
Nhưng thị trường khu vực cũng bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm tại thị trường Hong Kong (Trung Quốc) và Thượng Hải do những lo ngại về kinh tế Trung Quốc.
Cụ thể, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 1,4% xuống 19.450,57 điểm do sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ sau khi “gã khổng lồ” Alibaba báo cáo lợi nhuận kém khả quan, qua đó làm gia tăng những lo ngại về nền kinh tế và nhu cầu tiêu dùng suy yếu của Trung Quốc. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cũng giảm 0,4% xuống 3.283,54 điểm